Trầm cảm sau sinh: Nỗi ám ảnh thức trắng đêm trông con
Đã 3 năm trôi qua nhưng ký ức về những đêm thức trắng trông con, dật dờ như chiếc bóng của chị vẫn nguyên vẹn.
Nuôi con là hành trình không hề dễ dàng (ảnh minh hoạ)
“Sinh con, chăm con, mình bỗng sợ bóng đêm, sợ con và cảnh giác với tất cả. Tối nào cũng vậy, đều đặn, 8 giờ tối, nỗi sợ hãi vô hình ập đến, tim đập loạn xạ, tức ngực như không thể thở được”, chị Hà (Hà Nội) kể lại trải nghiệm của mình khi sinh và chăm sóc cậu con trai đầu lòng cách đây 3 năm. Đã 3 năm trôi qua nhưng ký ức về những đêm thức trắng trông con, dật dờ như chiếc bóng của chị vẫn nguyên vẹn.
Chị chia sẻ, ngay cả thời điểm mới sinh, lúc đau đớn và mệt mỏi nhất, chị cũng cho rằng mình đang làm quá lên. Đàn bà nào chẳng sinh con và thức đêm vốn dĩ là một phần của việc nuôi con nhỏ. Nhưng chị không ngờ lại có những đêm trông con mệt mỏi và áp lực đến vậy.
Con trai chị theo như ông bà nói là bị khóc dạ đề. Suốt ba tháng đầu, đều đặn, cứ 8 giờ tối là tiếng khóc vang lên, ròng rã đến 12 giờ đêm, dỗ cách nào cũng không nín, hoặc chỉ nín một chút rồi lại khóc. Em bé không chịu nằm giường hay cũi, chị phải bồng bế trên tay, tranh thủ lúc con ngủ thì tựa đầu vào tường chợp mắt.
Chị không hiểu vì sao mà sau khi sinh mổ, chị luôn trong trạng thái buồn ngủ dù trước đó là “cú đêm”. Cơn buồn ngủ dữ dội đến mức chị vừa bế ru con vừa bước đi loạng choạng như muốn ngã xuống. Cái cảm giác mắt mỏi rũ, thần kinh tê liệt nhưng vẫn phải gồng lên tỉnh táo để trông con là cảm giác khiến chị sợ hãi nhất.
“Thời gian đầu, chỉ cần con ngủ là mình tranh thủ chợp mắt được ngay nhưng càng về sau này mình càng khó ngủ. Có những đêm 5 giờ sáng con mới chịu ngủ mình bị ức chế và căng thẳng thần kinh đến độ không thể ngủ được nữa. Lâu ngày mình sinh ra sợ bóng đêm”, chị tâm sự.
Yêu con, thương con nhưng chị ám ảnh tiếng khóc của con vô cùng. Đã có lần, chị không giữ được bình tĩnh, dằn mạnh thằng bé xuống giường, đứng phắt dậy, chỉ vào mặt con chì chiết. Con oà khóc, chị chợt tỉnh nhưng lại chẳng biết làm gì, chỉ ngồi đó ngây dại nhìn con và nhìn chiếc bóng đèn.
“Không biết bao lần mình cứ ngây dại nhìn con khóc, vô hồn, không một cảm xúc, không xót, không thương. 3 năm rồi, mình vẫn không thể lý giải được trạng thái tâm lý đó”, chị chia sẻ.
Điều chị Hà mong mỏi duy nhất khi ấy là có người giúp chị trông con, để chị được yên thân ngủ 2 tiếng liền một đêm. Nhưng chồng chị phải ngủ phòng riêng yên tĩnh để mai có sức đi làm, mẹ chồng thì bị huyết áp cao không thể không ngủ đủ 8 tiếng một đêm, mẹ đẻ lại ở quá xa… Trong cuộc chiến nuôi con này, chị chỉ có một mình.
“Hồi đó, mình không biết nhiều về trầm cảm sau sinh chỉ biết bản thân không ổn. Cứ tiếp tục thế này, sẽ có lúc mình làm hại con và hại chính mình mất, phải thoát ra thôi. Con tròn 4 tháng tuổi, mình nhờ bà nội và thuê giúp việc trông nom để đi làm. Vẫn có những đêm trông con rất mệt mỏi nhưng những mối quan hệ xã hội tích cực giúp mình điều hoà tâm trạng. Nhờ thuê giúp việc, mình cũng có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Cả thể chất và tinh thần dần ổn định”, chị kể.
Nhiều bà mẹ rơi vào trạng thái căng thẳng khi thức đêm trông con (ảnh minh hoạ)
Chị Hà hiểu rằng, không phải ai cũng may mắn có công việc để làm, có tiền để thuê giúp việc trông con, có cơ hội để “thoát ra” như mình. Có những bà mẹ vì quá áp lực và mệt mỏi khi chăm con nhỏ đã rơi vào trầm cảm. Điều họ cần nhất khi ấy là sự quan tâm, chia sẻ từ chồng và người thân, mọi sự hỗ trợ dù là nhỏ nhất đều rất quý giá.
“Chẳng có người mẹ nào con khóc không dỗ, chẳng có người mẹ nào không muốn đủ sữa cho con, cũng chẳng có người mẹ nào đẻ không đau hay không biết mệt… Bản thân họ biết rõ, đẻ được thì phải nuôi được nhưng nuôi con nhỏ quả thật quá vất vả, họ cần sự sẻ chia giúp đỡ của người thân. Các bà mẹ có con nhỏ cũng hãy cố gắng duy trì lối sống tích cực, suy nghĩ lạc quan và đặc biệt là chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi bước vào hành trình làm mẹ”, chị Hà khuyên nhủ.
Chị Trang (29 tuổi, Hà Nội) cũng có khoảng thời gian choáng ngợp vì cuộc sống quá khác biệt sau khi sinh con. Chị từng nghĩ nuôi con nhàn tênh vì con có tới 3 tháng “trăng mật”, trong khi các em bé khác một đêm dậy 5 lần ti sữa thì con chị chỉ tỉnh 1, 2 lần. Nhưng từ tháng thứ 4 trở đi, cũng là lúc chị quay trở lại công việc, chị mới thấm cảnh nuôi con nhỏ.
Chị Trang là giáo viên, ban ngày đi dạy, tối về phải chấm bài kiểm tra, soạn giáo án… Đêm đến, chị lại phải thức trông con.
Em bé nhà chị có những hôm 11 giờ khuya mới ngủ, rồi 3 giờ sáng lại dậy chơi mà giữa khoảng đó còn tỉnh đôi ba lần đòi bú mẹ. Chị bế con vừa ru ngủ, vừa nhìn đồng hồ, chỉ còn 3 tiếng nữa mẹ phải chuẩn bị đi làm mà con vẫn tỉnh như sáo. Chị thao láo mắt nhìn con trong bất lực.
“Nhiều đêm như thế khiến thần kinh mình căng thẳng, chồng bên cạnh thì ngáy khò khò mà kể cả anh ấy có thức thì con cũng không theo bố. Sáng nào mình cũng lên lớp trong tình trạng uể oải, mặt mũi xanh ngắt như tàu lá chuối. Đôi khi, mình chỉ muốn bỏ việc để được ngủ thêm 1, 2 tiếng mỗi sáng nhưng bỏ việc rồi thì tiền đâu nuôi con”, chị tâm sự.
Chị Trang từng nghe rất nhiều về trầm cảm sau sinh, cũng từng lo lắng mình sẽ rơi vào tình cảnh đó. Bởi lẽ, việc thức đêm chăm sóc con đã rút cạn năng lượng của người mẹ, nếu phải đối mặt với nhiều nguồn áp lực khác nữa, họ sẽ gục ngã.
“Thay vì phán xét một bà mẹ không đủ sữa nuôi con, sữa nóng nên con còi hay trách móc một bà mẹ luôn than vãn, cáu giận… xin mọi người hãy thấu hiểu, bao dung và giúp đỡ họ. Họ là những bà mẹ chỉ mới hôm trước thôi còn tự do đến nơi mình thích, làm việc mình muốn và tưởng tượng việc có con toàn là màu hồng.
Cũng đừng so sánh các bà mẹ với nhau, đặc biệt là thế hệ trước và thế hệ này. Mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh, một ngưỡng chịu đựng khác nhau. Hãy giúp đỡ để họ có hoàn thành tốt nhất vai trò làm mẹ của mình”, chị Trang nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Cho con bú nơi công cộng nhưng hình ảnh tế nhị này của Pacharaveerin lại được nhiều người khen ngợi.