Chia sẻ từ tình nguyện viên SEA Games 31: Mệt nhọc mấy cũng "tan thành mây"!
Mang màu áo xanh của tuổi trẻ, sự năng động trẻ trung và trái tim nhiệt huyết, đội ngũ tình nguyện viên Gen Z đã giúp Ban tổ chức SEA Games 31 vơi đi phần nào áp lực và ghi lại những dấu ấn không thể quên.
Các tình nguyện viên phụ trách hỗ trợ trên sân bóng rổ tại Nhà thi đấu huyện Thanh Trì. Ảnh: Hương Trà
Để có được đội ngũ tình nguyện viên hùng hậu, ngay từ đầu năm Ban Tổ chức Đại hội đã làm việc với hai trường đại học lớn tại Hà Nội để tuyển chọn tình nguyện viên. Hơn 3.000 tình nguyện viên đã được ban tổ chức đánh giá và lựa chọn kỹ càng dựa trên các tiêu chí về ngoại hình, khả năng ngoại ngữ, tinh thần trách nhiệm và phải đảm bảo về mặt sức khoẻ.
SEA Games diễn ra từ ngày 12/5 - 23/5 và gần như ngày nào cũng có trận thi đấu giữa các đội tuyển. Vì thế, bên cạnh thành viên Ban Tổ chức thì các tình nguyện viên cũng hoạt động hết công suất.
"Mệt nhọc mấy cũng tan thành mây"
Dương Minh Anh (sinh viên năm nhất ĐH Ngoại Ngữ) cho biết, được chọn làm tình nguyện viên cho SEA Games 31 là một điều cực kỳ may mắn: “Khi thấy bài viết thông báo tuyển tình nguyện viên là mình điền đơn đăng ký ngay mà không do dự. Mình rất mong muốn được góp sức trẻ cho sự kiện ý nghĩa này.”
Là một trong số các tình nguyện viên phụ trách đón tiếp đoàn thể thao các nước, Thanh Thảo (sinh viên ĐH Hà Nội) vẫn không quên được cảm giác hào hứng. Thảo chia sẻ, cô bạn nhận nhiệm vụ hỗ trợ việc di chuyển và ăn ở của đội điền kinh Campuchia: "Tuy mệt nhưng mình cũng rất vui vì đã giúp đỡ được những vận động viên, huấn luyện viên quốc tế khi sang thi đấu ở đất nước mình.”
Thanh Thảo (phải) và VĐV điền kinh Campuchia chụp ảnh lưu niệm trước khi đoàn thể thao về nước. Ảnh: NVCC
Bên cạnh việc chăm sóc, phiên dịch cho các đội thi, Thảo thấy rằng mình cũng đang làm một công việc của "đại sứ văn hóa" khi đã giới thiệu được những tinh hoa ẩm thực, du lịch, nếp sống của con người Việt Nam đến nước bạn. Để có thể hoàn thành thử thách "6 ngày 6 đêm làm tình nguyện viên SEA Games 31". trước đó, cô bạn đã tự bổ sung kiến thức tiếng Anh giao tiếp để công việc phiên dịch diễn ra suôn sẻ hơn.
Cô bạn cho biết, dù chỉ gắn bó với nhau 2 tuần, nhưng mọi người ai cũng rất hòa đồng và dễ mến. Ảnh: NVCC
Và còn được tặng quà lưu niệm phiên bản "limited" nữa. Ảnh: NVCC
Căng thẳng nhưng... cứ "bật chế độ bay lên" cùng SEA Games
Thanh Nga (sinh viên năm nhất ĐH Hà Nội) chia sẻ, khó khăn nhất đối với cô bạn là vấn đề thời gian và thể lực cá nhân. Phụ trách hỗ trợ đội bóng rổ nữ Việt Nam, Thanh Nga phải "cân" khá nhiều công việc như: thông báo lịch tập, liên hệ xe đón đoàn, hỗ trợ mua các trang thiết bị cần thiết khi thi đấu và tập luyện... “Sáng sớm, mình bắt xe buýt đến khách sạn rồi cùng đi với đội đến nhà thi đấu hay địa điểm tập và sẽ hỗ trợ đoàn trong những lúc đó. Các trận đấu bóng rổ và lịch tập liên tiếp trong các ngày nên lịch làm việc khá căng và đòi hỏi có sức khỏe tốt. Do đi sớm về muộn nên hầu như hôm nào cũng chỉ ngủ 4-5 tiếng.”
Mệt thì mệt, nhưng được chụp chung với "idol" thì còn gì bằng. Ảnh: NVCC
Dù vậy, cô bạn đã được truyền động lực từ chính những vận động viên tại SEA Games 31, đây là trải nghiệm lần đầu tiên không bao giờ quên được: “Mình ấn tượng nhất là tinh thần, ý chí chiến đấu không bỏ cuộc của các VĐV, nhất là các VĐV đội tuyển Việt Nam. Đặc biệt là có cơ hội được sống trong bầu không khí thể thao đầy sự quyết tâm của VĐV cùng với sự cổ vũ không thể nhiệt tình hơn của các cổ động viên.”
Thanh Nga cũng không quên ghi lại trận đấu ở cự li gần. Ảnh: NVCC.
Tổng kết về 2 tuần gắn bó cùng SEA Games 31, cả 3 cô bạn Minh Anh, Thanh Thảo, Thanh Nga đều có cho mình nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tất cả đều hòa chung dưới bầu không khí nóng nhiệt của các trận đấu, cùng cổ vũ cho đội mình yêu thích. Tất cả đều đúng với tinh thần của khẩu hiệu SEA Games 31: "For a stronger South East Asia" (Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn).
Trong con mắt của bạn gái, Nhâm Mạnh Dũng điềm đạm, biết suy nghĩ và sống tình cảm.
Nguồn: [Link nguồn]