Trải lòng của nữ giảng viên đại học sở hữu hai bằng độc quyền sáng chế quốc gia
Trong những ứng viên được đề cử gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2021, thạc sĩ Lê Hoàng Quỳnh (khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) là đại diện xuất sắc cho khối nghiên cứu, khoa học. Nữ giảng viên sinh năm 1987 sở hữu hàng loạt thành tích và sáng chế khiến ai cũng phải nể phục.
Thạc sĩ Lê Hoàng Quỳnh (khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Năm học 2022-2023: Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức thi 4 môn trong kỳ thi vào lớp 10 Huy động hơn 40 nhân viên y tế trường học tham gia phòng chống dịch COVID-19
Là Bí thư Liên chi đoàn Công nghệ thông tin, thạc sĩ Lê Hoàng Quỳnh (khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) là đồng tác giả của 2 đăng ký sở hữu trí tuệ. Đồng thời, thạc sĩ Quỳnh cũng chủ trì và tham gia 3 đề tài, dự án khoa học công nghệ các cấp; Là tác giả và đồng tác giả của 10 bài báo khoa học tại hội nghị khoa học quốc tế uy tín.
Đặc biệt, nữ giảng viên trường Đại học Công nghệ cũng là đồng tác giả của 2 sản phẩm khoa học công nghệ có ứng dụng thực tế rộng rãi. Nhờ đó, chị Quỳnh đã đạt Top 1 trong nước, top 3% thế giới cuộc thi Women in Data Science (WiDS) Datathon 2021 (nằm trong khuôn khổ hội thảo Women in Data Science 2021 tổ chức bởi Stanford). Trải qua nhiều vòng xét chọn với 66 hồ sơ ứng viên được đề cử từ các cơ quan, đơn vị, chị Quỳnh xuất sắc lọt vào top 10 gương mặt trẻ đạt giải thưởng Quả cầu Vàng năm 2021.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với thạc sĩ Lê Hoàng Quỳnh về những thuận lợi, khó khăn trong công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là tâm tư của chị từ góc nhìn của một người phụ nữ.
- Chúc mừng chị với những thành tích và giải thưởng gần đây mà chị đã nhận được. Đối với chị, đâu là bí quyết thành công trên con đường nghiên cứu khoa học?
- Thạc sĩ Lê Hoàng Quỳnh: “Đối với tôi, để có thể đi theo con đường nghiên cứu khoa học, điều mấu chốt nhất có lẽ chính là luôn giữ được "đam mê" và "động lực". Nghiên cứu nói chung và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung chưa bao giờ là một công việc dễ dàng.
Lĩnh vực này luôn tràn ngập sự thách thức; Công sức, ý tưởng, thời gian bỏ ra không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc có được kết quả như mong muốn. Nếu không giữ được lửa đam mê thì sẽ rất khó để theo đuổi con đường này một cách lâu dài.
Thạc sĩ Quỳnh làm việc với nhóm của mình
- Chị có thể chia sẻ nhiều hơn về những thuận lợi và khó khăn mà chị trải qua trong thời gian qua?
- Thạc sĩ Lê Hoàng Quỳnh: Môi trường nghiên cứu ở Việt Nam mặc dù đã và đang được quan tâm, đầu tư phát triển trong những năm gần đây nhưng rõ ràng và cũng vẫn còn rất nhiều hạn chế. Tôi cũng như nhiều anh chị em khác có thể theo đuổi sự nghiệp giảng dậy cũng như nghiên cứu một phần nhiều đến từ những động lực tốt đẹp mà chúng tôi luôn nung nấu, đó là đóng góp để phát triển cộng đồng nghiên cứu, đóng góp cho xã hội và xa hơn, là phát triển đất nước.
Mỗi lần công bố được một công trình khoa học trên các tạp chí, hội thảo quốc tế uy tín là một niềm vui to lớn vì đã đưa nghiên cứu trong nước đến với cộng đồng nghiên cứu quốc tế. Mỗi một sản phẩm ứng dụng thực tế thành công trong các lĩnh vực kinh tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục lại là một niềm tự hào khi mình đang đóng góp một cách thực tế cho xã hội”.
- Thuật ngữ "chuyển đổi số" đã xuất hiện phổ biến trên thế giới trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt Quyết định 06/QĐ-TTg về đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trước yêu cầu mạnh mẽ về chuyển đổi số, những người trẻ không thể đứng ngoài cuộc. Chị đã có những nghiên cứu và đóng góp gì về lĩnh vực này?
- Thạc sĩ Lê Hoàng Quỳnh: Hiện nay một số nghiên cứu của tôi đã được tích hợp vào các sản phẩm ứng dụng thực tế. Việc đưa nghiên cứu vào thực tế không chỉ là một minh chứng cho tính khả thi, khả năng ứng dụng thực tiễn mà còn là một mục tiêu của mọi nhà nghiên cứu: Nghiên cứu phải đi cùng với thực tiễn và có giá trị đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
Hai sản phẩm tiêu biểu tôi đã thực hiện cùng nhóm nghiên cứu của mình là DSMiner và DSWatcher. Cả hai sản phẩm đều sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến, xây dựng phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
Sản phẩm DSMiner "Hệ thống phân tích và thấu hiểu khách hàng" được xây dựng nhằm góp phần Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế, tăng doanh thu, tối ưu chi phí vận hành cho doanh nghiệp. DSMiner đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, công nghệ, ngân hàng, tài chính bảo hiểm, bán lẻ, kết hợp với hơn 30 doanh nghiệp và tổ chức, trong đó có nhiều đối tác là các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Viettel. Mobifone, FPT, Vietcombank...
Đây là sản phẩm thuộc dự án nghiên cứu ứng dụng tài trợ bởi VINIF, tập đoàn VinGroup. DSMiner vinh dự là một trong 10 sản phẩm khởi nghiệp và chuyển đổi số triển vọng lọt vào vòng chung khảo cuộc thi Nhân tài đất Việt 2020-2021 (vì lý do dịch COVID-19 nên vẫn chưa tổ chức được vòng chung khảo).
Sản phẩm DSWatcher "Hệ thống phân tích thông tin và lắng nghe mạng xã hội" được xây dựng với mục tiêu giúp doanh nghiệp hiểu được ý định của khách hàng, chăm sóc khách hàng, đánh giá hiệu quả chiến dịch truyền thông, quản lý thương hiệu và phân tích, cảnh báo sớm khủng hoảng truyền thông thông qua việc tự động thu thập và phân tích tín hiệu từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau như: mạng xã hội, forum, blog, báo chí, youtube...
DSMiner được xây dựng trên nền tảng hệ thống VNU-SMM, một sản phẩm của đề tài cấp ĐHQG, sau đó được nâng cấp và phát triển dưới sự tài trợ và bảo trợ của quỹ VINIF, tập đoàn VinGroup.
Thực tế, DSWatcher đã được ứng dụng tại văn phòng Đại học Quốc gia Hà Nội, VNPT Media, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Vinfast. Năm 2021-2022 là một cột mốc đáng nhớ đối với tôi. Vinh dự được nhận giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu Vàng là một sự ghi nhận, cổ vũ to lớn để tôi tiếp tục cố gắng.
Trong năm 2022, tôi đặt mục tiêu hoàn thiện và phát triển các nghiên cứu dang dở về xử lý ngôn ngữ tự nhiên trong lĩnh vực y sinh học. Đây là một hướng nghiên cứu tôi đã và đang theo đuổi từ hơn 10 năm nay nhưng trong thời gian sắp tới sẽ đặt mục tiêu tập trung vào xử lý tiếng Việt với mong muốn vừa phát triển cộng đồng nghiên cứu trong nước, vừa xây dựng các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khoẻ, y tế cộng đồng... phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
- Chúng ta vừa kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ vào hôm qua. Là nữ khoa học gia, chị có trăn trở điều gì không?
- Thạc sĩ Lê Hoàng Quỳnh: Đối với nữ giới, công việc và gia đình luôn cần được cân đối một cách hợp lý, tôi cũng từng có những thời gian rất khó khăn khi vừa không thể tập trung cao độ cho công việc dang dở, vừa không có quá nhiều thời gian rảnh để chăm sóc cho gia đình nhỏ.
Một mẹo nhỏ nhưng đã giúp tôi rất nhiều, là luôn sẵn sàng chia sẻ với gia đình về công việc của mình, tất nhiên là theo những góc nhìn phù hợp. Sự quan tâm của gia đình, sự hào hứng, tự hào của các bạn nhỏ đã trở thành một phần động lực để tôi có thể vượt qua những giai đoạn khó khăn trong công việc.
Thạc sĩ Lê Hoàng Quỳnh
Nhân ngày 8/3 vừa mới qua, khi mà cả nước đang vinh danh chị em phụ nữ, điều tôi muốn nhắn nhủ tới tất cả chị em là chúng ta cần phải tin tưởng ở bản thân mình. Trong quá trình giảng dạy ở môi trường đại học, câu hỏi tôi gặp nhiều nhất khi hướng nghiệp cho các bạn sinh viên nữ luôn là "em có thể làm được gì trong lĩnh vực công nghệ thông tin?".
Phụ nữ chúng ta có thể làm được mọi thứ, điều quan trọng là lựa chọn con đường mà mình yêu thích cũng như phù hợp với khả năng của mình, và cố gắng hết mình vì mục tiêu đó.
- Trân trọng cảm ơn chị và chúc chị gặt hái thêm nhiều thành công.
Nguyễn Thị Thùy, sinh viên K56 - Kinh tế đối ngoại vừa tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương năm 2021 với thành tích học tập xuất sắc đồng thời nhận được đến 4 học...
Nguồn: [Link nguồn]