Trải lòng của người chồng có vợ là điều dưỡng mang bầu 4 tháng đang trong tâm dịch Đà Nẵng

Đã hơn một tuần kể từ ngày vợ thực hiện cách ly tại bệnh viện Đà Nẵng - một trong ba bệnh viện là tâm dịch, nỗi lo của anh Lê Văn Liêm chưa khi nào lắng xuống.

“Là chồng, tôi vô cùng lo lắng”

Trò chuyện với PV tạp chí ĐS&PL, anh Lê Văn Liêm (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, vợ mình là điều dưỡng Thái Thị Thu Hà, hiện đang trực chiến trong bệnh viện Đà Nẵng. Anh bộc bạch: “Trong giai đoạn khó khăn này, mọi người cùng chung tay để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng là người chồng, người cha tôi có chút lo lắng cho sức khỏe của hai mẹ con cô ấy. Mặc dù vậy, tôi không có ý định ngăn cản vợ vì tôi biết cô ấy sẽ không bao giờ trốn tránh trách nhiệm”.

Anh Liêm chấp nhận lùi về làm “hậu phương” vì anh cũng phải tự cách ly 14 ngày tại nhà do vợ là nhân viên bệnh viện Đà Nẵng, phần để chị Hà yên tâm làm nhiệm vụ. Người chồng vốn bôn ba làm chỗ dựa cho gia đình thì nay trở về chu toàn việc nhà, chuẩn bị những nhu yếu phẩm cần thiết cho vợ, cho mình để sẵn sàng trong cuộc chiến kéo dài 2 tuần: “Theo quy định của công ty, tôi phải nghỉ 14 ngày. Hôm 26/7, vợ vào viện, tôi cũng đoán tình hình sẽ phức tạp hơn nên ra siêu thị mua ít thực phẩm bổ sung cho bà bầu (sữa, nước trái cây...), tối Chủ Nhật đem vào cho vợ, đến Thứ Hai thì bệnh viện phong tỏa”.

Anh Liêm là hậu phương vững chắc cho người vợ đang thực hiện công việc tại bệnh viện Đà Nẵng.

Anh Liêm là hậu phương vững chắc cho người vợ đang thực hiện công việc tại bệnh viện Đà Nẵng.

Điện thoại là cầu nối

Lo cho sức khỏe hai mẹ con nhưng không được gặp, anh Liêm chỉ còn biết cậy nhờ vào phương tiện duy nhất kết nối hai vợ chồng là chiếc điện thoại để “nhắc nhở vợ cẩn thận bảo hộ và giữ gìn sức khỏe” một ngày vài lần. Nhắn gửi cho vợ những dòng tâm sự và động viên, anh Liêm luôn tự hào về người bạn đời kiên cường đang hết mình góp sức cùng đồng nghiệp dập tắt ổ dịch. Nhìn những bức hình chị Hà gửi từ bệnh viện đầy khó khăn và nhọc nhằn nhưng mỗi khi hai vợ chồng gọi điện hỏi thăm nhau, chưa một lần anh Liêm nghe vợ than vãn, kể khổ mà đổi lại là tinh thần lạc quan và hết mình vì nhiệm vụ.

Anh tâm sự, mỗi ngày, hai vợ chồng đều gọi điện hỏi thăm nhau, vừa là nắm tình hình sức khỏe, vừa để vơi đi sự thấp thỏm: “Hai vợ chồng động viên qua lại, ai cũng lo cho người kia, không ai lo cho mình. Hằng ngày tôi gọi hỏi thăm vợ, thường xuyên nhắc nhở ăn uống điều độ và theo dõi sức khỏe hai mẹ con. Sữa và thực phẩm bổ sung tôi cũng đã gửi vào cho vợ”.

Cách nhau không xa nhưng giờ đây, lần gặp gỡ hiếm hoi khi đưa đồ tiếp tế cũng chỉ kéo dài 2 phút ngắn ngủi. Anh Liêm chia sẻ trên trang cá nhân: “Buổi tối anh đem tư trang vào cho em ở bệnh viện, nói với nhau đúng 2 câu qua cánh cổng thì bảo vệ mời ra theo yêu cầu của bệnh viện”. Khi chị phản hồi mọi thứ vẫn ổn, anh mới yên tâm và khâm phục vợ mình kiên cường quá.

Nghe vợ chia sẻ có lệnh di chuyển về khách sạn cách ly, nhưng vợ anh không đi vì muốn nhường cho các chị lớn tuổi hơn, anh Liêm không giấu nổi nghẹn ngào khi vợ mình đang mang thai nhưng vẫn thấu đáo nghĩ cho đồng nghiệp. Điều đó càng khiến cho anh thêm phần yêu thương vợ mình nhiều hơn.

Chuỗi ngày chị Hà ở trong bệnh viện cũng là lúc dịch bệnh phát triển theo chiều hướng xấu đi. Anh Liêm bồn chồn, mất ăn mất ngủ vì nghe nhiều tin dữ: “Bao nhiêu đồng nghiệp, bệnh nhân của vợ tôi phát hiện dương tính và di chuyển đến chỗ này, chỗ nọ. Nhưng tuyệt nhiên mỗi lúc gọi cho nhau không hề thấy vợ tôi than thở hay hoang mang, lo lắng”.

Anh lo cho hai mẹ con, lo cho sự tận tâm với nghề của vợ mà bất giác quên đi chuyện khó khăn lắm anh chị mới có một sinh linh bé bỏng đang chung hơi thở với vợ. “Kể cũng lạ, những tấm hình vợ chụp ở trong bệnh viện gửi về cho tôi xem tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng luôn toát lên niềm tin và hy vọng. Nhìn những tấm hình này, tôi chắc chắn một điều đại dịch sẽ được khống chế, sẽ sớm kết thúc”, anh Liêm chia sẻ về vợ và những người đồng nghiệp đầy xúc cảm.

Cùng quê, vợ chồng anh Liêm quen biết nhau từ thời đi học, vượt qua bao sóng gió anh chị nên duyên chồng vợ vào năm 2011. “Cũng có thể nói, vợ chồng tôi sóng gió nhiều quá nên hiểu nhau, hiểu nhu cầu, ý muốn của nhau. Trong từng trường hợp cụ thể, tôi chỉ cần nhìn vợ, hoặc vợ nhìn tôi là đã hiểu người kia muốn gì. Chuyện con cái khủng hoảng nhất còn vượt qua được thì những khó khăn như bây giờ đã là gì. Niềm tin sẽ được củng cố qua những biến cố”, anh Liêm tâm sự về hành trình tìm con đầy sóng gió phải nhờ đến phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Hướng về cuộc chiến chống đại dịch, anh Liêm cho biết mình cũng như nhiều người chồng, người cha khác có người thân là những “thiên thần áo trắng” ngày đêm chiến đấu chống dịch bệnh đều như đang “ngồi trên đống lửa”.“Chúng tôi lùi về phía sau, kiên nhẫn chờ đợi là việc tốt nhất tại thời điểm này để người thân yên tâm công tác”, anh Liêm chia sẻ.

Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 sẽ còn khó khăn và gian nan hơn nữa, nhưng rồi tất cả sẽ qua đi, những chiến binh quả cảm cứu người bệnh chắc sẽ rất tự hào vì phía sau họ là một hậu phương đầy vững chắc.

Chúng tôi lạc quan chiến đấu chống dịch

“Mọi người ở đây, dù ai cũng thấm mệt, cũng lo lắng nhưng vẫn vui vẫn cười, vẫn làm trò cho nhau cười, tập thể dục hàng ngày nâng cao thể trạng, có lớp thiền yoga online mỗi sáng. Dịch đến, chúng tôi lại có thời gian lắng đọng lại mình sau mỗi ca nghỉ, mỗi người một góc để suy tư về một ngày đã qua. Chúng tôi luôn động viên nhau hãy cùng cố gắng hơn nữa. Dù thời gian không được tính bằng giờ, bằng ngày nhưng hãy cố hết sức, không được chủ quan vì chúng ta đồng lòng thì mới sớm chấm dứt được đại dịch này”, chị Hà - vợ anh Liêm chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Đi 300km từ quê lên, cô gái hãi hùng với phòng trọ siêu bẩn sau kỳ nghỉ dịch Covid-19

Căn phòng tan hoang như bãi chiến trường sau kỳ nghỉ dài khiến cô gái bủn rủn chân tay khi bước vào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Yến ([Tên nguồn])
Tình yêu giới trẻ hiện nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN