Tôn Hà Anh – “nữ học bá Harvard” chia sẻ bất ngờ về cách chọn chồng

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Đi nhiều, học nhiều, trải nghiệm nhiều giúp Hà Anh có cái nhìn mới mẻ hơn về hôn nhân cũng như việc chọn chồng.

Tôn Hà Anh từng giành học bổng toàn phần của trường "Đại học Harvard" (Mỹ)

Tôn Hà Anh từng giành học bổng toàn phần của trường "Đại học Harvard" (Mỹ)

Tôn Hà Anh (sinh năm 1992) được biết đến là chị cả trong cặp chị em ruột duy nhất ở Việt Nam cùng giành học bổng toàn phần của trường ĐH Harvard (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp, Hà Anh trở thành cố vấn cấp cao công ty tư vấn quản lý McKinsey, New York (một đơn vị tư vấn doanh nghiệp hàng đầu thế giới) và tiếp tục nhận được học bổng thạc sĩ kinh doanh tại trường Harvard. Năm 2021, cô bất ngờ gác lại việc học, trở về Việt Nam phát triển dự án riêng.

Khác với hình dung của mọi người về một “nữ học bá” sở hữu loạt thành tích “khủng” trong học tập, sự nghiệp, Hà Anh ngoài đời là một cô gái đầy nữ tính. Lần đầu trò chuyện về tình yêu, hôn nhân, Hà Anh không giấu được cảm xúc đặc biệt. Cô kể về đám cưới ngọt ngào vào mùa xuân năm ngoái, về người chồng khiến cô tin vào định mệnh cuộc đời, về thiên chức làm mẹ thiêng liêng… Tất cả đã làm nên một Hà Anh rất khác với những trải nghiệm khó quên.

Hà Anh kết hôn vào đầu năm 2023

Hà Anh kết hôn vào đầu năm 2023

Cuộc sống của Hà Anh trước và sau khi kết hôn có khác biệt nhiều không?

Khác biệt thì dĩ nhiên là có rồi nhưng khác biệt lớn nhất là tôi được lên chức làm mẹ. Nếu dùng một vài từ để nói về cuộc sống hiện tại của tôi thì có lẽ là: Bận rộn, một chút lo lắng và viên mãn.

Hà Anh đã có đám cưới ngọt ngào đầu năm nay với thiếu gia của một tập đoàn lớn trong ngành thiết bị xây dựng. Hai người gặp nhau và nên duyên như thế nào?

Anh học đại học và thạc sĩ tại trường Đại học Stanford, mệnh danh là “Harvard miền Tây”, còn tôi học ĐH Harvard bên bờ Đông. Trong vòng tròn du học rất nhỏ thì hầu như mọi người đều biết nhau, nhưng chúng tôi chưa có cơ hội gặp gỡ trước đó vì luôn lỡ một nhịp. Anh học bờ Tây, tôi học bờ Đông, khi tôi đến New York thì cũng là lúc anh rời công việc ở quỹ đầu tư Stripes. Khi về Việt Nam, anh tiếp quản và điều hành tập đoàn ở trụ sở TP.HCM, còn tôi phát triển dự án riêng ở Hà Nội.

Mãi đến năm 2022, anh mới nhắn tin cho tôi hỏi: “Có phải anh từng gặp em ở sự kiện này không nhỉ?”. Tôi nghĩ ngay trong đầu: “Chắc chắn là không, nhưng anh chàng này lém lỉnh đấy” nên vui vẻ trò chuyện tiếp.

Tôi vẫn nhớ, lần đâu tiên chúng tôi gặp nhau trong một chiều nắng đẹp ở Hà Nội. Cả hai cùng chia sẻ rất nhiều về công việc, đam mê, về quyết định gác lại sự nghiệp ở Mỹ để Việt Nam khởi nghiệp. Chúng tôi đồng cảm về những thách thức trong công tác quản lý doanh nghiệp, đều rất trọng những giá trị gia đình, chia sẻ những kỷ niệm nơi đất khách quê người…

Đến bây giờ, tôi thật sự tin vào câu nói: “Chúng ta sẽ không biết người bạn đời của mình xuất hiện vào lúc nào”.

Tôn Hà Anh – “nữ học bá Harvard” chia sẻ bất ngờ về cách chọn chồng - 3

Hà Anh có tình yêu đẹp và một cuộc hôn nhân viên mãn

Hà Anh có tình yêu đẹp và một cuộc hôn nhân viên mãn

Có một sự kiện hay dấu mốc đặc biệt nào đánh dấu sự “chín muồi” của tình yêu này để Hà Anh quyết định đi đến kết hôn? Có câu nói nào của anh làm chị nhớ mãi?

Thật ra anh đã nói rất nhiều lời ngọt ngào, ấm áp nhưng có lẽ ở tuổi này, tôi ghi nhớ hành động nhiều hơn lời nói. Như khi tôi bị ốm nặng phải vào viện điều trị. Anh đã tạm bỏ mọi việc để chăm sóc tôi, sự chu đáo, tỉ mỉ của anh khiến tôi cảm động. Hay những lúc chúng tôi chia sẻ và giúp đỡ nhau trong công việc.

Rồi khi chúng tôi đi du lịch ở Mỹ và bị lỡ tàu, sự bình tĩnh, lạc quan của anh trong một tình huống căng thẳng khiến tôi ấn tượng. Có một cuốn sách từng viết rằng: “Người bạn đời sẽ cùng bạn đi qua những nốt thăng và cả nốt trầm trong cuộc sống. Cách người ấy phản ứng trong những tình huống khó khăn nói lên rất nhiều về việc cuộc sống tương lai của bạn với người đó sẽ như thế nào.”

Và buổi tối hôm đó, trên chiếc ghế sofa, anh rút chiếc dây ruy băng đo vào ngón tay tôi để sau này chọn nhẫn, chúng tôi đã chính thức nói về đám cưới.

Không hẳn là một sự kiện hay một dấu mốc đặc biệt nào, những điều nhỏ nhỏ nhưng đủ sức nặng để chúng tôi tin tưởng mình thuộc về nhau.

Chính thức yêu nhau và làm đám cưới sau gần 1 năm, điều gì khiến một “nữ học bá” như Hà Anh chọn chồng nhanh như vậy?

Chúng tôi quen nhau khi anh 32 tuổi, còn tôi tròn 30. Người ta nói, tình yêu tuổi trẻ giống như ngọn lửa phát sáng rực rỡ, vừa gặp đã yêu. Còn tình yêu ở độ tuổi trưởng thành thì trầm lắng hơn và lý trí hơn một chút.

Ở tuổi 20, tôi có thể thích một chàng trai học giỏi, hát hay hoặc vì một lý do nào đó rất đơn giản… Nhưng khi trưởng thành hơn, càng tiếp xúc nhiều thì càng rõ hơn mình cần gì ở bạn đời. Và chúng tôi đều có những tiêu chí cụ thể cho người bạn đời tương lai, tránh việc gặp phải trường hợp “hợp để yêu chứ không hợp để cưới”.

Vậy nên, đến khi một nửa của mình xuất hiện, thì mọi chuyện không cần quá nhiều thời gian để đi vào quỹ đạo của nó.

Tôn Hà Anh – “nữ học bá Harvard” chia sẻ bất ngờ về cách chọn chồng - 5

Hà Anh có một đám cưới ngọt ngào tại TP.HCM

Hà Anh có một đám cưới ngọt ngào tại TP.HCM

Hà Anh nói mình có một “list tiêu chí” chọn bạn đời, vậy những tiêu chí đó là gì và chồng bạn đạt được bao nhiêu %?

Đầu tiên, người ấy cần phải là một người tử tế. Thứ hai, tôi đánh giá cao người có ý chí, có mục tiêu trong sự nghiệp. Tôi nhìn vào khao khát vươn lên, hoàn thiện bản thân của họ và tạo ra giá trị.

Thứ ba, người đó có tình yêu thương với gia đình, cha mẹ hai bên và xác định người bạn đời của mình là quan trọng. Có câu nói rằng hôn nhân không phải là 50-50 mà mỗi người phải đặt vào đó 100%. Khi tôi đặt 100% tâm ý của mình vào vun vén hôn nhân và gia đình thì tôi mong họ cũng vậy.

Chắc đây là quan sát chủ quan rồi, vì tại thời điểm này, tôi thấy chồng tôi đạt được 100%. Nhưng anh thế nào cũng sẽ đọc bài viết này nên để tôi chấm lên 125% nhé (Cười).

Người ta nói, con gái thường chọn chồng theo tiêu chuẩn của bố. Hà Anh có như vậy?

Bố tôi là một người đàn ông truyền thống. Chồng tôi hiện đại và cởi mở hơn. Nhưng ở hai người họ có một điểm giống nhau là tốt bụng và có đạo đức.

“Vỡ mộng” là điều nhiều người gặp phải khi mới bước vào hôn nhân. Hà Anh thì sao?

Có chứ. Đối với tôi, “hụt hẫng” nhất có lẽ là sự thay đổi “danh tính” sau khi kết hôn. Tôi không chỉ là một Hà Anh với câu chuyện sự nghiệp nữa mà còn là vợ, là mẹ. Những thiên chức như sinh nở, chăm sóc con nhỏ dẫu thiêng liêng nhưng cũng rất vất vả khiến tôi có lúc thấy choáng váng.

Trong hôn nhân, nguyên tắc nào được Hà Anh đề cao nhất?

Thật ra, tôi cũng mới bắt đầu cuộc sống hôn nhân nhưng đây là lời khuyên từ những người đi trước mà tôi tâm đắc:

Đầu tiên là sự chia sẻ, đồng cảm, cùng chung chiến tuyến, coi nhau là đồng đội, dựa vào nhau mà chiến đấu. Gia đình là nơi 2 người có thể cảm thấy an toàn để chia sẻ ý kiến, mong muốn và cảm xúc của mình.

Thứ hai, cố gắng tạo điều kiện và hỗ trợ cho nhau để thực hiện hoài bão và nguyện vọng của mỗi người vì trước khi làm vợ, làm mẹ, làm chồng, làm cha, ai cũng có cuộc sống và sự nghiệp riêng.

Thứ ba, là “tương kính như tân.” Có câu nói để lại cho tôi ấn tượng khó phai là “nhiều người thường dành những điều đẹp đẽ nhất cho người ngoài và chỉ để lại những mảnh vụn cho gia đình của họ” vì gia đình yêu thương và dễ tha thứ cho chúng ta. Tuy nhiên, họ là những người đáng nhận được sự quan tâm nhất. Vì vậy, cuộc sống ngoài kia tuy khắc nghiệt nhưng tôi hi vọng chúng tôi có thể giữ được sự tôn trọng và dịu dàng cho nhau.

Cô dành nhiều thời gian chăm sóc và vun vén gia đình

Cô dành nhiều thời gian chăm sóc và vun vén gia đình

Cho đến giờ, vợ chồng Hà Anh vẫn “kẻ Nam người Bắc”. Bạn có thấy khó khăn không khi không có chồng bên cạnh trong thời gian “bỉm sữa”?

Nói không khó khăn là không chính xác nhưng trong những điều tôi cần ở người bạn đời của mình thì vị trí địa lý không phải là điều kiện tiên quyết. Việc “kẻ Nam người Bắc” là điều chúng tôi lường trước và khắc phục được nên không ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của hai người.

Đồng thời, sự hỗ trợ, đồng hành của bạn đời là rất quan trọng. Tôi may mắn có được sự giúp đỡ hết mình của ông xã trong khoảng thời gian này. Suốt những ngày sinh nở, anh luôn chăm sóc tôi chu đáo. Anh không chỉ tập trung vào con mà còn quan tâm cả sức khỏe thể chất lẫn tâm lý của vợ. Nhờ anh, tôi cân bằng mọi thứ dễ dàng hơn.

Hà Anh từng chia sẻ, bạn và em gái Hiền Anh dù du học nhiều năm ở trời Tây nhưng vẫn là những cô gái thuần Việt. Sự thuần Việt đó của bạn được thể hiện thế nào trong việc vun vén hạnh phúc gia đình?

Tôi và chồng từ quen đến yêu rồi cưới vẫn làm theo đầy đủ các bước truyền thống như ra mắt, chạm ngõ, ăn hỏi, kết hôn… Đám cưới dù hiện đại hay thơ mộng đến đâu vẫn có khoảnh khắc chung vui với quan viên họ hàng, hai bên gia đình. Tôi nghĩ, đó là sự thuần Việt.

Tôi đề cao giá trị gia đình, đặt 100% tâm sức của mình vào đó. Khá nhiều người bất ngờ khi tôi sinh con ở thời điểm này, khi vừa về Việt Nam và bắt đầu dự án riêng. Nhưng với tôi, tôi đã rất rõ ràng từ đầu. Mỗi giai đoạn của cuộc đời, phải xác định đâu là điều quan trọng nhất. Có câu nói: “Bạn có thể có bất kỳ thứ gì nhưng không thể có mọi thứ cùng một lúc.” Tôi chọn thiên chức làm mẹ thì phải chấp nhận lùi lại một thời gian và tôi hài lòng với quyết định đó.

Người ta thường nói “Phụ nữ học cao khó lấy chồng”, từ trải nghiệm của chính mình, Hà Anh thấy sao?

Thật ra không ít người đã nói với tôi: “Con gái không cần phải học nhiều quá” rồi “học nhiều chỉ tổ đầu to mắt cận, tính tình gàn dở, sau này các anh chạy mất”. Nhưng tôi hi vọng các cô gái đang gặp phải áp lực như tôi đã từng đừng bị ảnh hưởng bởi những lời nói ấy. Tôi nghĩ, tri thức là một tài sản quý giá mà mình chẳng bao giờ lỗ khi đầu tư vào đó. Và việc có tri thức không đồng nghĩa với việc thiếu đi kiến thức hay kỹ năng xã hội. Thậm chí, đối với tôi, các kỹ năng tôi có được khi học hành và sự nghiệp giúp tôi khá nhiều trong cuộc sống cá nhân. Nếu việc học hành hay theo đuổi sự nghiệp khiến bản thân vui vẻ, trưởng thành hơn và có ích cho xã hội thì không có gì phải cảm thấy điều đấy là khiếm khuyết của mình trong việc tìm ý trung nhân.

Tôi cũng gặp rất nhiều hình mẫu là những người phụ nữ tự tin, tri thức cũng có mà sắc đẹp cũng có, có sự nghiệp và gia đình viên mãn. Nên điều đó đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều.

Đồng thời, ai cũng sẽ tìm được mảnh ghép của mình. Và việc một người phụ nữ có tri thức không làm mình “đáng sợ hơn” hay mất đi cơ hội tìm được người phù hợp.

Tôn Hà Anh – “nữ học bá Harvard” chia sẻ bất ngờ về cách chọn chồng - 8

Hà Anh luôn đề cao giá trị gia đình

Hà Anh luôn đề cao giá trị gia đình

Đi nhiều, học nhiều, trải nghiệm nhiều không chỉ hỗ trợ bạn gây dựng sự nghiệp mà còn giúp bạn trong hôn nhân. Hà Anh suy nghĩ thế nào về quan điểm này?

Tôi tin rằng, khi trải qua nhiều việc, gặp gỡ nhiều người khác nhau trong cuộc sống, mình có cơ hội hiểu rõ hơn về sự đa dạng của con người, học hỏi từ những mối quan hệ và gia đình. Điều này giúp bản thân mở rộng tầm nhìn và thêm kinh nghiệm ứng xử trong hôn nhân, vì cuối cùng thì đây cũng là một mối quan hệ lâu dài giữa người với người. Vợ chồng tôi cũng áp dụng một số nguyên tắc trong công việc vào gia đình mà tôi thấy giúp chúng tôi khá nhiều như việc có một buổi chia sẻ hàng tuần để giải quyết các khúc mắc nếu có, “tuyên dương” nửa kia và lên kế hoạch cho tuần kế tiếp để có thời gian dành cho nhau, cho gia đình mà vẫn đảm bảo công việc của hai bên. 

Ngoài ra, việc có trải nghiệm cũng giúp mình hiểu rõ hơn về việc mình là ai. Mình mong muốn điều gì trong cuộc sống và trong mối quan hệ của mình, giúp mình chọn được người bạn đời phù hợp.

Đồng thời, trải nghiệm và tri thức cho mình sự độc lập về mặt tài chính và tinh thần, giúp tạo ra một môi trường hôn nhân mà trong đó cả hai đều đóng góp và không phụ thuộc quá mức vào nhau.

Chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị!

Nguồn: [Link nguồn]

Chàng trai Việt không bằng cấp vẫn được tập đoàn hàng đầu thế giới “săn đón”

27 tuổi, Vinh Trần sang Mỹ chỉ với một tấm vé máy bay, không bằng cấp nhưng vẫn được các công ty công nghệ hàng đầu thế giới mời về làm việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN