Mẹ đã muốn vứt bỏ tôi
Trong mắt ba mẹ tôi chỉ là bằng chứng của sự hư hỏng, lừa dối.
Thằng em tôi gọi điện năn nỉ: “Chị về thăm mẹ đi, mấy bữa nay bả cứ nhắc chị hoài...”. Tôi nghe nó nói, thoạt tiên tôi thấy buồn cười nhưng rồi sau đó lại thấy thèm được khóc. Đã lâu rồi, hình như tôi không khóc được nữa. Ngày xưa, mẹ tôi hay nói tôi lì đòn... Mà có phải tự nhiên tôi “lì” đâu...
Khi lớn lên, tôi biết mẹ tôi lỡ mang thai trước khi về làm vợ ba tôi. Chính vì vậy, khi tôi chào đời, mẹ tôi đã muốn vứt bỏ. Mẹ nhờ người hàng xóm mang tôi đi cho. Người ấy ẵm tôi đi một buổi ra chợ Cần Thơ rồi quay về bảo là không có ai xin. Vậy là cha mẹ tôi đành phải giữ lại đứa con gái mà trong mắt họ chỉ là bằng chứng của sự hư hỏng, lừa dối…
Tôi lớn lên, có cảm giác ăn cơm ít hơn ăn đòn vì cơm thì bữa nào cũng ăn không đủ no, còn đòn thì đau tới mấy hôm sau vẫn chưa hết.
Mãi đến năm 9 tuổi, tôi mới được đi học lớp một. Thật ra mẹ tôi cũng chẳng muốn cho tôi học hành nhưng vì bác trưởng ấp tới nhà nói mãi, bảo con nít phải cho học hành để sau này mới giúp mình, giúp đời. Chuyện ấy nghe xa xôi quá nhưng có lẽ sợ phải nuôi tôi suốt đời nên ba mẹ đành phải cho tôi đi học.
Mấy năm tiểu học, tôi toàn ngồi bàn chót. Hồi mới đi học, lũ bạn trong lớp nhỏ hơn tôi mấy tuổi nhưng đều gọi tôi là “mày” với lý do tôi “già đầu rồi mà mới học lớp một”. May mà cô giáo rất thương nên lúc nào cũng động viên, chỉ bảo thêm cho tôi sau giờ học.
Tôi nhớ có hôm thấy tôi đi học trễ mà trên mặt có mấy vết bầm, giờ ra chơi, cô gọi tôi ra một góc hỏi lý do. Tôi bảo tôi bị té. Thật ra đó là do ba tôi đánh khi ông nhờ tôi lấy cái quần xà lỏn mang vô nhà tắm cho ông nhưng tôi mắc làm bài tập nên nhờ thằng em kế mang vào. Vậy là sau đó tôi bị ăn mấy bạt tai vì cái tội “kêu mà không nghe”.
Tôi không thể nhớ hết những lần mình ăn đòn và bị chửi. Và tôi cũng không hiểu vì sao mấy đứa em tôi không bị mà chỉ có một mình tôi gánh hết. Hình như với tôi, chuyện gì cũng có thể trở thành xấu xa. Có lần, tôi được điểm 10 môn toán, tôi mừng quá về khoe với ba: “Hôm nay con được 10 điểm đó ba” thì ông nói: “Có lấy điểm ra mà ăn được không? Chỉ báo cơm. Học… học…”. Dù vậy, tôi vẫn vui.
Lại có hôm, nghe cô giáo khen, tôi về nói với mẹ: “Bữa nay cô nói con có khả năng đi xa hơn nữa nếu ráng theo đuổi chuyện học hành…”. Mẹ tôi lườm: “Học…Học… Vài năm nữa lớn một chút tao gả cho người ta. Con gái nuôi tốn cơm”.
Tôi nhớ có một lần, do không có tiền đóng tiền liên hoan lớp, không dám xin ba mẹ, tôi ăn cơm ít lại rồi sau đó lén ăn cắp mấy lon gạo đi bán. Không ngờ chuyện vỡ lỡ, tôi bị đánh một trận tơi bời. Tôi nhớ, ba tôi vừa đánh, vừa nghiến răng: “Đánh cho mày chết, đồ báo cơm”. Còn mẹ tôi thì phụ họa: “Ông cứ đánh nó chết đi, tôi chôn”.
Bây giờ ngồi nhớ lại những điều này, tôi thấy sao mình có thể sống được với những trận đòn thừa chết, thiếu sống như vậy... Đúng là tôi “lì đòn” như lời mẹ tôi nói.
Tại sao tôi lại phải bận tâm về người mà tôi phải gọi là mẹ khi người ấy đã không xem tôi là con kể từ lúc chào đời (Ảnh minh họa)
Hồi nhỏ, tôi không biết lý do vì sao ba mẹ ghét mình. Còn cái chuyện ăn đòn thì tôi nghĩ chắc là ba mẹ “thương cho roi, cho vọt” như lời cô giáo dạy.
Tôi không biết họ ghét tôi vì “cái bản mặt mày giống y khuôn thằng chó đó, nhìn là thấy ghét”- có lần tôi nghe ba tôi nói vậy. Tôi không biết người mà ba tôi nhắc là ai, chỉ nghĩ đơn giản chắc đó là người mà ba tôi có chuyện xích mích, không ưa.
Mãi đến năm 16 tuổi, tôi mới nghe bác hàng xóm nói lại. Không phải bác muốn nói mà vì hôm đó, tôi bị đòn đau quá phải chạy qua nhà bác. Vừa lấy muối xức vết thương trên lưng cho tôi, bác vừa ca cẩm: “Con nít có tội tình gì mà hành hạ nó như vậy. Người lớn làm lỗi thì phải gánh chịu chớ sao lại trút lên đầu nó vầy nè”.
Nghe vậy, tội hỏi riết tới, bác mới nói thật chuyện mẹ tôi chửa hoang trước khi lấy ba tôi nhưng chận đầu: “Tao không biết gì nữa hết nghen, đừng có hỏi. Mà nhớ là không được nói cho ba mẹ mày biết tao nói nghe chưa. Tụi nó mà biết là cào nhà tao xuống sông”.
Hôm đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng tôi quyết định không nói ra với ai điều mình đã phát hiện. Có lẽ, tôi sẽ âm thầm chịu đựng cuộc sống ấy bởi tôi cho rằng, dù sao thì họ cũng đã nuôi tôi khôn lớn. Tôi mang nợ cơm áo với họ nên phải đáp đền. Riêng với mẹ, tôi không bao giờ tìm được cảm giác ruột thịt. Bởi với mẹ, ba tôi quan trọng hơn.
Và có lẽ sẽ mãi như thế nếu không có một ngày họ ép gả tôi cho ông chủ tiệm tạp hóa ngoài chợ. Ông ta chắc cũng lớn tuổi bằng ba tôi nhưng chết vợ. Năm đó tôi 17 tuổi. Mẹ tôi bảo: “Không có học hành gì nữa”. Tôi khóc thì ba tôi dỗ dành. Lần đầu tiên tôi nghe ông nhẹ nhàng với mình: “Chỗ đó là nhà đàng hoàng, lại có ăn. Mày về đó thì sướng cái tấm thân chớ học hành chữ nghĩa mà làm gì?”.
Thoạt đầu tôi nghĩ, thôi kệ, ở đâu thì cũng khốn khổ như vậy thôi. Không chừng lấy ông già đó, tôi sẽ được cưng chiều sung sướng. Thế nhưng, mấy hôm sau, có dịp đi chợ ngang qua chỗ đó, tôi thấy một ông già bụng phệ đang ngồi cân đường đậu cho khách. Hỏi ra mới biết đó là người mà tôi sắp phải lấy làm chồng.
Thế là tối đó, tôi cuốn quần áo bỏ nhà đi.
Cuộc sống đã đưa đẩy tôi tới cái đất Sài Gòn này. 6 năm qua, tôi đã sống được bằng sức lao động chân chính của mình. Có lần tôi về quê chứng giấy tờ xin việc, tôi hỏi thăm thì biết ba mẹ tôi rất tức giận khi tôi bỏ trốn. Ông bà đã lỡ nhận tiền của chàng rể tương lai và tiêu xài hết nên phải bán đất để trả nợ. Tôi thấy áy náy trong lòng nhưng quyết không trở về.
Tuần trước, tôi nghe tin mẹ tôi bị bệnh phải chở ra bệnh viện Cần Thơ chữa trị. Tôi nghe trong lòng có chút gì đó xao động nhưng tôi không về bởi từ lâu, tôi đã xem mình là một đứa trẻ mồ côi.
Tôi thấy thèm được gọi một tiếng “con”, được yêu thương như cái cách mà tôi đã đọc được trong những câu chuyện đầy ắp tình người ở trang mục này. Nhưng ngay cả điều đó, tôi cũng không có được từ lúc sinh ra trên cuộc đời này...
Vậy thì tại sao tôi lại phải bận tâm về người mà tôi phải gọi là mẹ khi người ấy đã không xem tôi là con kể từ lúc chào đời...