Tôi đã coi mẹ chồng như vô hình

Sự kiện: Những tâm sự hay

Tôi cố gắng dằn lòng, bụng bảo dạ, bà không nhắc đến tên mình thì coi như mình không nghe thấy gì.

 “Em đừng có cãi nhau với mẹ nữa được không? Anh mệt lắm rồi”. Đạt chỉ nói đúng bấy nhiêu rồi cúp máy. Tôi giật mình. Tôi cãi nhau gì với mẹ anh? Buổi sáng tôi rời khỏi nhà khi bà đi tập thể dục chưa về. Còn tối hôm trước thì bà kiếm chuyện chứ đâu phải tôi gây gổ?

Ngay từ khi mới yêu Đạt, tôi đã gặp khó khăn với mẹ anh. Bà bảo tôi là người có tướng mạo không thiện, con gái mà gò má cao, mắt sáng, môi đỏ quá. Bà lo sau này tôi sẽ ăn hiếp con trai bà. Những điều này bà nói sau lưng tôi và còn cho rằng nếu bà lựa chọn thì sẽ không chọn dâu như tôi. Nhớ lần đó, tôi đã tự ái, muốn chia tay. Thế nhưng Đạt lại năn nỉ. Anh nói rằng mẹ nói nhiều như vậy nhưng tính rất tốt, rất thương con cháu, sau này ở chung sẽ hiểu nhau hơn.

Tôi chịu đựng những lời cạnh khóe, mỉa mai của bà từ khi yêu Đạt, cho đến khi đám cưới về sống chung dưới một mái nhà. Tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng trong mắt bà, dường như tôi luôn có những khuyết điểm khiến bà khó chịu. Công ty phát lương muộn một ngày, bà đã nhắc; tiền điện nhiều hơn tháng trước một chút bà đã kêu phải đưa thêm; gạo mắm lên giá, bà xa gần, nặng nhẹ, bảo vợ chồng tôi ăn nhiều hơn vợ chồng bà; tôi về thăm cha mẹ ruột ở chơi lâu một chút, bà mỉa mai “lấy chồng rồi chớ đâu phải còn con gái mà muốn đi ngang, về tắt”…

Và câu chuyện khiến Đạt gay gắt với tôi xảy ra vào tối 25 Tết. Tối hôm đó, tôi mang quà của chị bạn về cho cha mẹ tôi. Chị chơi thân với tôi hồi còn đi học, Tết năm nào cũng gởi quà cho hai cụ. Vì phải về sớm để nấu cơm chiều nên tôi chở giỏ quà về nhà; định bụng ăn cơm xong sẽ mang qua cho cha mẹ; nào ngờ, đến khi tôi xin phép đi thì bà bóng gió, xa gần: “Lấy chồng rồi thì phải lo cho nhà chồng, không phải hở tí ra là đút nhét cho cha mẹ ruột…”.

Bà không nhắc đến tên tôi trong câu nói nhưng trong nhà lúc đó chỉ có tôi với bà, vì vậy tôi bảo: “Cái này là của bạn con gởi biếu cha mẹ và nhờ con mang qua dùm chớ không phải của con đâu mẹ”. Nói vậy tôi tưởng bà thôi, không ngờ bà vẫn chì chiết: “Ai mà biết được. Nói vậy chớ biết có phải như vậy không?”.

Tôi đã coi mẹ chồng như vô hình - 1

Giờ thì tôi đã biết vì sao người vợ trước của anh mới về sống chung có 28 ngày đã phải ly hôn (Ảnh minh họa)

Tôi đã định không trả lời nhưng chẳng hiểu sao lại không kềm được: “Mà dẫu con có lo cho cha mẹ con thì cũng đúng thôi, không lẽ cha mẹ nuôi con mấy chục năm mà Tết nhất, con không lo được chút quà hay sao?”. Nói rồi tôi chào bà và dắt xe ra khỏi nhà.

Tôi ở bên nhà cha mẹ rất khuya mới về. Tôi thật sự quá ngán ngẩm khi phải trở về ngôi nhà đó. Dù đã lường trước những khó khăn khi phải làm dâu nhưng tôi không nghĩ mọi chuyện lại phức tạp đến thế. Kiểm điểm lại, tôi thấy mình chẳng làm gì khiến bà phải ghét bỏ như vậy ngoài việc “gò má cao, mắt sáng, môi đỏ”. Còn chuyện tôi có ăn hiếp con bà hay không thì chính Đạt là người hiểu rõ hơn ai hết chứ làm sao bà biết được mà đi rêu rao với mọi người? Tôi ấm ức không méc thì thôi, cớ sao bà lại đặt điều với chồng tôi để anh gay gắt với tôi ngay những ngày giáp Tết như vậy?

Hôm đó tôi phải gọi lại đến lần thứ ba, Đạt mới nghe máy. Tôi hỏi: “Có phải mẹ đã nói gì với anh hay không? Nếu cần, tối nay về ba mặt một lời chớ em hết chịu nổi rồi”. Đạt nói với tôi là anh không muốn nghe bất cứ lời than vãn nào từ hai người phụ nữ đang ở cạnh anh, rằng nếu tôi sai thì nên chủ động làm lành với mẹ anh vì “Tết nhất tới nơi rồi, đừng để người ta cười vào mặt anh”.

Trời ơi, tại sao người kiếm chuyện gây gổ là mẹ chồng mà tôi phải xin lỗi? Nếu bà không nói thì tôi đâu có trả lời? Mà không lẽ làm dâu thì phải suốt đời câm lặng dù người ta nói sai, nói bậy? Tôi làm dâu chớ đâu phải người giúp việc, đâu phải là nô tì? Được rồi, nếu anh muốn tôi xin lỗi thì tôi sẽ làm nhưng từ nay về sau, tôi sẽ không nói lời nào với mẹ anh nữa.

Tôi nói là làm. Suốt mấy ngày Tết, lúc nào bà hỏi thì tôi trả lời, không hỏi thì thôi. Kết quả là sáng mùng 4, khi tôi chuẩn bị đi trực thì bà nói bâng quơ: “Mấy hôm nay tôi sống với người câm. Vậy cũng tốt”. Tôi cố gắng dằn lòng, bụng bảo dạ, bà không nhắc đến tên mình thì coi như mình không nghe thấy gì.

Vậy là tôi chào bà rồi đi làm. Vừa vô tới công ty, tôi nhận được điện thoại của chồng. Anh lại ca cẩm điệp khúc cũ: “Làm ơn đừng có gây gổ với mẹ nữa, anh mệt lắm rồi”. Tôi có gây gổ gì đâu? Tôi chỉ im lặng thôi mà? “Thì em cứ nói chuyện bình thường đi chớ em im lặng như vậy mẹ nói em coi thường, coi mẹ như vô hình…”- Đạt gay gắt.

Thì đúng là tôi đã coi bà như vô hình để không phải bực tức, ấm ức. Còn anh, biết mẹ mình như vậy còn cưới vợ làm gì? Giờ thì tôi đã biết vì sao người vợ trước của anh mới về sống chung có 28 ngày đã phải ly hôn. Tôi khá hơn khi đã sống với bà qua cột mốc 180 ngày. Và bây giờ tôi đã bắt đầu nhen nhóm ý nghĩ không nên tiếp tục kéo dài. Tôi muốn dọn ra ở riêng nhưng Đạt nói anh là con út, làm như vậy coi không được. Anh bảo chuyện ra riêng chấm dứt ở đây, anh không muốn tôi nhì nhằng nữa.

Nhưng tôi thì không thể. Tôi vẫn muốn dọn đi. Và nếu như không làm được điều đó thì không biết điều gì sẽ xảy ra với cuộc hôn nhân của tôi.

Có lẽ ngay từ đầu tôi đã sai lầm với cuộc hôn nhân này…

Xem thêm các bài viết liên quan:

Khốn đốn vì mẹ chồng "nổi loạn"

Mẹ chồng kiểm tra… trinh tiết

Khổ sở vì mẹ chồng xấu tính

Mẹ chồng lạnh lùng xui bỏ thai

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Như (Người lao động)
Những tâm sự hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN