Tình nguyện cũng là học
Lê Đào Đức Anh (sinh 1996) sinh viên người dân tộc Tày quê ở thành phố Lào Cai. Ngoài thành tích giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Trung, được tuyển thẳng Đại học Ngoại thương, Đức Anh còn là thủ lĩnh CLB tình nguyện, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Thủ lĩnh tình nguyện
Gặp Đức Anh trong “Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số đoạt giải cao trong kỳ thi quốc gia và đỗ thủ khoa, điểm cao đại học, cao đẳng năm 2014”. Trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Tày, Đức Anh kể về mình.
Đức Anh trong một chuyến tình nguyện
Anh là con út trong gia đình bố là bộ đội, mẹ là công nhân viên chức nhà nước. Đức Anh sống ở thành phố nên có điều kiện để học tập. Xem phim, đọc báo đài thấy những người bạn cùng dân tộc Tày bằng tuổi mình còn chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn nên khi được hưởng điều kiện tốt hơn, Đức Anh tự nhủ phải học hành cho đàng hoàng, xứng đáng với những gì đang có. Đức Anh học giỏi và tích cực tham gia hoạt động xã hội hướng về vùng cao giúp đỡ đồng bào.
Cấp 1, cấp 2, Đức Anh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Thi lên lớp 10, Đức Anh thi đậu trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội). Giải thích cho việc này, Đức Anh cho biết: “Lúc đầu bố mẹ muốn mình thi vào trường chuyên của tỉnh Lào Cai cho gần nhà, nhưng mình chọn trường chuyên Ngoại ngữ để học vì ở đấy có môi trường học tập tốt hơn. Đặc biệt là có thể tham gia các CLB tình nguyện của trường đi khắp các vùng khó khăn trên cả nước, được khoác lên mình màu áo xanh ấy để mang sức trẻ phục vụ cộng đồng, nhất là các em học sinh nghèo dân tộc thiểu số vùng cao”.
Trong ngày đầu tiên bước chân vào trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đức Anh đã làm đơn xin gia nhập đội thanh niên tình nguyện của trường. Với sự năng động, nhiệt tình, Đức Anh nhanh chóng tạo được dấu ấn khi lần lượt được tín nhiệm bầu làm đội phó đội tình nguyện, rồi sau đó là Chủ tịch CLB tình nguyện của trường.
Trong vai trò chủ tịch CLB tình nguyện, Đức Anh liên tục tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện khác nhau: Tiếp sức mùa thi, chăm sóc người già cô đơn, bệnh tật, trẻ em mồi côi, tật nguyền.
Đức Anh chia sẻ: “Khi đi tình nguyện gặp những trẻ em tự kỷ, những trẻ em khuyết tật thì mình cảm thấy bản thân còn rất may mắn, cảm thông và thương các em. Ngoài những em bị dị tật bẩm sinh, nhiều em thiếu sự quan tâm của bố mẹ, nhiều em mồ côi điều kiện sống khó khăn, ăn uống không đủ chất, suy dinh dưỡng. Mình rất yêu quý sự hồn nhiên của các em.
Mỗi lần đến thăm những đứa trẻ tự kỷ ở trung tâm Sao Mai, Myoko ở Hà Nội, làng trẻ Thụy An (Ba Vì)... các tình nguyện viên rất khó ra về, bởi các bé cứ ôm chặt lấy các thành viên. Nhiều cậu bé cứ ôm lấy mình thơm lên má, rồi xoa tóc như thể cảm ơn, ánh mắt ngập tràn niềm vui. Các em rất cần sự chia sẻ của chúng ta, không hẳn là vật chất. Điều họ cần nhất là sự quan tâm, yêu thương chân thành. Những hình ảnh đó ám ảnh, thúc giục chúng tôi cố gắng làm nhiều hơn nữa”.
Đức Anh đặt mục tiêu cho bản thân khi vào học ở Đại học Ngoại thương sẽ thi vào các CLB, tổ chức tình nguyện lớn của sinh viên như AIESEC, để được học hỏi, phát triển kỹ năng và tạo tiền đề để tổ chức các chương trình có tầm ảnh hưởng lớn và sâu sắc hơn đến xã hội.
Thành tích xuất sắc
Hiện tại, Đức Anh đang là tân sinh viên khoa tiếng Trung thương mại, Trường Đại học Ngoại thương. Đức Anh có thể sử dụng các thứ tiếng: Anh, Trung Quốc,...
“Nhiều người thường bảo mình nên tập trung vào học tập, đừng sa đà vào các hoạt động xã hội. Nhưng mình không muốn là con “mọt sách” ích kỷ chỉ biết sống cho riêng mình. Ngoài ra, học không chỉ học trên sách vở mà đó còn là học kỹ năng xã hội. Hoạt động tình nguyện luôn khiến mình vui, thoải mái, nó thực sự giúp mình giảm bớt căng thẳng trong học tập, lại có thể giúp đỡ người khác”, Đức Anh chia sẻ.
Với sự nỗ lực của mình, Đức Anh là một trong những học sinh được Ủy ban Dân tộc tuyên dương trong “Lễ tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia và đỗ thủ khoa, điểm cao đại học, cao đẳng năm 2014”, vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt và biểu dương trong buổi lễ.