Tiến sĩ 9x đam mê nghề y từ nhỏ, có 12 công bố khoa học quốc tế về bệnh lao

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Bước vào hành trình nghiên cứu khoa học từ sớm nhưng TS. Nguyễn Viết Hải không kỳ vọng vào số lượng công trình được công bố. Với anh, mỗi khi nghĩ đến hai chữ “khoa học” phải có sự liên kết, phục vụ cộng đồng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, chứ không đơn thuần là những “bài báo giấy”.

Đó chính là lý do khi bị từ chối đến 3 - 4 lần công bố khoa học, anh vẫn kiên trì bảo vệ kết quả báo cáo nghiên cứu đồng thời cải thiện báo cáo theo phản biện của tạp chí khoa học quốc tế, cho đến khi được công nhận để công trình thực sự có ý nghĩa khoa học đi kèm giá trị thực tiễn.

Kỳ vọng các nghiên cứu “lớn dần”

Lớn lên trong gia đình có truyền thống 5 đời liên tiếp làm nghề y, tuổi thơ của chàng trai 9x gắn liền với hình ảnh ông sớm tối bốc thuốc chữa bệnh, bố tất bật với những chuyến công tác, trao đổi kinh nghiệm ở trong và ngoài nước, mẹ làm giáo viên dạy Hóa. Năng lượng và nguồn cảm hứng bất tận của những người thân trong gia đình đã trở thành "đôi cánh" tiếp sức, đưa Hải chọn theo nghề y từ sớm.

Sinh năm 1993, tốt nghiệp loại Giỏi trường Đại học Y Hà Nội năm 2017, Hải bắt đầu đi làm tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Sau 2 năm làm việc, anh apply thành công và được Hiệp hội Chống lao Hoàng gia Hà Lan (KNCV) tài trợ cho chương trình học Tiến sĩ tại trường Đại học Amsterdam, Hà Lan. Mặc dù thời điểm học đúng vào đợt dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, anh phải trao đổi với giáo sư hướng dẫn online là chính nhưng vẫn hoàn thành sớm chương trình học trước 1 năm.

Các công trình nghiên cứu khoa học của TS. Hải tập trung tìm ra những giải pháp giảm thiểu bệnh lao. Trong đó, đề tài nghiên cứu có giá trị nhất và tính ứng dụng cao mà anh tham gia đó là nghiên cứu về xu hướng dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam trong giai đoạn 2007-2017.

Tại nước ta, các cơ sở y tế tuyến quận huyện vẫn chủ yếu chẩn đoán lao phổi bằng kỹ thuật nhuộm soi kính hiển vi. Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng hỗ trợ cho việc kêu gọi tài trợ trong nước và quốc tế để từng bước thay thế hệ thống kính hiển vi bằng kỹ thuật hiện đại là GeneXpert, một xét nghiệm sinh học phân tử có thể chẩn đoán được lao phổi trong thời gian ngắn với độ chính xác cao. Nghiên cứu này cũng là một phần của cụm công trình nghiên cứu khoa học được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2022.

Đối với những bài báo, công trình nghiên cứu khoa học khác, anh cũng mất từ nửa năm đến hơn một năm mới hoàn thành và được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế. Có những bài báo bị các tạp chí khoa học từ chối xuất bản 3 - 4 lần, nhưng tiến sĩ trẻ vẫn kiên trì bảo vệ kết quả nghiên cứu của mình và cải thiện chất lượng bài báo theo góp ý của các biên tập viên đến khi được chấp nhận.

TS. Nguyễn Viết Hải (trái)

TS. Nguyễn Viết Hải (trái)

Tính tới thời điểm hiện tại, TS. Hải đã đăng tải 12 bài báo khoa học quốc tế về bệnh lao và luôn mong những nghiên cứu này sẽ “lớn dần” thông qua chỉ số trích dẫn và hệ số ảnh hưởng ở trên Google Scholar – nơi tài liệu học thuật được xuất bản ở nhiều định dạng.

Đồng nghĩa với việc, các nghiên cứu của anh sẽ giúp ích cho nhiều nghiên cứu tiếp theo về mặt lý thuyết và gợi ý giải pháp tối ưu để chuyển hóa tới hoạt động chống lao trong thực tiễn. Qua đó thực hiện mong muốn thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu hướng tới cộng đồng, phát triển và hỗ trợ cộng đồng cùng tham gia các hoạt động phòng chống lao, dựa trên những bài học đã được rút ra sau đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Để làm được điều đó, tiến sĩ trẻ nhận thấy, cần cập nhật, nâng cấp kiến thức chuyên môn hàng ngày như một trong những công việc hiển nhiên. “Nếu không đọc các bài báo khoa học mới liên quan đến chuyên ngành, tôi sẽ bị tối cổ, không theo được những xu hướng mới, những phát kiến mới của thế giới. Do đó, tôi đăng ký nhận email khi có các bài báo mới từ một số tạp chí khoa học uy tín thuộc chuyên ngành lao và bệnh phổi để cập nhật”, tiến sĩ trẻ nói.

TS. Hải hiện đang công tác tại Hội Phổi Việt Nam.

TS. Hải hiện đang công tác tại Hội Phổi Việt Nam.

Cân bằng để sáng tạo

Theo TS. Hải, để giải quyết được mọi vấn đề trong cuộc sống chỉ với nghiên cứu khoa học là điều mơ tưởng. Nghiên cứu khoa học là một kỹ năng chuyên môn hẹp, nhưng thành công của một người chỉ dựa vào 30% kỹ năng chuyên môn hẹp, 70% còn lại dựa vào những kỹ năng ngoài chuyên môn hẹp.

“Nghiên cứu khoa học không thể giúp chúng ta đi chợ mua đồ mà không bị thách giá, hay lúc gặp xô xát với người khác giải quyết thế nào. Ngoài những kỹ năng chuyên môn hẹp, chúng ta phải học rất nhiều kỹ năng khác như kỹ năng quản trị, nhất là quản trị thời gian, tiền bạc cá nhân, quản trị rủi ro, quản trị nhân sự… hay các kỹ năng mềm khác”, anh nói.

Và tư duy cân bằng các kỹ năng cũng chính là lý do giúp anh hoàn thành sớm trước hạn 1 năm chương trình học tiến sĩ chuyên ngành Dịch tễ học của Đại học Amsterdam, Hà Lan. Trong đó, kỹ năng quản lý thời gian và kỷ luật trong nghiên cứu cũng như trong đời sống được TS. Hải đặc biệt coi trọng. Đối với anh, quản trị chính là nghệ thuật.

TS. Hải cho biết, mỗi ngày anh dành đọc hơn 20 bài báo khoa học để cập nhật kiến thức và định hình hướng nghiên cứu. Nhưng nếu không biết cách quản lý thời gian và chọn lọc vấn đề, anh rất dễ rơi vào “biển” thông tin, “lạc” trong vô vàn nghiên cứu mà không biết đâu là thứ mình cần.

Chính vì vậy, cân bằng thời gian cho từng đầu việc hay biết ưu tiên những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là cách để TS. Hải dành được một khoảng trống cho sự sáng tạo, nghĩ ra được những ý tưởng nghiên cứu thiết thực và hấp dẫn.

Đồng hành và đứng sau dõi theo hoạt động nghiên cứu của chồng, nữ thạc sĩ Hoàng Nguyễn Hương Trà thừa nhận, tình yêu với một nhà khoa học thật đặc biệt và cần nhiều hơn sự cảm thông, thấu hiểu. “Để chồng yên tâm nghiên cứu, tôi độc lập, tự lập và không nhất thiết lúc nào cũng phải có chồng mới làm được việc”, Trà nói.

TS.Hải cùng vợ tại lễ trao bằng tiến sĩ tại Hà Lan.

TS.Hải cùng vợ tại lễ trao bằng tiến sĩ tại Hà Lan.

Thành tích nổi bật của TS. Hải:

Giải Nhì cho báo cáo khoa học tại Hội nghị khoa học bằng tiếng Anh lần thứ 3 dành cho sinh viên trường Đại học Y Hà Nội (năm 2017);

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế (năm 2021) cho thành tích điều phối nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19, hỗ trợ gần 100,000 người bệnh trên toàn quốc được tiếp cận sớm;

Được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cùng với 22 đồng tác giả khác vì những đóng góp cho Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đường hô hấp” (năm 2022);

12 công trình nghiên cứu, bài báo khoa học về bệnh lao được đăng tải trên các tạp chí quốc tế.

Nguồn: [Link nguồn]

Tiêu chí chọn chồng của nữ tiến sĩ 41 tuổi, ai nghe xong cũng phải “đứng hình”

Người phụ nữ 41 tuổi có bằng tiến sĩ tại một trường đại học danh giá tại một trong những trường top đầu của Trung Quốc đã đưa ra chỉ tiêu chọn chồng khiến ai nghe xong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Châu Linh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN