Thực tập sinh Boeing đỗ học bổng tiến sĩ trường top 15 thế giới
Minh Triết, một trong hai thực tập sinh đầu tiên ở Việt Nam của Boeing, chuyển hướng theo ngành Kỹ thuật xây dựng, đỗ học bổng Đại học Công nghệ Nangyang (Singapore).
Lê Minh Triết giành học bổng toàn phần chương trình tiến sĩ trước khi tốt nghiệp hệ cử nhân ngành Kỹ thuật Hàng không (dạy bằng tiếng Anh) của trường Đại học Bách khoa TP HCM, hồi tháng 11.
Học bổng trị giá khoảng 350.000 SGD (hơn 6,6 tỷ đồng), dành cho các ứng viên có thành tích nghiên cứu xuất sắc. Theo xếp hạng đại học QS 2025, NTU đứng thứ 4 châu Á và 15 thế giới.
Triết cho hay có ước mơ du học từ lâu, tính ra trường 2-3 năm, tích góp tiền và thêm kinh nghiệm mới ứng tuyển. Nhưng hồi tháng 7, khi đang làm ở một công ty của Nhật, anh biết đến học bổng này, bèn gấp rút chuẩn bị khi chỉ cách hạn nộp khoảng một tháng.
"Mặc dù trái ngành, mình vẫn quyết định thử sức vì đam mê nghiên cứu khoa học và thích công việc dạy học", Triết nói. "Hơn nữa, nền tảng kiến thức về xây dựng cũng liên quan đến vật liệu, kết cấu mình học ở ngành hàng không".
Lê Minh Triết trong chuyến thực tập tại Boeing, Mỹ, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Triết cho biết phải trải qua vòng hồ sơ và hai vòng phỏng vấn. Ở vòng hồ sơ, chàng trai 22 tuổi nhìn nhận với những trường top đầu như NTU nên tập trung vào khả năng nghiên cứu. Ban ngày đi làm, Triết tranh thủ buổi tối viết về việc sử dụng các cánh tay robot và in 3D để xây dựng những công trình bê tông lớn một cách bền vững và thân thiện với môi trường. Thay vì dựa vào xi măng truyền thống, vốn là nguồn phát thải CO2 lớn trong ngành xây dựng, nghiên cứu tập trung phát triển và ứng dụng các loại bê tông phát thải thấp.
"Đề xuất được viết trong một tuần, với nhiều lần chỉnh sửa nhằm mục đích giảm thời gian thi công, tối ưu hóa chi phí và đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường", Triết giải thích.
Ngoài bằng tốt nghiệp loại giỏi, IELTS 7.5, thư giới thiệu, hồ sơ của Triết còn nổi bật nhờ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, trình bày tại hội thảo quốc tế và trải nghiệm thực tập ở hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing. Năm ngoái, Triết là một trong hai ứng viên được chọn trong lần đầu tiên hãng đến Việt Nam tuyển thực tập sinh.
Triết cho hay vì có mục tiêu du học từ sớm nên ngay năm đầu đại học đã tham gia nghiên cứu khoa học. Đồ án tốt nghiệp của Triết về việc sử dụng máy bay không người lái để phát hiện điểm dịch sốt xuất huyết. Máy bay chụp ảnh những khu vực có nhiều ao, hồ, chậu chứa nước đọng, sau đó trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ nhận diện địa điểm. Triết sau đó kết hợp với Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức ứng dụng nghiên cứu này để phát hiện đúng điểm dịch.
Hồi tháng 7, Triết cũng trình bày kết quả tại hội thảo về ứng dụng hàng không trong nhiều lĩnh vực ở Malaysia (SAWAE 2024) và giành giải thuyết trình xuất sắc.
Với Triết, trải nghiệm ở Boeing là đáng quý. Anh có một tháng thực tập tại văn phòng của hãng ở Hà Nội, học về an toàn bay và kiến thức hàng không. Khi sang Mỹ, Triết được phân vào ban thiết kế hệ thống bảo dưỡng máy bay. Nhiệm vụ của chàng trai 22 tuổi là chuyển giao một bản vẽ 2D thành 3D.
Điều này mới lạ vì Triết chưa từng được tiếp cận với hệ thống bảo dưỡng của hãng. Boeing cũng sử dụng phần mềm riêng và muốn làm được, Triết phải tự học nhiều.
"Sau một tháng, mình báo cáo công việc trước các giám đốc và được đánh giá hoàn thành tốt", Triết nói.
Triết khi thực tập tại Boeing ở Mỹ, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Triết được gọi vào vòng phỏng vấn online đầu tiên với hai giáo sư chuyên ngành Xây dựng vào tháng 9. Cuộc phỏng vấn 60 phút xoay quanh kinh nghiệm nghiên cứu, các dự án đã làm và cách xử lý tình huống. Vòng thứ hai ngắn hơn, chỉ 15-20 phút nhưng giám khảo gồm 5 người, tập trung vào đề xuất nghiên cứu và lý do anh muốn làm tiến sĩ ở NTU.
Triết nói khá lo lắng trước phỏng vấn vì không hình dung được giám khảo sẽ hỏi gì. Anh lên mạng tìm kiếm thông tin, xem video YouTube, tự chuẩn bị vài chục câu hỏi rồi luyện ở nhà.
Theo Triết, vòng một hỏi thiên về kinh nghiệm học thuật, vì thế anh xem lại những dự án, nghiên cứu từng làm, kết quả đạt được để không bất ngờ trước câu hỏi của giám khảo. Ở vòng sau, chàng trai thể hiện đam mê với chương trình và mong muốn nhận được học bổng. Vòng này đặc biệt hơn khi hội đồng phỏng vấn gồm giáo sư đến từ nhiều chuyên ngành. Việc giải thích kinh nghiệm cùng đam mê nghiên cứu theo cách đơn giản nhất, sao cho họ hiểu được và thích thú rất quan trọng.
Anh Trần Quốc Thiện, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Texas - Austin (Mỹ), là người hướng dẫn Triết ở vòng này. TS Thiện nhìn nhận việc đỗ học bổng trái ngành vẫn xảy ra nhưng đầy thách thức, nhất là ở các trường top cao.
"Triết thông minh, nhạy bén và giỏi ngoại ngữ. Em ấy năng động, có khả năng thích ứng rất cao, sẵn sàng chấp nhận thử thách để thay đổi định hướng sự nghiệp", anh Thiện nói.
Tháng 1/2025, Triết sẽ sang Singapore nhập học. Chàng trai cho biết xác định sẽ khó khăn trong thời gian đầu, nhưng tin sẽ vượt qua.
Muốn tìm tòi, đào sâu các môn khó của ngành Cơ khí, Thanh Nguyên đăng ký thi Olympic Cơ học và ba lần liên tiếp đạt giải.
Nguồn: [Link nguồn]