Thực hư câu chuyện “Havard, 4 rưỡi sáng” lừa đảo triệu người Việt
Một cựu sinh viên Havard lên tiếng "vạch mặt" tác giả cuốn sách đang gây bão mạng.
Bài viết “Havard, 4 rưỡi sáng” được trích từ cuốn “Havard 4:30am – Havard University Gift to Young People” của tác giả Wei Xiuying (Trung Quốc). Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội các bạn trẻ Việt Nam cũng đang truyền tay nhau hình ảnh kèm câu chuyện với sự ngưỡng mộ lớn.
Bức ảnh “Havard, 4 rưỡi sáng” kèm theo câu chuyện của tác giả Wei Xiuying đang gây sốt trên mạng xã hội
Theo đó, tác giả đăng bức ảnh được cho là tại thư viện trường Đại học Havard lừng danh lúc 4 rưỡi sáng, khi các sinh viên vẫn đang cắm cúi trước bóng đèn và hàng chồng tài liệu. Vốn được coi là trung tâm giáo dục chất lượng cao bậc nhất trên thế giới, bức ảnh và câu chuyện được chia sẻ “kiếm” về hàng triệu lượt like và chia sẻ.
Cuốn sách “Havard, 4 rưỡi sáng” phiên bản tiếng Hàn
Nhiều đoạn trong bài viết gây ấn tượng với người đọc khi mô tả cuộc sống của những sinh viên Havard: “Người ra nói trong nhà ăn sinh viên của Havard, rất khó để nghe được âm thanh nói chuyện. Mỗi sinh viên đều mang theo pizza và nước ngọt. Ai cũng đều vừa ăn vừa đọc sách hoặc là ghi chép”.
Thậm chí có đoạn: “Bệnh viện Havard cũng như thế, yên tĩnh đến nỗi có bao nhiêu người cũng như một. Không ai không đọc sách hay ghi chép. Bệnh viện cũng là một hình thức khác của thư viện”. Câu chuyện khiến bất cứ ai cũng mang một “tiềm thức” ngưỡng mộ với sinh viên và môi trường nghiên cứu tại ngôi trường này.
Hình ảnh một sinh viên chia sẻ thực tế thư viện tại Havard vào lúc 4 rưỡi sáng
Tuy nhiên, tờ Quora – một website hỏi đáp nổi tiếng đã “dậy sóng” với câu hỏi “Cuốn sách Havard, 4 rưỡi sáng có thực sự chính xác?”; thì đã được chính Arvin Chang, 1 cựu sinh viên Havard đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Cuốn sách đó hoàn toàn phi lý, được viết ra bởi một người muốn kiếm tiền từ những kẻ ngây thơ”.
Một sinh viên khác là William Chen, hiện đang học tại Havard cũng trả lời, thử viên duy nhất ở Havard mở cửa vào 4 rưỡi sáng là Lamont song bức ảnh kia không phải là thư viện này. Sinh viên khóa 2010-2015 Ramzi Amri thậm chí đã kì công chụp lại hình ảnh thực tế một buổi tối tại thư viện duy nhất ở Havard cho mở cửa đến 4 rưỡi sáng, thì điều dễ dàng nhận ra trong bức ảnh này là có rất ít sinh viên có mặt trong thư viện ở thời gian đó.
Thực tế việc học tại Havard không quá căng thẳng và “phi thường” như cư dân mạng đồn thổi
Một số chỉ trích thẳng thừng, rằng sinh viên Havard thừa thông minh để điều hòa thời gian học – nghỉ, tức là việc thức đến 4 rưỡi sáng để học quả thực “ngu ngốc”, và việc đông người học trong thư viện thực tế chỉ thấy khi sắp đến thời gian thi cử và giống hầu hết “tính nết” của sinh viên trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Janet Johnson hiện đang nghiên cứu ngành truyền thông tại Đại học Texas, sự kiện “Havard, 4 rưỡi sáng” trên Facebook thể hiển rõ bản chất của những câu chuyện mang tính truyền cảm hứng, tạo sự đồng cảm từ người đọc, hoặc tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng nhằm hướng tới một lý tưởng, một thông điệp.
Vậy có thể hiểu, “Havard, 4 rưỡi sáng”, có thể là một bức ảnh, một câu chuyện mang chút gì đó “phóng khoáng” trong trí tưởng tượng của tác giả Wei Xiuying; và thực tế những người trong cuộc có quyền lên tiếng để nói lên sự thật. Song với những ý nghĩa giáo dục tốt đẹp mà nó có thể mang lại các bậc phụ huynh và các thế hệ học sinh, đúng – sai cũng chỉ là thứ yếu.