Thú vui sưu tập hàng trăm chiếc nồi giúp hôn nhân của bà nội trợ Hà Nội khởi sắc
Sở hữu bộ sưu tập gồm hàng trăm chiếc nồi, chảo đẹp như tranh, bà nội trợ Hà Nội nhận thấy cuộc sống hôn nhân của mình cũng theo đó mà tươi sáng hơn.
Chị Minh Ngọc sở hữu hàng trăm chiếc nồi, chảo xinh xắn
Chị Trần Thị Minh Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) còn nhớ những năm đầu mới kết hôn, vợ chồng chị ở trọ trong một căn nhà nhỏ với gian bếp dùng tạm là miếng đá đặt lên hàng gạch sơ sài. Bát đĩa, nồi chảo chị dùng chủ yếu là đồ khuyến mại.
“Giống như nhiều nhà đi ở trọ khác, hai vợ chồng mình nghĩ khi nào có nhà mới, có căn bếp đẹp đúng ý rồi mới sắm sửa đồ dùng. Hơn nữa, hai vợ chồng đi làm từ sáng đến tối, bữa cơm nhà cũng chỉ qua loa. Vì thế, mình chấp nhận lối sống tạm bợ ấy năm này qua năm khác.
Cho đến khi sinh em bé, mình bị áp lực và mệt mỏi khi ở nhà chăm con. Có lần mình để quên nồi thịt kho trên bếp cháy khét, dùng cọ sắt cọ mãi không sạch, lại còn bị xước tay chảy máu nữa. Khoảnh khắc đó thực sự như giọt nước tràn ly, khiến mình sụp đổ và khóc rất nhiều”.
Cuộc sống lúc ấy khác hoàn toàn với tưởng tượng và ao ước của chị về một căn nhà đẹp, một gian bếp xinh xắn. “Mọi thứ sau hôn nhân khác xa với sự tưởng tượng của mình”.
Tối hôm đó, chồng đi làm về, hai anh chị đã nói chuyện với nhau rất lâu, cùng nhau kể về những dự định trước đây của hai đứa và cùng động viên nhau để biến những dự định đó thành hiện thực.
Hơn 2 năm, sau rất nhiều nỗ lực, vợ chồng chị chuyển nhà, vẫn là đi thuê nhưng chị không còn chọn cách sống tạm bợ như trước. Căn bếp đã được chị ưu tiên đầu tư nhiều nhất.
Nhiều chiếc nồi, chảo trong số này chưa được bóc tem
“Toàn bộ đồ bếp được thay thế. Những chiếc nồi màu sắc và những bộ bát hoa xinh xắn đã thay thế cho những món đồ tạm bợ, không đồng nhất. Cũng nhờ vậy mà mình vào bếp với một tinh thần khác hẳn – vui vẻ hơn, tích cực hơn.
Căn bếp bỗng nhiên trở thành thế giới riêng của hai vợ chồng. Tan làm về nhà, hai đứa cùng nhau vào bếp, nấu nấu nướng nướng chia sẻ việc nhà”.
Bộ sưu tập hàng trăm chiếc nồi, chảo đầy màu sắc hiện tại của bà nội trợ 35 tuổi bắt đầu từ một bộ nồi màu đỏ.
“Khi ấy, mình đang cần một chiếc nồi chống dính tốt và quyết định chỉ mua 3 cái màu đỏ của bộ, đủ nhu cầu dùng thôi.
Sau hơn 3 tháng, mình thấy bộ nồi vẫn như mới dù được dùng hàng ngày, dọn rửa lại dễ như rửa bát, nhẹ nhàng, không bị nặng quá. Dùng xong, mình treo lên tường bếp hoặc để trên kệ. Chiếc nồi màu đỏ nổi bật xinh xẻo như một thứ đồ trang trí”.
Sau đó, chị lại được tặng một chiếc chảo màu xanh khi đạt giải trong một cuộc thi. Nhận quà mà chị vui cả tuần, không nỡ mang ra dùng, đặt mãi lên kệ để ngắm.
Niềm đam mê với nồi, chảo của chị được nhen nhóm từ đó. Chị bắt đầu ao ước sở hữu tất cả nồi chảo với các màu khác nhau của một thương hiệu yêu thích.
Những chiếc nồi được chị Ngọc đánh giá là vừa đẹp, vừa dễ vệ sinh và không quá nặng
“Như một cái duyên, mình tình cờ quen người sáng lập đơn vị cung cấp dòng nồi mà mình thích. Sau khi nói chuyện với bạn, mình được thử sức với công việc livestream giới thiệu các sản phẩm của công ty, trong đó có những bộ nồi sắc màu này”.
Cũng nhờ có mối quan hệ đặc biệt như thế mà “nghiệp sưu tầm” của chị Ngọc dễ dàng hơn. Chị thường mua được các mẫu nồi chảo mới với giá tốt, mỗi tháng 1 - 2 chiếc.
Bộ sưu tập của chị tích lũy theo màu, mỗi chiếc có giá từ 400.000 - 800.000 đồng, những chiếc nồi gang họa tiết hoa có giá khoảng hơn 1 triệu/chiếc.
“Nhìn bộ sưu tập khủng thế thôi nhưng cũng không quá đắt đỏ đâu, chắc chỉ mua được nửa mét vuông nhà chung cư bây giờ” – chị hài hước nói.
Không chỉ nồi chảo, bát đĩa, các vật dụng trong bếp cũng được chị ưu tiên chọn theo phong cách nhiều màu sắc, hoa lá
Cũng giống như bất cứ ai có sở thích sưu tầm, mỗi khi “tậu” được một chiếc nồi yêu thích, chị Ngọc đều cảm thấy rất vui. “Mình như bị nghiện, cảm giác sở hữu chúng khiến mình thấy hạnh phúc.
Mặc dù mình không thể dùng hết, thậm chí có những cái còn chưa bóc tem nhưng mình không tiếc mà coi đó như một niềm đam mê. Nó có giá trị làm cho đời sống tinh thần của mình trở nên ‘giàu có’ hơn”.
“Chồng mình bảo, chắc là do kỉ niệm không vui ngày trước nên khi gặp được chiếc nồi tốt, giúp mình vơi bớt vất vả lúc nấu nướng, lại nhiều màu sắc, giúp mình chữa lành, mình mới sưu tầm bất chấp như vậy” – chị Ngọc chia sẻ.
Từ khi thay đổi môi trường sống, đầu tư cho căn bếp hơn, bức tranh hôn nhân của chị cũng dần được “tô vẽ” những màu sắc tươi sáng đúng như chị mong ước.
Quan điểm sống của chị cũng thay đổi so với ngày trước: “Mình chọn bỏ bớt những áp lực vô hình, sống trọn vẹn từng khoảnh khắc.
Nhà đi thuê cũng được, bớt áp lực mua nhà, cái nào dễ làm trước, miễn là mỗi ngày trôi qua, được sống như mình mong ước. Như thế đã là một điều tuyệt diệu rồi”.
Căn bếp xinh xắn khiến 2 vợ chồng chị có cảm hứng nấu nướng
Bức tranh hôn nhân cũng dần được 'tô vẽ' những màu sắc tươi sáng đúng như chị mong ước khi căn bếp được chăm chút cẩn thận hơn
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguồn: [Link nguồn]
Từ ngày về làm dâu, chị Phương không phải vào bếp. Người vào bếp cũng không phải là mẹ chồng chị, mà là bố chồng.