Thu nhập ổn định, nhiều người trẻ vẫn phải vay nợ khi tiêu tiền không kiểm soát
Có thu nhập ổn định so với bạn bè đồng trang lứa nhưng nhiều người trẻ đang rơi vào vòng xoáy nợ nần khi thường phải vay tiền bạn bè trước khi đến kỳ lương do tiêu hết tiền cho những cuộc vui, quá tay trong chi tiêu cá nhân hay mua sắm không tính toán.
Cuộc sống hiện đại cùng những nhu cầu ngày một ra tăng khiến không ít bạn trẻ thường xuyên gặp các vấn đề tài chính do quản lý tiền bạc sai cách. Dù nhận định được cách chi tiêu của mình có vấn đề, phần lớn vẫn loay hoay để khắc phục.
Không có kế hoạch hay nguyên tắc chi tiêu cụ thể, Thu Anh (26 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) cho biết cô thường mua đồ phần lớn dựa theo cảm hứng dù sớm biết khoản chi này có thể không cần thiết.
“Mỗi buổi sáng đi làm, mình thường ăn sáng rồi uống cà phê hoặc sinh tố rồi mới đi làm, như vậy là mính sẽ tốn khoảng từ 70.000 - 100.000 đồng. Đến trưa, mình tốn thêm 50.000 - 100.000 đồng ăn ngoài, chiều ‘vui miệng’ gọi trà sữa với đồng nghiệp. Đôi lúc đi làm về lại mua gì đó ăn vặt, chưa kể mua sắm linh tinh. Có những ngày mình tiêu ít hơn, có ngày còn vượt con số này nhiều lần”, Thu Anh nói.
Chi tiêu không hợp lý khiến Thu Anh vẫn loay hoay với các kế hoạch của mình
Cô gái 26 tuổi cho rằng vấn đề lớn nhất của bản thân là không biết kiềm chế, “kiếm đồng nào xào đồng ấy”. Đến thời điểm này của tháng 4, Thu Anh đã tiêu khoảng 20 triệu đồng, vượt thu nhập 14 triệu của cô mỗi tháng. Ngoài ăn uống linh tinh, đi cà phê cùng bạn bè, cô rất thích mua sắm quần áo và son.
“Mình chưa có kế hoạch gì dài hạn, cũng chưa lập gia đình nên tiền kiếm được chỉ để dùng cho bản thân, không có nhiều áp lực. Vì vậy, cứ thấy thích gì là mình mua luôn, nếu không đủ tiền thì tặc lưỡi “mượn tạm bạn rồi tháng sau trả”. Vì thế, dù đã đi làm cả năm nay, mình vẫn không để ra được đồng nào, thậm chí là còn đang nợ”, Thu Anh chia sẻ.
Tương tự, Ngọc Lan (25 tuổi, freelancer) cũng cắn rứt mỗi khi nhẩm tính về số tiền đã bỏ ra trong tháng.
“Mình không tốn quá nhiều vào chi phí ăn uống do gia đình mình ở Hà Nội. Tuy nhiên thi thoảng, có những cuộc hẹn với bạn bè cũng tốn đến cả triệu bạc. Mình cũng là “con nghiện” mua sắm online nữa nên là vào những dịp sale, tiền của mình cứ không cánh mà bay”, Ngọc Lan nói.
Nghiện mua sắm dù nhiều khi không cần thiết khiến dù có thu nhập ổn định, Ngọc Lan vẫn đang gặp những rắc rối về tài chính
Cứ như vậy, những món đồ mỹ phẩm, quần áo và những phụ kiện nhỏ xinh khiến Ngọc Lan thường xuyên tiêu khoảng trên 10 triệu đồng mỗi tháng hoặc thậm chí vượt hơn so với mức thu nhập hiện tại của cô.
“Có tháng, mình để dành ra được một ít thì bạn rủ đi du lịch, thế là tiền tiết kiệm lại trở về con số 0. Nhiều khi nghĩ lại, mình thấy rõ ràng mục này, mục kia không đáng bỏ tiền ra nhưng không hiểu sao vẫn hành động ngược lại”, cô gái 25 tuổi bày tỏ.
Tiêu tiền đề giải tỏa căng thẳng
Thường xuyên gặp áp lực công việc, “tiêu tiền” cũng là một trong những cách mà giới trẻ lựa chọn để giải tỏa căng thẳng, lấy lại cân bằng trong cuộc sống.
Tự nhận là người không biết quản lý tài chính, Trần Quyền (25 tuổi, nhân viên sale) thường xuyên lao đao dù có mức lương ổn khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Một tuần, chàng trai trẻ thường ăn ngoài 4 - 5 lần với mỗi lần từ 200.000 - 400.000 đồng/bữa, đặc biệt mỗi khi cảm thấy buồn phiền, mệt mỏi trong công việc, cuộc sống.
Ngoài những bữa ăn “xả stress”, Quyền có thói quen đến quán cà phê làm việc, uống nước khoảng 50.000 - 70.000 đồng mỗi lần. Có thời điểm trong một tuần, chàng trai trẻ ôm máy tính tới quán cả 7 ngày.
“Tiêu tiền” là một trong những cách mà Trần Quyền lựa chọn để giải tỏa căng thẳng và lấy lại cân bằng trong cuộc sống
Trần Quyền cho biết đã thử nhiều phương pháp tiết kiệm, từ gửi tiền online, cài ứng dụng kiểm soát chi tiêu song đều không thành công. Mỗi khi gặp vấn đề tâm lý, anh sẽ ưu tiên chiều chuộng bản thân trước rồi tính đến tiền bạc sau.
“Ban đầu, mình nghĩ mấy đồ như cà phê thì chẳng đáng bao nhiêu, có thể dễ dàng kiểm soát. Tuy nhiên khi đã thành thói quen thì thật sự rất khó bỏ, hôm nào không có thì chẳng còn tinh thần làm việc. Mà dùng hàng ngày thì quả thực khá tốn kém”, Quyền chia sẻ.
Chung nỗi niềm với Trần Quyền, Phương Linh (24 tuổi, sống tại Hà Đông, Hà Nội) chọn cách mua quần áo, đi bar hoặc pub mỗi khi gặp căng thẳng. Mặc dù thu nhập mỗi tháng của cô là 13 triệu và sống chung cùng gia đình, cô gái trẻ vẫn rơi vào cảnh “cháy túi” trước khi nhận lương.
“Có lẽ, suy nghĩ rằng công việc của mình như vậy đã ổn định, lại có gia đình ở đằng sau nên mình cứ chi tiêu linh tinh. Bên cạnh đó, mình cũng thích tụ tập ăn uống với bạn bè, đồng nghiệp. Đi ăn món chính rồi lại đi cà phê, mỗi buổi đi chơi như vậy ngốn của mình khoảng 300.000 - 500.000 đồng.
Đi làm gần 3 năm nay, từ khi mức lương khởi điểm 5 triệu mỗi tháng đến khi có thu nhập ổn định hơn như bây giờ, bài toán chi tiêu vẫn làm mình thực sự đau đầu”, Phương Linh bày tỏ.
Nguồn: [Link nguồn]
Những tác động của dịch bệnh và sự thay đổi trong xu hướng làm việc khiến cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thường xuyên thay đổi công việc. Dù vậy, khi "nhảy...