Thủ lĩnh Đoàn nuôi heo thu nhập gần nửa tỷ đồng

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Chị Ngô Thị Cẩm Như, 28 tuổi, Bí thư xã Đoàn Thạnh Trị (Thạnh Trị, Sóc Trăng) không chỉ là thủ lĩnh phong trào thanh niên ở địa phương mà còn trực tiếp làm giàu với mô hình nuôi heo, thu lợi gần nửa tỷ đồng mỗi năm.

Học nuôi heo từ Internet

Giữa trưa những ngày cận Tết, tại trang trại nuôi heo nằm sâu hút trong con đường ngoằn nghèo, chị Như miệt mài chuẩn bị thuốc để tiêm cho heo. Sau vài phút pha chế, chị chỉ tay vào con heo bệnh kêu người làm hỗ trợ bắt để tiêm thuốc.

Chị nói: “Con này chiều qua có dấu hiệu bệnh nên phải chích thuốc ngay để chữa, ngăn không lây sang con khác”. Chị Như cho biết, trại vừa xuất chuồng bán 40 con cách đây 4 ngày. Hiện trong chuồng còn 50 con và chuẩn bị bắt thêm 30 con nữa để nuôi.

Với gương mặt xinh xắn, dáng người cao, luôn tươi cười khi tiếp xúc với mọi người, nhìn cách chị bơm thuốc, chích ngừa heo một cách nhanh, gọn và  chuyên nghiệp, tôi hỏi chắc chị Như đã học qua trường lớp thú y? Chị mỉm cười nói: “Tôi không học qua trường lớp nào cả mà chủ yếu là kinh nghiệm thực tế từ việc nuôi heo và tự học trên internet”.

Trong quá trình làm công tác tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia các hoạt động Đoàn và phát triển kinh tế gia đình, chị Như nhận thấy, nhiều thanh niên lần lượt rời quê đi xa kiếm sống. “Thanh niên thấy quê nghèo, ngoài đồng ruộng, không có việc gì khác để có thu nhập ổn định, trong khi làm ruộng thì cha mẹ làm là đủ nên họ bỏ quê đi làm thuê. Trước cảnh đó, tôi quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất của mình cho các bạn trẻ học tập”, chị chia sẻ.

Theo chị Như, sau khi đi tham quan nhiều mô hình kinh tế ở trong và ngoài tỉnh, chị thấy mô hình nuôi heo hợp với khả năng, nhất là nhà có ruộng cách xa nơi đông dân cư và chồng làm nhân viên bán hàng cho công ty thức ăn nên thuận lợi cho việc nuôi heo.

Thủ lĩnh Đoàn nuôi heo thu nhập gần nửa tỷ đồng - 1

Chị Như đang pha chế thuốc. 

Thu lợi 500 triệu đồng/năm

Đầu năm 2012, với số vốn 30 triệu đồng từ nguồn vay của tổ chức Đoàn cộng với hơn 100 triệu đồng được gia đình giúp đỡ, chị đầu tư hệ thống chuồng trại trên diện tích hơn 0,4 ha của nhà mình, đảm bảo quy trình kỹ thuật với hầm nước tắm tự động, hầm chứa biogas, hệ thống nước thải, điện, nước. Còn giống mua ở Trung tâm giống tỉnh Sóc Trăng và của người dân.

Việc vừa làm kinh tế gia đình vừa làm việc tại cơ quan sẽ gây không ít khó khăn, nhưng theo chị Như, điều quan trọng là sắp xếp thời gian cho hợp lý. Chị Như nói: “Sáng sớm chỉ cần đổ thức ăn vào máng tự động là đủ để heo ăn cả ngày, còn tắm rửa đã có hầm nước tự động nên chỉ cần thuê 1 người làm công”.

Chị Như tính toán, một con heo nuôi trong vòng 4 tháng xuất chuồng, chi phí gần 4 triệu,  đến khi bán giá trung bình (như năm nay) là 50.000 đồng/kg heo hơi, mỗi con trên 100 kg lãi hơn 1 triệu đồng. Hơn nữa, mua thức ăn với số lượng lớn, công ty giao đến tận nhà nên giá mềm hơn những người nuôi khác. Năm 2014, trang trại của chị Như bán gần 500 con heo thịt, trung bình mỗi con giá khoảng 5 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 500 triệu đồng.

Mô hình kinh tế trang trại không chỉ giúp gia đình có kinh tế ổn định mà còn tạo công ăn việc làm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho thanh niên trong xã. Với cương vị là thủ lĩnh thanh niên của xã, chị Như khẳng định: “Mình lãnh đạo thanh niên mà làm kinh tế không giỏi thì nói ai nghe”.

Ngoài việc vừa làm Bí thư xã Đoàn Thạnh Trị vừa quản lý trang trại heo hàng trăm con, chị còn là chủ cửa hàng thức ăn gia súc, gia cầm và lúa giống để cung cấp cho người dân.

Chị Võ Kim Bằng, Bí thư Huyện Đoàn Thạnh Trị nhận xét, chị Như không chỉ giỏi làm kinh tế gia đình mà trong công tác luôn năng nổ, hoàn thành tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên trong xã tích cực tham gia các phong trào do Đoàn cấp trên phát động. Chị cũng luôn truyền ngọn lửa nhiệt huyết và khát vọng làm giàu chính đáng của bản thân để giúp thanh niên vươn lên thoát nghèo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hòa Hội (Tiền phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN