Thủ khoa trường Công nghệ: Học giả Erasmus Mundus thích múa bụng, đam mê toán và vận trù học
"Một người anh từng bảo mình rằng, muốn sánh vai cùng các chị mình chắc chỉ còn cách trở thành thủ khoa thôi. Và thế là mình trở thành thủ khoa thật", chia sẻ từ Ngân Hà, thủ khoa tốt nghiệp năm 2023 với điểm số cao kỷ lục của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET).
Tháng 6 vừa qua, Dương Ngân Hà (22 tuổi, quê Hưng Yên) đã tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Khoa học máy tính chương trình chất lượng cao.
Ngân Hà nhận bằng cử nhân tại lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với điểm tích lũy 3.96/4.0, cô là sinh viên có điểm tốt nghiệp cao nhất trong lịch sử của Trường Đại học Công nghệ tính đến thời điểm hiện tại. Cô cũng là sinh viên duy nhất đạt điểm 10 tuyệt đối, trong số hơn 600 sinh viên bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp đợt 1 năm 2023 của trường.
Ngân Hà là 1 trong 96 thủ khoa được xét chọn tuyên dương tại Lễ tuyên dương “Thủ khoa xuất sắc” tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, sẽ được tổ chức vào ngày 6/10 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, cô không thể tham dự buổi lễ đặc biệt này do đã sang châu Âu du học với học bổng thạc sĩ toàn phần Erasmus Mundus.
Ngân Hà và chiếc cúp vinh danh thủ khoa trong ngày tốt nghiệp.
Ngoài học tập, Ngân Hà dành thời gian theo đuổi múa bụng. Đây là môn nghệ thuật mà cô đã gắn bó từ những năm học cấp hai. Cô cho rằng, đây là phương pháp hiệu quả để nuôi dưỡng tâm hồn cũng như rèn luyện sức khỏe thể chất.
Cô còn có thêm những trải nghiệm thú vị khi tương tác với máy quay, hay rèn luyện bản lĩnh sân khấu khi góp mặt trong một số dự án múa bụng và tham gia tranh tài tại các cuộc thi.
Mùa hè vừa qua, ngoài chiếc cúp thủ khoa, Ngân Hà còn được cầm trên tay chiếc cúp vô địch mà nhóm múa của cô đã đạt được trong một cuộc thi múa bụng quốc tế.
Ngân Hà nâng cúp vô địch cuộc thi múa bụng quốc tế vào tháng 7/2023.
Trò chuyện với Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, cô nói vui rằng danh hiệu thủ khoa đã giúp cô “sánh vai với chị gái”. Ngân Hà và chị gái cách nhau gần 10 tuổi, cả hai đều là cựu học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương.
Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, trong khi chị gái giành giải Nhì môn Vật lý, cô chỉ đạt giải Khuyến khích môn Toán. Chị gái cô từng là Á khoa tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương và giành học bổng du học toàn phần. Cô cũng có một người chị họ từng tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Y Hà Nội.
Ngân Hà kể: "Một người anh từng bảo mình rằng, muốn sánh vai cùng các chị mình chắc chỉ còn cách trở thành thủ khoa thôi. Và thế là mình trở thành thủ khoa thật”.
Ngân Hà cùng bố mẹ tại buổi bảo vệ khóa luận.
Cô chia sẻ thêm: “Nói vui vậy chứ mình không phấn đấu để trở thành thủ khoa, chỉ là khi đạt được một điểm A+ rồi, lại muốn chinh phục nhiều điểm A+ hơn. Mình nghĩ điểm A+ là một trong các dấu hiệu của việc mình đầu tư đủ nhiều để nắm bắt kiến thức của từng môn học, điều đó khiến mình thỏa mãn”.
Bảng điểm tốt nghiệp của Ngân Hà có đến 43/47 môn đạt điểm A+. Ngay học kỳ đầu tiên với nhiều môn đại cương, cô đã có điểm tổng kết xuất sắc và đứng thứ nhất toàn khoá. Sự khởi đầu thuận lợi chính là động lực để cô quyết tâm duy trì điểm số ấn tượng suốt thời sinh viên.
Ngân Hà là lớp trưởng của lớp K64 CACLC3 Khoa học máy tính và nhiều lớp môn học. Cô nghiêm túc đi học đúng giờ dù nhà cách trường gần 20km, thường ngồi bàn đầu để tập trung và dễ dàng tương tác với giảng viên. Trong quá trình nghe giảng, nếu có phần nào chưa hiểu, cô ghi chú vào lề vở và đến cuối giờ hỏi lại giảng viên.
“Có một lần dù đã hết giờ, đóng cửa phòng học rồi nhưng thầy và mình vẫn say sưa thảo luận về nội dung bài học. Hai thầy trò đành kéo nhau ra hành lang để tiếp tục trao đổi. Sự nhiệt tình của các giảng viên khiến mình tự nhủ phải cố gắng hơn”, cô nhớ lại.
Nữ thủ khoa cho biết, dù bản thân có thành tích nổi bật, cô lại cảm thấy ngưỡng mộ những bạn trẻ có khao khát mãnh liệt với những điều họ làm. Các bạn ấy có thể đặt mục tiêu một cách rõ ràng, biết điều gì quan trọng và sẵn sàng đánh đổi để đạt được điều mình muốn. Còn với cô, cô chỉ đang làm tốt nhất những gì có thể trên hành trình tìm kiếm đam mê cho bản thân.
Những năm tháng đại học, Ngân Hà luôn trăn trở về chuyên ngành mà cô sẽ theo đuổi sau tốt nghiệp. Khi chưa có quyết định cụ thể, cô thường chọn những môn tự chọn thuộc đa dạng các định hướng để thử sức với nhiều nội dung. Cô cho rằng chiến lược đó sẽ giúp bản thân ít nhiều, dù sau này có theo đuổi hướng đi nào.
Thời điểm trước khi tốt nghiệp, Ngân Hà rơi vào trạng thái mông lung và khủng hoảng. Cô dành nhiều tháng ôn thi IELTS nhưng kết quả không như ý, ứng tuyển 7 học bổng ngoài ngân sách không thấy hồi âm, bài báo quốc tế bị từ chối 3 lần, bị 3 công ty từ chối khi tìm việc và trượt tiếp 1 học bổng thạc sĩ.
Đã quen với sự thành công của “con nhà người ta”, những việc trên ập đến cùng lúc khiến cô chìm dần trong trạng thái căng thẳng và bắt đầu suy nghĩ “dường như không ai cần mình”.
Trước khi nhận tin trúng tuyển học bổng thạc sĩ Erasmus Mundus, cô từng định ghi danh lớp đào tạo huấn luyện viên dạy múa vì "biết đâu mình sẽ tìm được con đường mới cho bản thân".
Nếu không tiếp tục học nâng cao, Ngân Hà nghĩ biết đâu cô sẽ trở thành một giáo viên dạy múa
Khi đang học lớp 10 chuyên Toán, Ngân Hà có cơ hội tham gia trường hè về toán và khoa học MaSSP do các du học sinh tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, cô được tập làm quen với nghiên cứu khoa học, tập giả lập các bước trong một đề tài nghiên cứu và việc sử dụng công thức toán học để giải quyết các vấn đề trong đời sống.
Trải nghiệm tại trường hè năm đó và niềm say mê toán học được Ngân Hà chọn làm nội dung chính cho bài luận nộp học bổng Erasmus Mundus.
Cô kể về lý do chọn Khoa học máy tính vì ngành này không chỉ dựa trên nhiều kiến thức toán, mà còn có ứng dụng đa dạng trong cuộc sống thực. Những công trình nghiên cứu khoa học của cô cũng xoay quanh ứng dụng của toán hay cô luôn đạt điểm tuyệt đối trong các môn học liên quan đến toán ở đại học.
Hè 2023, Ngân Hà trở lại trường hè MaSSP với vai trò người hướng dẫn (mentor) môn Toán.
Từ năm thứ nhất, Ngân Hà đã tham gia phòng thí nghiệm tối ưu hoá ORLab do Tiến sĩ Hà Minh Hoàng là trưởng nhóm. Cô hào hứng cho hay: "Thật tuyệt vời khi tìm thấy Vận trù học - lĩnh vực được mệnh danh là ‘the science of better’.
Mình nghĩ đây là sự kết hợp thú vị của toán và công nghệ. Dưới một góc độ nào đó, nó khá ‘con người’, khi mà ai trong chúng ta cũng cần ra quyết định và đều muốn tối ưu quyết định của mình".
Cô là tác giả chính (first-author) của một bài báo được đăng trên tạp chí khoa học thuộc nhóm Q1 và một báo cáo tại hội nghị quốc tế. Năm 2021, cô được Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ”.
Ngân Hà và Tiến sĩ Hà Minh Hoàng tại lễ trao giải “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực Khoa học công nghệ” năm 2021.
Tháng 10/2022, Ngân Hà tham gia một hội thảo khoa học quốc tế tại Nha Trang, lần đầu báo cáo nghiên cứu bằng tiếng Anh với vai trò tác giả chính. Trước đông đảo khách mời, có một nhà khoa học đã hỏi cô một câu hỏi khá cơ bản nhưng cô lại không thể trả lời một cách thoả đáng.
Trên chuyến bay từ Nha Trang ra Hà Nội, cô cứ nghĩ mãi về tình huống ấy, không phải bởi cảm giác “dơ mặt” trước nhiều người, mà bởi cảm giác bản thân chưa thật sự đào sâu vào nghiên cứu. Là một người làm nghiên cứu, đáng ra cô phải tự đặt cho chính mình câu hỏi đó trước khi có người khác chỉ ra.
“Đó là một hồi chuông cảnh báo. Mình nhận ra cần chú tâm hơn khi làm nghiên cứu. Mình cần mở rộng tư duy để luôn tự hỏi bản thân rằng liệu còn câu hỏi nào mà mình có thể tự đặt cho chính mình trong nghiên cứu này nữa không”, cô kết luận.
Nhìn lại con đường nghiên cứu khoa học, Ngân Hà muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Tiến sĩ Hà Minh Hoàng, Tiến sĩ Mai Anh Tiến và Tiến sĩ Tạ Thuý Anh. Những người thầy, người cô đã không chỉ hướng dẫn, cổ vũ để Ngân Hà từng bước gia nhập thế giới học thuật, mà còn tận tâm chia sẻ, bao dung, hỗ trợ cô những lúc thất bại hay thiếu niềm tin.
Ngân Hà (thứ 3 từ phải qua) cùng thầy giáo và một số thành viên của phòng thí nghiệm tối ưu hoá ORLab hội thảo khoa học quốc tế.
Ngân Hà từng đạt giải Nhất kỳ thi Olympic Toán học Sinh viên UET lần thứ VII năm 2021 và giải Triển vọng tại cuộc thi lập trình UET Hackathon năm 2022. Mùa hè 2022, cô thực tập 3 tháng tại Đại học Quản lý Singapore (SMU) với vai trò trợ lý nghiên cứu.
Cô là thành viên của Câu lạc bộ Hỗ trợ sinh viên UET, huấn luyện viên tại Ngày hội Toán học mở Math Open Day năm 2018 và 2019, đại sứ truyền thông của chuỗi sự kiện “Women in AI 2022” và người hướng dẫn (mentor) môn Toán tại trại hè MaSSP - Math and Science Summer Program năm 2023.
Ngân Hà nhìn nhận, điểm học tập xuất sắc, hoạt động ngoại khóa liên quan đến ngành học cùng kinh nghiệm nghiên cứu và trao đổi tại nước ngoài chính là điểm mạnh khi nộp học bổng Erasmus Mundus. Dù điểm IELTS chưa thật sự cao, cô đã được trao học bổng mà không cần trải qua vòng phỏng vấn.
Ngân Hà cùng bạn học tại thủ đô Roma của Ý.
Hiện cô theo học chương trình thạc sĩ InterMaths với học bổng Erasmus Mundus trị giá 49.000 euro (gần 1,3 tỷ đồng). Sau học kỳ đầu tiên tại Ý, sinh viên của InterMaths sẽ trải qua các học kỳ tiếp theo tại trường đại học của Áo, Đức, Pháp hoặc Tây Ban Nha tuỳ theo định hướng chuyên ngành.
Được tài trợ bởi Ủy ban châu Âu, Erasmus Mundus là một trong những học bổng toàn phần danh giá với tỷ lệ chọi, cạnh tranh cao. Niên khoá InterMaths 2023-2025 của Ngân Hà nhận được hơn 1000 hồ sơ ứng tuyển trên khắp thế giới và chỉ có 25 suất học bổng được trao.
Thu Hiền sở hữu bảng thành tích nối dài trong học tập cũng như hoạt động ngoại khóa, khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Nguồn: [Link nguồn]