Thủ khoa kép ngành Văn học: Văn học đưa tôi đến hiện đại từ truyền thống

Sự kiện: Giới trẻ 2024

“Học Văn rồi ra trường làm gì?”, “Học Văn là học những gì?”, “Học Văn thì làm nhà văn hay cô giáo dạy Văn à?”, là những câu hỏi Phương Hoa thường nhận được từ mọi người xung quanh khi giới thiệu mình là sinh viên ngành Văn học.

Trong lễ tốt nghiệp được tổ chức vào ngày 5/8/2023 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Phương Hoa là một trong số các tân cử nhân xuất sắc được vinh danh. Với điểm học tập 3.68/4.0, cô là thủ khoa tốt nghiệp ngành Văn học của trường.

Nguyễn Phương Hoa - tân thủ khoa kép ngành Văn học (VNU-USSH) năm 2023.

Nguyễn Phương Hoa - tân thủ khoa kép ngành Văn học (VNU-USSH) năm 2023.

Bốn năm trước, Phương Hoa từng là thủ khoa đầu vào của ngành. Trong quá trình học tập, cô cũng giành được nhiều thành tích nổi bật như: Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tặng Sinh viên đạt kết quả học tập cao nhất (năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022); Học bổng Văn khoa dành cho Sinh viên đạt thành tích học tập xuất sắc (năm học 2021 - 2022); Học bổng Đào Minh Quang dành cho Sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện (năm học 2019 - 2020, 2021 - 2022); Học bổng Khuyến khích học tập dành cho sinh viên (theo các kỳ).

Phương Hoa vinh dự được đại diện cho sinh viên toàn trường phát biểu trong Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phương Hoa vinh dự được đại diện cho sinh viên toàn trường phát biểu trong Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phương Hoa đã có những tâm sự với độc giả của chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong về hành trình của riêng mình. Qua đó, cô mong muốn truyền tải những giá trị tinh thần tích cực đến với các bạn trẻ, hy vọng các bạn hãy “dám yêu, dám làm và dám theo đuổi ước mơ”.

Tình yêu Văn học từ những trang sách tuổi thơ

Mình là Nguyễn Phương Hoa, sinh ra và lớn lên tại Phú Thọ. Hồi nhỏ, khi nhà chưa có Internet, tivi, điện thoại hay mạng xã hội, mình dành phần lớn thời gian rảnh để đọc sách, truyện, báo… Mình đọc bất cứ cuốn sách nào, dù được cho hay được tặng, mượn trên thư viện, mượn của anh chị, bạn bè. Việc đọc ban đầu đơn thuần để giải trí, nhưng rồi càng đọc càng say mê. Mình nhớ cảm giác say sưa khi đọc sách hồi ấy, đặc biệt là sách văn học, khi sách còn khan hiếm và mỗi cuốn sách thực sự là một vật báu.

Sách mang đến những chân trời mới, mở ra những thế giới rộng lớn ngoài làng quê của mình. Sách phá vỡ giới hạn tồn tại hữu hạn về không gian và thời gian, cho mình được thấy nhiều cuộc đời, nhìn qua nhiều kiếp người, trải qua nhiều cảm xúc khác nhau, còn giúp mình tự ý thức về chính bản thân mình.

Năm học lớp 9, chúng mình có Kỳ thi chọn học sinh giỏi. Cô giáo dạy Văn đã gọi mình vào đội tuyển. Thay vì những giờ ôn luyện căng thẳng, những buổi học của ba cô trò rất thoải mái, tự nhiên và gần gũi. Đặc biệt, cô giảng cho chúng mình nghe rất nhiều về Truyện Kiều của Nguyễn Du, mở rộng thêm ngoài các đoạn trích đã có trong sách giáo khoa.

Truyện Kiều không có trong đề thi chọn học sinh giỏi Văn năm ấy, nhưng những lời cô giảng, những câu thơ cô đọc, mình vẫn luôn khắc ghi: “Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Mình cũng nhớ như in nhận định trong câu nghị luận văn học của đề thi năm đó: “Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ đường ta đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta phải tự bước lên đường ấy” (Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi).

Kết quả, giải Nhất tỉnh môn Ngữ văn thực sự là một bất ngờ lớn với mình. Khi mình vào lớp 10, với điều kiện gia đình lúc đó, thay vì thi vào lớp chuyên Văn của trường chuyên ở thành phố, mình chọn học trường cấp ba gần nhà. Mình được xếp vào lớp khối A1 Tự nhiên, với định hướng thi đại học khối D ba môn Toán-Văn-Anh.

Một lần nữa, mình được gọi vào đội tuyển Văn của trường tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải Nhì năm lớp 12. Sau đó, mình thi đại học, trúng tuyển và theo học ngành Ngôn ngữ Nhật của Trường Đại học Hà Nội.

Thế nhưng, tình yêu văn học thì vẫn luôn ở đó. Nếu những cuốn sách hồi cấp 1, 2 đã nhen nhóm những ánh lửa đầu tiên, thì việc học đội tuyển và giải Nhất tỉnh Văn năm lớp 9 đã “đốt lửa” trong lòng mình. Sau đó, dù mình đã đi một con đường khác, ánh lửa tắt, nhưng than hồng của ngọn lửa vẫn còn. Đến một ngày, lớp than ấy thổi bùng lên, sáng lại những ánh lửa, khiến mình “tự bước lên đường ấy” - con đường đến với ngành Văn học.

Đằng sau vẻ ngoài dịu dàng, dễ mến là một cô gái mạnh mẽ với ý chí kiên cường đi tìm lại tình yêu văn học trên con đường của riêng mình.

Đằng sau vẻ ngoài dịu dàng, dễ mến là một cô gái mạnh mẽ với ý chí kiên cường đi tìm lại tình yêu văn học trên con đường của riêng mình.

“Nếu học Văn, mình rất muốn học Văn Tổng hợp”

Mình quyết định thi lại đại học, với một bộ hồ sơ và nguyện vọng duy nhất của lòng mình. Mình sẽ thi Văn, mình sẽ học Văn. Mình đăng kí vào Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Có rất nhiều lời khuyên mình nên chọn ngành Sư phạm Ngữ văn thay vì ngành Văn học. Nhưng nếu học Văn, mình rất muốn học Văn Tổng hợp.

Phương Hoa (áo trắng) được GS.NGND Nguyễn Kim Đính trao Học bổng Văn khoa.

Phương Hoa (áo trắng) được GS.NGND Nguyễn Kim Đính trao Học bổng Văn khoa.

Bởi vì, Khoa Văn học có tiền thân là Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - một trong những đơn vị có bề dày truyền thống trong hệ thống các cơ sở đào tạo ngành Văn học trên cả nước. Danh tiếng về Khoa Văn Tổng hợp đã lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng xã hội và cả trong lòng mình. Và hơn tất thảy, chính văn học đã mở ra một cánh cổng mới cho mình, hướng mình tới sự hiện đại từ những giá trị truyền thống.

Khi nhận được các câu hỏi từ mọi người xung quanh về ngành học của mình, mình thường trả lời sinh viên Văn học có thể làm nhiều công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như nghiên cứu văn học và văn hóa, giảng dạy văn học; làm báo chí và xuất bản; quản lý văn hóa và sáng tác văn học nghệ thuật.

Hiện nay, nhờ tính liên ngành trong chương trình đào tạo, chúng mình còn có khả năng mở rộng phạm vi hoạt động sang những lĩnh vực có liên quan như làm biên kịch, đạo diễn điện ảnh và truyền hình, sản xuất nội dung đa phương tiện và sản xuất nội dung (content) trong lĩnh vực truyền thông, báo chí,...

Từ cô bé làm bạn với những trang sách đến cô nữ sinh Khoa Văn học và thành quả tự hào từ những nỗ lực, cố gắng của chính mình.

Từ cô bé làm bạn với những trang sách đến cô nữ sinh Khoa Văn học và thành quả tự hào từ những nỗ lực, cố gắng của chính mình.

Trở thành Thủ khoa ngành Văn học năm 2023, mình muốn gửi những lời cảm ơn chân thành nhất đến gia đình và các thầy cô đã dạy mình; các thầy cô Khoa Văn học, tập thể K64 Khoa Văn học; các thầy cô của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và các anh chị em, các bạn học cùng trường mà mình quen biết, đã luôn dành cho mình rất nhiều thương yêu, quan tâm, động viên và giúp đỡ.

Phương Hoa cùng các bạn trong đội kịch K64 Văn học đã giành Giải Nhất và Giải Đội kịch được yêu thích nhất trong Đêm kịch Khoa Văn mở rộng 2022 - Vượt sóng.

Phương Hoa cùng các bạn trong đội kịch K64 Văn học đã giành Giải Nhất và Giải Đội kịch được yêu thích nhất trong Đêm kịch Khoa Văn mở rộng 2022 - Vượt sóng.

Luôn tự hào khi trở thành một mảnh ghép của Văn học.

Luôn tự hào khi trở thành một mảnh ghép của Văn học.

Trong quá trình học tập, dù có những khó khăn nhưng nhờ có tình cảm và sự đồng hành của mọi người, lúc nào mình cũng thấy may mắn, vui vẻ, biết ơn và hạnh phúc.

Nguồn: [Link nguồn]

Nữ thủ khoa kép trường HV An Ninh ”gây bão” MXH vì xinh như hot girl

Hà Linh sở hữu vẻ ngoài trong trẻo, xinh đẹp như hot girl cùng thành tích học tập "khủng" khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trịnh Ngọc Anh (Ghi) ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN