Thủ khoa giấu bố mẹ để học khối D
Thủ khoa ĐH Kinh tế Quốc dân Trần Hiếu là một chàng trai hát hay, dễ khóc. Cậu là một minh chứng của sự học "có công mài sắt có ngày nên kim".
Thỏa thuận với bố mẹ để được học chuyên Anh
Xuất sắc đạt được 27,5 điểm khối D (Toán 9, Anh 9,5, Văn 9), Trần Hiếu trở thành tân thủ khoa của đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội).
Hiếu là học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Em sinh ra trong gia đình có bố và mẹ đều là giáo viên. Bố em vì sức khỏe yếu nên đã xin nghỉ hưu sớm, còn mẹ là cô giáo dạy Địa lý nổi tiếng của tỉnh Nghệ An. Chị gái Hiếu hiện đang là kiểm toán viên.
Ngay từ đầu, gia đình muốn định hướng cho Hiếu đi theo khối A. Nhưng em lại cảm thấy mình không có hứng thú và sở trường ở các môn tự nhiên nên nhất quyết không nghe theo lời bố mẹ và chị gái. Để có được sự đồng ý cho mình thi vào lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Hiếu đã viết một bức thư rất dài để “thỏa thuận” với bố mẹ. Trong đó cậu viết: "Con sẽ vừa học chuyên Anh vừa học thi khối A".
Suốt 3 năm học cấp 3, Hiếu vẫn âm thầm ôn thi khối D và không tập trung vào khối A như đã hứa. Đến năm lớp 11, thấy quá áp lực khi phải che giấu, Hiếu đã nói thật nguyện vọng của mình. Em thực sự muốn dồn hết sức để đạt được kết quả tốt nhất cho một khối thi. Và bố mẹ đã phản đối rất dữ dội trước quyết định của cậu.
Dần dần, thời gian cũng làm cho bố mẹ nguôi giận và bằng lòng cho em thi khối D vào ĐH Kinh tế Quốc dân. Khi biết tin cậu con trai của mình đỗ thủ khoa, mẹ của em rất bất ngờ: “Cô rất ngạc nhiên vì Hiếu đã đạt được điểm Văn cao như vậy. Khi đi thi về, cô và Hiếu chỉ nghĩ là Toán sẽ là môn thi tốt nhất vì em thiên về các môn tự nhiên hơn. Cô cũng chỉ muốn cho Hiếu đi theo khối tự nhiên để có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp hơn cho mình sau này chứ không cấm đoán gì. Nhưng thành quả này đã chứng minh cho những nỗ lực của em là rất lớn và cô tự hào về điều đó”.
Hiếu và bạn bè chụp ảnh kỷ niệm cùng cô giáo Phạm Thanh Lê.
Từng khóc vì điểm Văn thấp
Hiếu chia sẻ, em không có năng khiếu về văn chương nên rất gặp khó khăn trong việc hành văn. Vì thế, nếu các bạn nắm kiến thức văn bản rất nhanh thì em lại khá là chậm chạp. Biết được khuyết điểm này của mình, Hiếu đã phải chăm chỉ, cần mẫn hơn các bạn cùng lớp rất nhiều. Em mượn vở của các bạn đi học thêm ở các giáo viên khác nhau rồi về nhà lọc ý ra thành các nội dung chính, sắp xếp và biến chúng thành kiến thức của mình. Cần cù bù thông minh. Càng ngày, Hiếu càng tiến bộ và tiến lên nhóm đầu của lớp ở môn Văn.
Cuối năm lớp 12, dù đã chuẩn bị rất kỹ, Hiếu rất choáng váng khi biết được mình chỉ được 6,25 môn Văn trong kỳ thi thử tốt nghiệp của trường. Về nhà, em đã nằm khóc và thấy rất lo lắng. Cô giáo dạy Văn của em, Phạm Thanh Lê đã tìm đọc lại bài làm của Hiếu và đưa ra cho em những lời khuyên cần thiết để Hiếu kịp thời sửa chữa. Hiếu bảo, chính vì có cô luôn tận tình, chu đáo và theo sát em nên em mới có thể vượt qua được những áp lực của kì thi và có được kết quả như hôm nay.
Cô Phạm Thanh Lê tâm sự: “Hiếu là một học trò rất chăm chỉ và cẩn thận. Trong lớp, em là người chuẩn bị bài vở, soạn bài và làm bài chu toàn nhất. Phương pháp dạy của tôi là lấy học sinh làm trọng tâm. Chính các em phải là người đọc văn bản, cảm nhận văn bản, soạn văn bản và làm đề thi một cách độc lập, không được phụ thuộc vào tài liệu tham khảo. Tôi chỉ là người định hướng cách cảm nhận và sửa chữa những thiếu sót cho các em. Tôi cho các em làm quen với tất cả dạng đề để các em không bỡ ngỡ khi vào phòng thi. Thành công của Hiếu là thuộc về sự cố gắng không ngừng của chính em”.
Hiếu (ngoài cùng, bên phải) cùng bạn bè.
Chàng “bún lèo” nổi tiếng hát hay
Là một cây văn nghệ của trường từ cấp 2, Hiếu đã được rất nhiều người biết đến với khả năng âm nhạc. Những chương trình biểu diễn của nhà trường luôn có sự góp mặt của giọng ca có cái tên cũng rất nghệ sĩ Trần Hiếu.
Với vẻ ngoài vừa béo, vừa lùn, các bạn đã đặt cho cậu biệt danh là “bún lèo”. Ở lớp, Hiếu là một lớp phó văn thể mĩ năng nổ, nhiệt tình giúp đỡ các bạn.
Trông bên ngoài, Hiếu rất vui vẻ, hay tươi cười nhưng chàng trai này cũng rất mau nước mắt. Lớp 8, sau khi biểu diễn văn nghệ, Hiếu đã bị mất chiếc áo trắng đồng phục thay ra để mặc đồ diễn và thế là cậu đứng ngay giữa sân trường khóc nức nở như một đứa trẻ khiến mọi người để ý và từ đấy cậu nổi tiếng. Những lúc căng thẳng, Hiếu cũng khóc. Trước khi kì thi đại học diễn ra, Hiếu thấy mình học mà chẳng vào, cứ mỗi lần học vì mệt quá ngủ gật ngay trên bàn, thức dậy cậu lại khóc giàn giụa nước mắt vì thấy mình “hư” quá.
Đi thi về lo mình điểm thấp
Bí quyết ôn thi của Hiếu là “ăn chắc, thắng chắc”. Hiếu đặt mục tiêu đạt được điểm số ở những câu cơ bản trước. Thời gian học môn Toán của Hiếu chủ yếu là ở trên lớp, còn lại về nhà cậu đầu tư cho hai môn Anh và Văn. Với môn Toán, Hiếu cố gắng làm sao làm được thật nhiều dạng bài cơ bản để đạt được điểm 8, rồi sau đó mới nâng cao thêm các câu khó hơn. Với môn tiếng Anh, Hiếu chủ yếu học từ sách giáo khoa vì theo Hiếu trong sách có rất nhiều từ vựng mà các bạn hay bỏ qua. Môn Văn là môn Hiếu lo nhất vì Hiếu chưa có nhiều thời gian để luyện viết mà chỉ tập trung vào học và cảm nhận nội dung các tác phẩm.
Sau khi hoàn thành kỳ thi, Hiếu rất sợ điểm sẽ không cao vì môn Toán cậu chưa xem đáp án, môn Văn thì viết dài quá (5 tờ giấy đôi) sẽ lan man.
Tinh nghịch tuổi học trò.
Chia sẻ về đề thi nghị luận xã hội năm nay, Hiếu nói: “Em hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Tran Hung John, một phần bởi đây là ý kiến khách quan của một Việt kiều chưa từng sống ở Việt Nam trước đó, một phần là bởi trong xã hội có quá nhiều bằng chứng làm rõ tính cách thụ động của con người Việt Nam. Tuy nhiên, không thể quên đi rất nhiều người Việt Nam đã từng là người dẫn đường, người tiên phong, như chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng hạn. Em nghĩ là giới trẻ Việt Nam hiện nay khá năng động, tích cực, nhiều bạn còn có khả năng lãnh đạo rất tốt, dường như các bạn đang bị cuốn theo hiệu ứng đám đông, chạy theo phong trào, nên tính sáng tạo ngày càng mất đi”.