Thủ khoa "10 tuổi bán trà đá, 22 tuổi làm giám đốc"
Là thủ khoa đầu ra của đại học Hà Nội, sau 4 năm tốt nghiệp Nguyễn Thị Trà My đã trở thành giám đốc. Để có được thành công này, Trà My từng làm bồi bàn, rửa chén.
Nguyễn Thị Trà My (sinh năm 1988) đăng ký dự thi vào khoa quản trị du lịch (ĐH Hà Nội). Không phải là thí sinh đỗ đầu của kỳ thi tuyển sinh đại học, nhưng sau 4 năm bằng sự nỗ lực và luôn tâm niệm điều mẹ dạy “quan trọng nhất là cách thể hiện của con trong quá trình học tập”, Trà My đã xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra của trường.
Có máu kiếm tiền từ nhỏ
Sinh ra tại Hải Phòng trong một gia đình bố mẹ cùng làm kinh doanh vì vậy ngay từ nhỏ Trà My đã “có máu kiếm tiền”. Những đồng tiền đầu tiên Trà My kiếm được ngay khi mới là cô bé tiểu học: “Năm đó, mỗi lần được ông nội cho táo trong vườn, mình và chị họ lại đem ra chợ bán và thấy kiếm được tiền rất thích. Ra chợ, thấy bà bán nước rất đắt hàng nên mình cũng mượn bàn, đun trà đem bán trong suốt một tháng được nghỉ hè”.
Lên đại học, từ năm thứ nhất Trà My tìm ngay công việc làm thêm. Ngoài việc cố gắng để đạt học bổng mỗi kỳ, thời gian còn lại cô xin đi bán hàng quần áo, mỹ phẩm, nhân viên bồi bàn, pha chế trong quán cà phê. Những trải nghiệm thực tế này giúp My trưởng thành hơn rất nhiều.
Năm thứ 2, tình cờ quen một người bạn trên xe buýt, và được nhờ dạy kèm tiếng Anh, Trà My bắt đầu bén duyên với nghề giáo và hình thành ý tưởng thành lập trung tâm ngoại ngữ.
“Cũng từ đó, mình đã gặp được người bạn cùng chung chí hướng. Cả hai đều muốn mở các lớp học giúp các bạn sinh viên cải thiện trình độ tiếng Anh. Thời gian đầu mình dạy hoàn toàn miễn phí vào các buổi tối trong tuần. Sau đó, do thích công việc này và nghĩ rằng nếu các bạn phải trả phí chắc chắn sẽ có trách nhiệm hơn với việc học nên mình thu mỗi người 800.000 đồng/khóa/20 buổi”, Trà My nhớ lại.
Nguyễn Thị Trà My.
Hai nay năm sau, khi mới tròn 22 tuổi, Trà My và nhóm bạn đã quyết định mở trung tâm Anh ngữ. Nhưng ngày đầu thành lập, công việc kinh doanh của cô thủ khoa gặp rất nhiều khó khăn.
Những ngày tháng đó vẫn luôn in đậm trong tâm trí của My: “Là sinh viên mới ra trường, thiếu kinh nghiệm, bồng bột, không suy nghĩ sâu sa phải như thế nào, mọi quyết định chúng mình đều phải tìm tòi, học hỏi rất nhiều. Lúc đó, cơ sở vật chất của trung tâm còn rất thiếu thốn, nhìn vào không ai muốn học. Số tiền đầu tư cho công việc kinh doanh mình cũng phải vay hoàn toàn và trả dần.
Mọi công việc từ lớn đến nhỏ ở trung tâm chúng mình đều phải tự làm, từ việc dọn dẹp, khuân vác bàn ghế đến dạy học, quảng cáo trung tâm. Suốt ba tháng đầu tiên, mình làm việc hầu như không có ngày nghỉ, lại chẳng có tiền. Thậm chí, bạn bè nhìn thấy mình thương quá còn nấu cơm cho ăn”.
Hơn nữa, trung tâm tiếng Anh mọc lên nhan nhản khắp nơi, nhưng chất lượng thì không phải nơi nào cũng đảm bảo. Vì vậy, khó khăn nhất đối với Trà My giai đoạn đầu là lấy được lòng tin của phụ huynh, học sinh: “Khi đi giới thiệu trung tâm, mình từng bị nhiều người nghi ngờ là lừa đảo. Để chứng minh chất lượng giảng dạy và quảng bá thương hiệu, thời gian đầu tiên mình dạy hoàn toàn miễn phí. Sau ba năm thành lập, trung tâm mới bắt đầu có lãi”.
Với công việc kinh doanh, Trà My hy vọng một năm nữa, trung tâm sẽ phát triển ổn định, có đội ngũ giáo viên chất lượng. Với riêng bản thân mình, cô mong muốn “năm 30 tuổi trong tài khoản có vài chục nghìn đô la, nuôi em ăn học, dành tặng một khoản tiền cho bố mẹ và đi du lịch trải nghiệm cuộc sống”.
“Em muốn đi học vì được gặp cô”
Theo học ngành Quản trị du lịch, nhưng Trà My lại bén duyên với nghề giáo. Đó cũng là niềm đam mê thứ hai trong cuộc đời cô.
Trà My kể lại: “Ngày bé, mình luôn ước được đứng trên bục giảng như cô giáo, nên đòi mẹ mua một cái bảng to và rủ các bạn cùng xóm sang chơi trò dạy học. Lên cấp hai, trong mỗi quyển sách giáo khoa mình đều ghi to dòng chữ “Tôi sẽ trở thành giáo viên sau khi tốt nghiệp đại học”. Vào lớp 10, vì mê du lịch nên mình đăng kỳ học ngành này. Nhưng lúc đó mình vẫn luôn cho rằng học ngoại ngữ sau này vừa có thể kinh doanh, vừa có thể trở thành giáo viên”.
Cô luôn quan niệm “dạy học không chỉ cung cấp kiến thức mà điều quan trọng hơn đó là truyền cảm hứng, niềm say mê cho học trò”.
Cô giáo này là người truyền cảm hứng cho rất nhiều học viên.
Hướng đến đối tượng sinh viên và người đi làm, vì vậy Trà My có rất nhiều học trò đặc biệt. Đó là một bác 70 tuổi nhưng vẫn chăm chỉ đến lớp và không ngại khi ngồi học với các cháu hay một chị bác sĩ dù vất vả với công việc và gia đình nhưng mỗi đêm vẫn tranh thủ làm bài.
Và những món quà như bức tranh vẽ cô giáo hình con rồng kèm theo dòng chữ “Em yêu cô rất nhiều” hay chia sẻ “muốn đến lớp vì được học cô” là những điều giản dị nhưng khiến My luôn yêu và dành trọn tâm huyết cho từng bài giảng.
Lớp học của thủ khoa ngày nào giống như ngôi nhà nơi các bạn có thể chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống. “Từ bố mẹ mắng đến thất tình các bạn cũng đều có thể đến gặp mình chia sẻ”, Trà My nói vui.
6 năm gắn bó với nghề giáo, Trà My nhận thấy rằng: “Khó nhất đó là làm sao mỗi bài giảng luôn sinh động khiến các học viên có cảm hứng mỗi khi đến lớp”. Nhưng chính niềm vui khi nhìn thấy sự tiến bộ của học trò “từ trình độ trung bình sau ba tháng đạt 5.5” hay “10 ngày ôn tập tăng 2.0 điểm thi Ielts” là động lực giúp Trà My tiếp tục nỗ lực hơn nữa.
Cô gái tò mò, nổi loạn
Chia sẻ về những thành công của mình, Trà My luôn tự nhận “do bản tính tò mò, thích nổi loạn nên không muốn đi những con đường bằng phẳng”.
Dù gia đình không gặp khó khăn về kinh tế, nhưng Trà My luôn sẵn sàng trải nghiệm mọi công việc. Trong bốn năm ở Việt Nam và ba năm du học tại Mỹ, cô từng phải bưng bê, rửa chén, lau sàn rất vất vả nhưng để học được cách giao tiếp, vốn sống và làm quen với nhiều loại người Trà My vẫn sẵn sàng làm việc.
“Mình đã có cơ hội gặp và làm quen với mọi người trên 20 quốc gia khác nhau và trang bị cho mình nhiều kiến thức về các nền văn hóa. Cũng chính bản tính tò mò, mình đã từng nhịn ăn từ sáng đến tối trong vòng một tháng như tín đồ Hồi giáo khi làm quen với một người Ai Cập.
Thời gian đầu rất khó khăn nhưng mình được người đó dạy rằng “chỉ cần có nhiềm tin, bạn có thể làm được tất cả. Vì vậy, hàng ngày dù vẫn phải bưng bê làm việc chân tay vất vả mình vẫn quyết tâm thực hiện điều đó. Sau một tháng mình giảm 2 kg, nhưng cảm thấy khỏe mạnh hơn rất nhiều”, Trà My tâm sự.
Quen và yêu một chàng trai Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy Trà My đang theo học thêm ngôn ngữ này để có thể hiểu hơn về “một nửa” của mình. Tự nhận mình “không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ và muốn chu du khắp mọi nơi”, cô gái này còn học thêm tiếng Tây Ban Nha, một trong những ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, để có thể giao tiếp với nhiều người hơn.
Trà My cho rằng: “Cuộc sống không chỉ bó hẹp trong căn nhà với chồng con mà còn phải được làm những gì mình thích, được khám phá thế giới. Vì vậy, bạn bè vẫn thường nói mình nổi loạn”. Cô gái này hy vọng người chồng tương lai sẽ cùng chung sở thích, hiểu và có thể chia sẻ mọi điều với mình.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Cuộc sống hiện tại của thủ khoa nổi tiếng năm 2013
Từ thủ khoa đại học năm 1991 trở thành CEO