‘Thổi hồn’ vào phụ tùng ô tô, xe máy cũ, 8X thu hơn trăm triệu đồng mỗi tháng
"Thổi hồn”, biến phụ tùng ô tô, xe máy cũ… thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, 8X Lâm Đồng thu về hơn trăm triệu đồng mỗi tháng.
Nghề độc đáo
Bên trong xưởng cơ khí ngổn ngang chi tiết, phụ tùng xe máy, ô tô cũ... anh Nguyễn Tuấn Anh (37 tuổi, TPHCM) cùng những người thợ tỉ mẩn tạo hình con robot kích thước lớn. Đó là một trong những sản phẩm của nghệ thuật cơ khí sắp đặt (decor cơ khí) có giá hơn nửa tỷ đồng.
Anh Tuấn Anh đến với công việc decor cơ khí sau khi rời Đà Lạt (Lâm Đồng) xuống TPHCM. Tại đây, khi tình cờ xem trên mạng thấy người nước ngoài sắp đặt, ghép nối các linh kiện, chi tiết máy cũ thành những vật dụng trang trí độc đáo, lạ mắt, anh rất tò mò.
Nhận thấy tại Việt Nam chưa có người làm công việc này, anh quyết định theo đuổi dù bị gia đình, người thân phản đối. Anh tách khỏi cửa tiệm của chị gái, đầu tư máy cắt, máy hàn, mua phụ tùng, xác xe máy, ô tô cũ về mày mò tạo hình những vật dụng, mô hình theo trí tưởng tượng.
Bắt đầu từ năm 2018, đến nay anh Tuấn Anh được nhiều người biết đến như một trong những nghệ nhân cơ khí sắp đặt nổi tiếng ở TPHCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh khởi nghiệp bằng những chiếc đèn chiếu sáng được tạo hình từ các thanh sắt, ốc vít, xích tải... Khi tay nghề khéo léo, óc sáng tạo phong phú hơn, anh biến những bánh răng, xích tải, pittong, phuộc nhún cũ… thành chiếc đồng hồ, mô hình động vật, robot… đẹp mắt, sống động.
Các sản phẩm sau khi hoàn thiện không chỉ mang lại hiệu ứng thị giác tốt mà còn đảm bảo tính thẩm mỹ, độc đáo, có hồn. Thậm chí, một số sản phẩm còn có thể chuyển động.
Anh Tuấn Anh chia sẻ: “Tôi gọi công việc của mình là decor cơ khí hay nghệ thuật cơ khí sắp đặt. Bởi, tôi ghép nối, sắp đặt những chi tiết cơ khí, phụ tùng máy móc cũ lại với nhau theo bố cục định sẵn để tạo nên một sản phẩm trang trí, trưng bày độc đáo, đẹp mắt.
Các sản phẩm decor cơ khí của anh đều được ghép nối từ những chi tiết máy, phụ kiện xe ô tô, xe máy cũ... Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dù được tạo từ những linh kiện cơ khí, phụ tùng xe, máy móc cũ… các sản phẩm khi hoàn thiện đều thoả mãn các tiêu chí như: chuẩn về bố cục, thể hiện được ý đồ của người làm. Đặc biệt, sản phẩm phải có tính thẩm mỹ cao và sống động”.
Một sản phẩm decor cơ khí của anh Tuấn Anh thường trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, lên ý tưởng và tạo hình sản phẩm theo ý tưởng là công đoạn khó nhất.
Đầu tiên, người thợ lên ý tưởng mô hình theo suy nghĩ, sự sáng tạo của mình hoặc theo đơn đặt hàng của khách. Sau đó, thợ vẽ phác thảo ý tưởng rồi dựng khung theo bản vẽ.
Có khung, người thợ tìm kiếm, lựa chọn từng chi tiết, linh kiện cơ khí, phụ tùng máy phù hợp để ghép nối, cố định lên khung sao cho hợp lý, tạo thành tác phẩm đẹp về phần nhìn, khoa học về cách sắp đặt.
Khi hoàn thiện, các sản phẩm đều có tính thẩm mỹ cao, độc đáo. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thu trăm triệu đồng/tháng
Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi sức sáng tạo, tư duy nghệ thuật cũng như sự tỉ mỉ, khéo léo cao từ người thợ. Bởi, nếu không có sự sáng tạo, tư duy nghệ thuật, người thợ không thể xếp đặt các chi tiết, linh kiện máy móc hợp lý, thẩm mỹ.
Nếu không khéo léo, để xảy ra sai sót trong quá trình tạo tác, người thợ cũng buộc phải dùng máy cắt ra để làm lại từ đầu vì các chi tiết thường được hàn thành một khối. Mỗi sản phẩm thường được anh Tuấn Anh chế tác trong vài giờ đến vài tuần.
Bắt đầu từ năm 2018, hiện nay xưởng chế tạo sản phẩm cơ khí sắp đặt của anh Tuấn Anh cho ra đời những sản phẩm độc đáo, phức tạp với giá thành cao. Tuỳ kích thước, độ khó, các sản phẩm này có giá từ vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.
Các mô hình động vật, linh vật được anh Tuấn Anh chế tác không chỉ có tính thẩm mỹ cao mà còn rất sống động. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cá biệt, một số sản phẩm đạt mức giá trên 1 tỷ đồng như: mô hình bò tót, trực thăng, kỳ lân, robot bumblebee kích thước lớn, bức tường cơ khí tại các resort… Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, các mặt hàng của anh còn xuất đi nước ngoài.
Khách hàng của anh Tuấn Anh khá đa dạng nhưng thường là người có thu nhập cao. Khách thường mua các sản phẩm trên để làm quà tặng sinh nhật, tân gia, đối tác…
Mẫu robot kích thước lớn có giá thành hơn 700 triệu đồng đang trong quá trình hoàn thiện của anh Tuấn Anh. Ảnh: Hà Nguyễn
Công việc chế tạo sản phẩm decor cơ khí giúp anh Tuấn Anh thoả đam mê, có thu nhập tốt để nuôi sống gia đình, duy trì xưởng sản xuất. Mỗi tháng, sau khi trừ tất cả chi phí, anh thu về hơn 100 triệu đồng từ công việc độc đáo của mình.
Anh Tuấn Anh chia sẻ: “Ngoài một số sản phẩm được chế tạo theo kiểu đại trà, hiện nay chúng tôi còn sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng. Các sảm phẩm này thường có giá thành cao vì độ độc đáo và tính thẩm mỹ cao.
Tôi luôn xem các sản phẩm của mình là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Bởi, mỗi tác phẩm không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo mà còn chứa đựng chất xám, óc sáng tạo và tư duy nghệ thuật của người thợ”.
Nguyễn Hoàng Duy Anh (25 tuổi), một trong những người đam mê decor cơ khí được anh Tuấn Anh đào tạo miễn phí đã trở thành thợ có tay nghề cao. Ảnh: Hà Nguyễn
Hiện, ngoài việc sản xuất sản phẩm, anh Tuấn Anh còn đào tạo miễn phí nghề chế tạo sản phẩm decor cơ khí cho người có đam mê. Sau khi có tay nghề, kinh nghiệm, các học viên có thể ở lại xưởng làm việc hoặc mở tiệm riêng để khởi nghiệp.
”Dù trong trường hợp nào, tôi cũng hoan nghênh và cố gắng hỗ trợ người cùng đam mê hết mình.Tôi luôn muốn người có đam mê có thể phát triển và sống được bằng công việc còn khá mới lạ này”, anh nói thêm.
“Tôi nghĩ bí quyết thành công của tôi là làm việc chăm chỉ. Hãy tìm thứ bạn yêu thích và không tiếc công sức để thực hiện".
Nguồn: [Link nguồn]