'Thói cuồng Hoa hậu của người Việt' gây tranh cãi lớn
Người viết cho rằng "Thói 'cuồng' Hoa hậu của người Việt - hay 'tinh thần dân tộc' chỉ là cái mác quá rẻ".
Mới đây, bài viết của một du học sinh 9x có nickname N.S trên trang cá nhân về thói “cuồng” Hoa hậu của người Việt Nam nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng.
Trong phần chia sẻ của mình, N.S thẳng thắn cho rằng, việc đâu đâu cũng thấy ủng hộ, kêu gọi, bình chọn cho Phạm Hương, với sự lặp lại của những cụm từ như “tinh thần dân tộc” hoặc “tự hào Việt Nam” thật nực cười vì "một đất nước kinh tế - giáo dục còn chưa ra đâu vào đâu, mà cái thứ người ta quan tâm nhất lại là cô Hoa hậu ấy hôm nay mặc váy gì".
Những chia sẻ trên Facebook N.S gây tranh cãi
Với chàng sinh viên năm 3 ngành Truyền thông và Điện ảnh ĐH Vassar (Mỹ), thì cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ hay Hoa hậu Thế giới "cũng chỉ là một trò chơi không hơn không kém, chỉ là một reality show giống như Next Top Model với những tiêu chí khác mà thôi".
N.S cũng đưa ra những quan điểm cá nhân cho rằng, chính khái niệm "cuộc thi sắc đẹp" đã có vấn đề bởi ai quyết định người này đẹp hơn người khác, ai quyết định được vẻ đẹp hoang dại kiểu Nam Mỹ đẹp hơn vẻ đẹp kín đáo Á Đông? Theo nhận định của tác giả, giám khảo các cuộc thi Hoa hậu, vốn mang định kiến sẵn trong “thẩm mĩ” của họ, sẽ chấm điểm từng cô Hoa hậu một như một món đồ.
Bài viết nhận được nhiều lượt like (thích) và chia sẻ từ cộng đồng mạng ngay sau khi được đăng tải. Nhiều người đồng quan điểm với N.S cho rằng, bài viết thực tế và thẳng thắn đúng với góc nhìn của một người trẻ cá tính.
Bạn Phương-Mai Đặng viết "Mình thấy đáng buồn nữa là nhiều người Việt, vì quá cuồng hoa hậu nước mình, còn mang cái 'tinh thần dân tộc' đấy để lên trang web của Miss Universe chê bai, nhạo báng và nói xấu hoa hậu Philippines sau khi cô ấy đăng quang. Chẳng khác nào tự vả vào sự văn minh của mình cả".
Hay nick name Mai Lan cũng đưa ra quan điểm: "Hãy coi cuộc thi hoa hậu như một chương trình giải trí" bởi theo bạn trẻ này thì những chương trình giải trí sẽ mang đến cho khán giả những màn trình diễn đẹp mắt, để khán giả được mãn nhãn bởi sắc đẹp, sự lộng lẫy, tự tin của những người đẹp, chứ không phải vì sự thắng hay thua.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, tác giả bài viết đưa ra ý kiến độc đoán, chưa khách quan, vẫn còn cứng nhắc và tiêu cực quá.
Nick name Nam Hưng nhận xét: "Những điều bạn nói không sai. Nhưng bạn lại có cái nhìn quá khắt khe về cuộc thi, về người đẹp, về cách khán giả yêu mến và cổ vũ hoa hậu". Facebooker này cũng đưa ra lời khuyên với tác giả: "Hãy nhìn mọi việc một cách nhẹ nhàng thì bạn sẽ thấy sự yêu mến, cuồng nộ đó của mọi người cũng rất đỗi bình thường".
"Nếu hành động ấy không sai, không ảnh hưởng đến ai thì làm gì phải lên án? Phạm Hương không phải là một sản phẩm của sự tâng bốc quá đáng, mà chính xác là cô ấy và ekip lên chiến lược quá bài bản, cộng thêm vốn sẵn có và những gì thể hiện của cô ấy vượt mong đợi của mọi người đã làm thổi bùng ngọn lửa kỳ vọng.", nick name Duy Phan bình luận.
Dưới đây là toàn bộ nội dung chia sẻ của Facebook N.S:
Thói “cuồng” Hoa hậu của người Việt Nam. Chưa bao giờ truyền thông và cộng đồng mạng Việt Nam lại quan tâm nhiều tới một cuộc thi sắc đẹp như thế. Đâu đâu cũng thấy ủng hộ, kêu gọi, bình chọn cho Phạm Hương, với sự lặp lại của những cụm từ như “tinh thần dân tộc” hoặc “tự hào Việt Nam.” Còn mình chỉ thấy tất cả thật nực cười. Nực cười vì bây giờ khái niệm “tinh thần dân tộc” trở nên rẻ tiền như thế. Nực cười vì một đất nước kinh tế - giáo dục còn chưa ra đâu vào đâu, mà cái thứ người ta quan tâm nhất lại là cô Hoa hậu ấy hôm nay mặc váy gì. 1. Người Việt Nam đã mơ về chiếc vương miện Hoa hậu Hoàn vũ hay Hoa hậu Thế giới từ lâu lắm rồi; mỗi năm lại cập nhật xem đại diện lần này vào top mấy, có đạt kỉ lục gì không, cứ như đây là một cuộc thi khách quan mang tính toàn cầu, do một nhà cầm quyền tối thượng đứng ra tổ chức. Hoa hậu Hoàn vũ Phạm Hương Người ta có bao giờ nghĩ đến việc những cuộc thi thế này là sản phẩm của những tập đoàn tư nhân, cũng đều do con người đứng ra đặt quy định, chấm điểm và trao giải? Hoa hậu Hoàn vũ từng là của NBC và Donald Trump, giờ là của WME/IMG, không phải một Chúa Trời quyền lực nào có quyền quyết định xem đất nước nào đẹp hơn đất nước nào, con người nào đẹp hơn con người nào. Và đã là do những tập đoàn tư nhân tổ chức, do con người đứng sau, thì Hoa hậu cũng chỉ là một cuộc thi mang tính chủ quan. Định nghĩa trên Wikipedia của Miss Universe là “one of the most publicized beauty contests in the world” – một trong những cuộc thi được “quảng bá” rộng nhất, chứ không phải “lớn” nhất, càng không phải QUAN TRỌNG nhất. Ấy thế mà buồn cười, người ta cứ nghĩ có được chiếc vương miện ấy là trở thành bá chủ thế giới luôn rồi. 2. Và vì Hoa hậu Hoàn vũ chỉ là sản phẩm của những công ty, tập đoàn tư nhân như WME/IMG, thì về cơ bản, nó cũng chỉ là một trò chơi không hơn không kém, chỉ là một reality show giống như Next Top Model với những tiêu chí khác mà thôi. Tại sao ư? - Nếu ai theo dõi kĩ, thì sẽ thấy Miss Universe là một công cụ hoàn hảo để quảng cáo sản phẩm thương mại. Phần thi swimsuit một phần để phô hình thể, để thi thố, một phần là để quảng cáo cho thương hiệu swimsuit Yamamay và thương hiệu giày Chinese Laundry. Không tin? Hãy lên website Miss Universe để thấy tên những thương hiệu này tràn ngập caption album ảnh. Cuộc thi nhằm “tôn vinh vẻ đẹp,” hay chỉ dùng họ để làm mẫu quảng cáo? Khác gì Next Top Model, một chương trình đặt product placement làm trung tâm? - Đặc điểm của những reality show như Next Top Model là khai thác những câu chuyện đời tư dễ gây mủi lòng, ví như concept “vịt hoá thiên nga” mà VNTM áp dụng suốt mấy mùa không chán. Năm nay, Miss Australia – top 10 - nhận được sự chú ý của truyền thông (tới cả Daily Mail) vì đã từng là một người tị nạn, cùng câu chuyện vượt khó hoà nhập với đất nước mới. Đến vòng ứng xử Top 5, câu hỏi dành cho Miss France cũng về chính trải nghiệm của cô với vụ nổ bom Paris ngay tháng trước. Kể cả vẻ đẹp có “bình thường,” nhưng câu chuyện thú vị, thì vẫn có thể tằng tằng đi tiếp. Nghe giống Next Top Model chứ? - Một reality show thì không thể thiếu yếu tố gây sốc. Màn trao nhầm vương miện năm nay đã cũ rồi, chỉ là sự học đòi của chung kết Australia’s Next Top Model năm 2010 mà thôi. Về cơ bản, cũng chỉ là giải trí. Thế mà ở cái đất này, giải trí nhảy lên trước cả công việc, cả những lĩnh vực như chính trị, khoa học, giáo dục. Giống như, chưa làm việc mà đã muốn nghỉ ngơi vậy đó. Cuộc thi này chung quy cũng chỉ là một công cụ nữa của sự thương mại hoá, của chủ nghĩa tư bản. Ấy thế mà mấy nhà yêu nước sao tung hô nhiều ghê! 3. Điều duy nhất mình nhớ trong chương trình tiếng Anh phổ thông là một bài đọc trong sách Tiếng Anh 6, nói về tại sao những cuộc thi Hoa hậu rất anti-feminist, đi ngược với bình đẳng giới. Vì sao ư? Vì cái mác của nó là “tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ,” nhưng thực tế thì dùng cơ thể phụ nữ, phô trương ra trước màn ảnh để thoả mãn con mắt đàn ông. Đêm nay, chính MC Steve Harvey khi giới thiệu phần thi swimsuit đã nói, đại khái “Đây là phần thi mà đàn ông rất mong chờ.” Camera lướt từ dưới lên trên, sao cho từng mảng da thịt và đường cong phô ra hết sức có thể (xem “the male gaze”). Phần thi trang phục dân tộc thì gần hết là để lộ da thịt, có khác nào Victoria’s Secrets Fashion Show đâu. “Tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ” hay là phô diễn cơ thể cho những ánh mắt tà dâm? Nực cười. Nhiều sao Việt cũng kêu gọi, bình chọn cho Phạm Hương Từ đầu, chính khái niệm “cuộc thi sắc đẹp” đã có vấn đề. Ai quyết định người này đẹp hơn người khác? Ai quyết định vẻ đẹp hoang dại kiểu Nam Mỹ đẹp hơn vẻ đẹp kín đáo kiểu Á Đông? Ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu, vốn mang định kiến sẵn trong “thẩm mĩ” của họ, sẽ chấm điểm từng cô Hoa hậu một như một món đồ. Lúc đầu, khi người ta ca tụng Phạm Hương là mang vẻ đẹp “Tây Tây,” mình đã thấy buồn cười. Hoa hậu của một nền văn hoá lại đại diện cho vẻ đẹp của một nền văn hoá khác. Tất cả chỉ để đi thi một cuộc thi rẻ tiền. Đây là tại sao văn hoá Việt Nam ngày càng hao mòn, vì người ta đã không biết chuộng bản sắc dân tộc, lại còn sính ngoại, hám những cái “Tây Tây” như thế. Một đất nước quá bị ám ảnh bởi vẻ ngoài! Những cuộc thi thế này sẽ dễ làm cho người ta tự ti về ngoại hình, dẫn đến mong muốn sửa mặt, sửa mũi, sửa cằm. Rồi còn đâu những thứ tự nhiên? Rồi còn ai thèm quan tâm tới cái gọi là NHÂN CÁCH hay TRÍ TUỆ? Thử hỏi xem ở Việt Nam có bao nhiêu kẻ chụp ảnh lên mạng xã hội thì lung linh, nhưng bên ngoài lối sống chẳng ra gì? Thử cho vốn kiến thức của HHVN 2014 N.C.K.D. đi trả lời mấy câu hỏi tối nay, xem em ấy mấp máy được bao nhiêu câu? 4. Tinh thần dân tộc ư? Tinh thần dân tộc để vote cho Phạm Hương, rồi giả như Phạm Hương đoạt giải, Việt Nam sẽ được gì? Có người bảo sẽ làm rạng danh quê nhà – nói thật nhé, chẳng ai quan tâm mấy cuộc thi này đâu, trừ người Việt Nam với Philippines ra. Vì đơn giản nó chỉ là một dạng reality show thôi mà. Rồi người ta bảo Phạm Hương được giải thì sẽ phát triển du lịch, cứ như là chỉ cần sức của một người thì tiền ào ào đổ vào Việt Nam vậy đó. Nhìn xem có ai đi du lịch Venezuela không? Tinh thần dân tộc? Hay chỉ là một cái mác mĩ miều cho thói tôn thờ Hoa hậu ở cái đất này! Tinh một chút cũng nhận ra Phạm Hương chạy PR ở Việt Nam rất bài bản nhé – đầu tiên tung ra thiết kế cái mấn, rồi sau đó dần tung ra hai bộ áo dài, rồi dần dần là Dạ cổ hoài lang, rồi trang phục dạ hội. Bài bản quá! Phạm Hương đi thi đoạt giải là phụ thôi, chứ những cái Phạm Hương cần có đã có hết rồi. Ai cũng thấy Phạm Hương mỗi ngày trên News Feed. Tiền catse của Phạm Hương chắc một đêm nhảy lên trời. Mà lãnh địa của chị là Việt Nam chứ đâu phải thế giới, thế nên tất nhiên chị đã thành công. Tất cả tinh thần dân tộc cuối cùng chỉ rót vào túi tiền của một người mà thôi. Đúng là ở Việt Nam, Hoa hậu cũng là một nghề. Lại nói lạc sang người khác, nhưng chẳng biết em K.D. làm được gì với “cương vị” Hoa hậu trong một năm vừa rồi, cơ mà chạy sự kiện thì “nghề” quá rồi. Và cũng thật buồn cười, ngày thi Bán kết Hoa hậu Hoàn vũ trùng với ngày xét xử vụ án thảm sát 6 người ở Bình Phước, thế mà hôm ấy, ai ai cũng chỉ nói về cái dáng “Mình Xà” của Phạm Hương. Cứ thế này thì Việt Nam sẽ trở thành cường quốc sắc đẹp nhanh thôi, còn cái sắc đẹp ấy có mài ra thành lẽ phải, thành văn minh, thành kiến thức, văn hoá sống được hay không. |