Thiếu nữ 19 tuổi “kẹt” trong hình hài trẻ 2 tuổi
Tuy đã bước sang tuổi 19 nhưng thiếu nữ người Ấn Độ chỉ cao 76 cm và nặng 12 kg, bằng một đứa trẻ 2 tuổi.
Thoạt nhìn, nhiều người lầm tưởng Girija Srinivas là đứa trẻ chưa biết đi nhưng tuổi thật của em năm nay đã là 19.
Thiếu nữ sống ở thành phố Bangalore mắc một căn bệnh lạ bẩm sinh khiến xương không phát triển và cơ thể chỉ dài 76 cm và nặng 12 kg. Girija Srinivas cũng không thể ngồi dậy vì đầu cô bé quá to so với cơ thể và tay không cầm được gì nặng hơn tách cà phê.
Girija Srinivas bên bức tranh của mình
Các bác sĩ cảnh báo Girija Srinivas có thể gãy xương và khó thở nếu xoay cổ bất ngờ. Do đó, gia đình phải cử người túc trực bên giường bệnh để chăm sóc cho cô bé.
Girija lạc quan theo đuổi ước mơ thành nghệ sĩ
Girija Srinivas hiện tại
Điều đáng quý là dù bệnh tật nhưng Girija vẫn luôn lạc quan và theo đuổi ước mơ thành nghệ sĩ. “Em không muốn ai thương hại mình, em đã cho mọi người thấy khả năng của mình. Mẹ giúp em ăn uống, sinh hoạt nhưng khi vẽ, em không cần sự giúp đỡ của ai cả. Em tự làm điều đó”, Girija tự tin thổ lộ.
Girija còn cho biết cô bán được 5-6 bức tranh mỗi tháng và kiếm được khoảng 2 triệu đồng từ thú vẽ tranh. “Em phải chăm sóc cha mẹ mình và cần có khả năng tài chính để làm điều đó”, thiếu nữ cho hay.
Nanda Baayi - mẹ của Girija - cho biết ước mơ của Girija là có được cuộc sống độc lập và bà hy vọng con đường nghệ thuật sẽ giúp con gái thực hiện được điều đó.
Girija Srinivas lúc nhỏ
Giống bạn bè cùng trang lứa, lúc nhỏ, những khi không vẽ tranh, Girija xem ti vi và chơi với con vật cưng của mình. Từng nghe rất nhiều những lời chế giễu tàn nhẫn về bề ngoài nhưng Girija vẫn bỏ ngoài tai và có một nhóm bạn thân trong khu phố.
Girija cho biết cô bé không buồn vì kích thước cơ thể cũng như chuyện không được đến trường. “Em không muốn nổi tiếng chỉ vì mắc phải căn bệnh lạ mà chỉ ước một ngày nào đó được nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật. Em cũng không mong được người khác thông cảm, chỉ muốn được công nhận”, Girija nói.
Girija sống cùng anh trai và cha mẹ. Người cha làm thợ may với mức lương chỉ khoảng 150.000 đồng/ngày, chỉ đủ trang trải tiền thuốc men cho con. Dù nghèo nhưng gia đình vẫn ủng hộ ước mơ của cô bé.
“Tôi đủ tự tin để nói rằng con bé có thể tự nuôi sống mình và đó là ước mơ của nó” - bà mẹ nói.