Thiện nguyện - lẽ sống đời tôi!
Làm giảng viên của một trường ĐH ở Cần Thơ nhưng nhiều lúc Nguyễn Minh Nhật (sinh năm 1986) phải gác công việc sang một bên để thực hiện niềm đam mê thiện nguyện, vận động, quyên góp giúp học sinh nghèo đến trường, người neo đơn có mái nhà.
Giúp bạn nghèo đến trường
Hoạt động Đoàn năng nổ từ những năm học cấp 3 và được kết nạp Đảng khi đang học lớp 12 nên khi bước vào Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ), Nhật được tin tưởng giao giữ những nhiệm vụ quan trọng: Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên.
“Ở vị trí đó, mình có cơ hội tiếp xúc gần gũi với hàng nghìn sinh viên đến từ 13 tỉnh, thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Hồi đó, sinh viên nghèo lắm, rất nhiều bạn phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí. Điều đó khiến mình day dứt rất nhiều”, Nhật tâm sự.
Một lần đi uống cà phê, Nhật tình cờ gặp người bạn cùng lớp đại học phải bỏ học giữa đường đi bán vé số. Người bạn đó mặc cảm, vội vã tránh mặt. Sau cuộc gặp đó, Nhật tự đặt cho mình nhiệm vụ “không được ngồi yên một chỗ để day dứt nữa, phải hành động, phải làm việc gì đó để giúp bạn bè mình có cơ hội đến trường”.
Nói là làm, Nhật lên kế hoạch tổ chức chương trình ca nhạc từ thiện gây quỹ khuyến học. May mắn, chương trình đó, Nhật nhờ người bạn mời được ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến biểu diễn nên người đến xem đông. Chương trình thành công thu được hơn 120 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đó, Nhật dùng đóng học phí cho hơn 20 sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong trường.
“Nhiều người khi được bọn mình tặng nhà họ mừng quá, xúc động không nói được câu nào, chỉ ôm mình rồi khóc nức nở. Những giọt nước mắt hạnh phúc của họ khiến mình cứ lâng lâng hạnh phúc. Đó chính là động lực để mình đi vào con đường thiện nguyện không biết mệt mỏi”. Nguyễn Minh Nhật |
Thành công đó trở thành động lực giúp Nhật tổ chức liên tiếp hàng loạt các chương trình thiện nguyện ý nghĩa khác nhau và gắn bó suốt 5 năm nay. Trong suốt thời gian ngồi trên ghế giảng đường, Nhật đã giúp được hơn 70 bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không phải bỏ học giữa chừng.
Năm 2009, tốt nghiệp ĐH, Nhật vừa làm giảng viên vừa đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện. Nhật thành lập nhóm Trao yêu thương, lập trang web: canhdoi.com. Cứ nghe ai giới thiệu ở đâu có người nghèo, người khổ, bất kể xa xôi, cách trở, Nhật đều tìm viết bài đăng lên trang web để kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân.
“Mình là dân tự nhiên không quen việc viết lách, trau chuốt câu chữ, mình chỉ diễn đạt cảm xúc của mình thôi. Không ngờ những bài viết đó thu hút rất nhiều sự quan tâm ủng hộ của các nhà hảo tâm. Vì thế, những cảnh đời mình giới thiệu đều nhận được những hỗ trợ vật chất nhất định”, Nhật cho biết.
Minh Nhật (ngoài cùng bên trái) hạnh phúc trao căn nhà mới cho cụ Lê Thị Bảy
Đối tượng Nhật hướng đến để giúp đỡ là trẻ em nghèo và người già neo đơn, gia đình nghèo không có nhà cửa. Với trẻ em nghèo, mỗi tháng Nhật tổ chức một chương trình mang tên “Trao yêu thương” tại các trường học vừa trao học bổng, giao lưu văn nghệ, cắt tóc và dọn vệ sinh môi trường.
Hiện tại, Nhật và nhóm của mình đang giúp đỡ thường xuyên 12 cụ già neo đơn ở Cần Thơ. Mỗi tháng, Nhật mua nhu yếu phẩm (gạo, đường, mì chính, nước mắm…) cho các cụ một lần. “Đây là chương trình mang tính ổn định, gắn bó lâu dài của nhóm. Cụ Sáu Sanh (70 tuổi), ở phường Bình Thủy (Cần Thơ) được nhóm của Nhật gắn bó suốt 2 năm nay. Cụ không có nhà ở, hàng xóm thương tình dựng tạm cho cái chòi bên miệng cống. Lần đầu đến thăm cụ mình đã không cầm được nước mắt”, Nhật kể.
Hằng tháng, Nhật rủ thêm bạn bè đến nhà cụ chơi, không chỉ cung cấp nhu yếu phẩm cho cụ mà còn sắm ti vi, radio để cụ làm bầu bạn cho đỡ cô quạnh.
Xây nhà cho người nghèo
Hiện tại, nhóm của Nhật đang triển khai chương trình xây nhà yêu thương. Mục tiêu là xây 15 căn. Hiện nhóm đã hoàn thành được 2 căn ở Sóc Trăng và Hậu Giang, mỗi căn trị giá từ 28-32 triệu đồng.
“Trước khi quyết định xây tặng một căn nhà mình bỏ công xác minh rất cẩn thận về hoàn cảnh của từng đối tượng. Căn nhà có ý nghĩa giúp những người nghèo có chỗ trú mưa nắng để yên tâm làm ăn, cải thiện cuộc sống”, Nhật chia sẻ.
Căn nhà đầu tiên được tặng cho cụ Lê Thị Bảy (84 tuổi), nuôi con tâm thần ở ấp 7, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). “Khi được chúng tôi dìu vào ngôi nhà mới, cụ Bảy cứ run run đứng tần ngần mãi. Cụ khóc như một đứa trẻ rồi cảm ơn rối rít. Cụ bảo, căn nhà là ước mơ lớn nhất của đời cụ, đến giờ phút này cụ mới được chạm tay tới”, Nhật kể lại.
“Nhiều người khi được bọn mình tặng nhà họ mừng quá, xúc động không nói được câu nào, chỉ ôm mình rồi khóc nức nở. Những giọt nước mắt hạnh phúc của họ khiến mình cứ lâng lâng hạnh phúc. Đó chính là động lực để mình đi vào con đường thiện nguyện không biết mệt mỏi”, Nhật tâm sự.
Hiện Nhật đang tạm gác lại công việc giảng viên một thời gian để tập trung học cao học và đặc biệt dành thời gian để hoàn thành chương trình xây nhà yêu thương trong thời gian sớm nhất có thể.
Chia sẻ bí quyết tạo kinh phí cho nhóm, Nhật cho biết, mỗi lần đi tặng quà, Nhật đều mời bạn bè và các nhà hảo tâm đi cùng để họ thấy được những đồng tiền mình bỏ ra được sử dụng ý nghĩa. Tạo được lòng tin như thế nên hầu hết các chương trình thiện nguyện của Nhật không gặp khó khăn về tài chính.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Nhặt ve chai kiếm tiền tỷ làm từ thiện