Thầy trò “hô biến” rác thải thành mô hình công nghệ 4.0
Với diện tích chỉ hơn 15m2, mô hình Người đưa đò 4.0 được thiết kế và trưng bày trong Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã trở thành điểm check in thú vị cho nhiều bạn trẻ cũng như khách tham quan.
Đó là ý tưởng và mô hình vừa được hơn 20 thầy trò ngành Kiến trúc (thuộc Khoa Xây dựng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đã sáng chế thành công sau 7 ngày làm việc miệt mài.
Những hình ảnh ấn tượng của mô hình làm từ vật dụng tái chế sau khi hoàn thiện
Điểm đặc biệt gây thu hút nhất của mô hình này là được tạo nên từ những vật dụng tái chế như ống hút, chai nhựa, dây kẽm, hộp giấy, xốp, ván gỗ... do thầy trò đi thu gom lại từ các bãi rác, sọt rác hay công trình trong trường.
Được biết, công trình có chủ đề về Người đưa đò 4.0, được thiết kế dưới hình thức thực tế ảo với nhiều hạng mục, như mô hình người lái đò, tòa nhà Landmark thu nhỏ, bến thuyền, thuyền, cây cối, dòng sông, chiếc xe đạp biểu tưởng 2020….
Là người trực tiếp hướng dẫn, thầy Bùi Ngọc Hiển, giảng viên bộ môn Kiến trúc (Khoa Xây dựng), cho biết ý tưởng xuất phát từ chủ trương của nhà trường hàng năm về định hướng đào tạo theo ứng dụng kiến thức vào thực tế, phát huy khả năng sáng tạo của thầy trò trong mọi hoạt động. Đây cũng là hình ảnh nhân hóa về những người thầy trong thời công nghiệp 4.0.
Theo thầy Hiển, không chỉ phục vụ mục đích trưng bày nhân dịp mùa giáng sinh và năm mới 2020, mô hình còn mang thông điệp giáo dục đến sinh viên và tất cả mọi người giá trị nhân văn về ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan xung quanh luôn xanh – sạch – đẹp.
“Từ quá trình thực hiện mô hình, các em sẽ hiểu rằng, nhìn xung quanh ta không có gì vứt đi hết, quan trọng là chúng ta biến chúng thành cái gì thôi. Và khi chính thầy trò cùng đi thu lượm rác, thông điệp đó sẽ càng lan tỏa đến mọi người hơn” – thầy Hiển nói.
Chính các thầy trò tự tay đi thu lượm các vật dụng có thể tái chế từ các bãi rác trong trường
Rồi gom chúng lại và mang về phòng để bắt đầu thực hiện ý tường
Ngoài ra, thầy Hiển cho biết, đây là hoạt động ngoại khóa mang tính giải trí thôi nhưng thu hút khá đông sinh viên tham gia, chủ yếu sinh viên năm nhất của khoa. Có hôm chỉ gần chục em tham gia nhưng có hôm đến gần 30 em, tùy theo lịch học từng em. Nhiều em ban đầu chưa biết sẽ phải làm gì sau khi gom rác về nhưng khi đã lên được ý tưởng, các em rất hào hứng và say mê, thậm chí nhiều hôm phải làm rất khuya.
“Mệt nhưng vui lắm vì các em có cơ hội ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế, biết kết hợp khối óc và cả tay chân khéo léo. Đây cũng là trải nghiệm để các em học thêm nhiều kỹ năng mềm như tương tác làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, giao tiếp, sáng tạo,....để vận dụng vào cuộc sống, từ đó thôi thúc nhau học tập tốt hơn” - thầy Hiển phấn khởi.
Các sinh viên miệt mài cả ngày lẫn đêm để thực hiện xong ý tưởng
Các em phấn khởi chụp hình kỉ niệm cùng mô hình sau khi hoàn thiện
Nói về quá trình làm mô hình này, em Trương Khánh An, sinh viên năm nhất, ngành kiến trúc (Khoa xây dựng) cho hay, ban đầu em tham gia vì muốn trải nghiệm công việc để thử sức mình nhưng khi làm xong thấy rất vui vì không ngờ có thể hoàn thiện được như vậy.
“Những ngày qua là thời gian tụi em được xem rác của người khác là kho báu của mình, từ ly nhựa, ống hút....đều trở thành vật liệu cho mô hình. Em cũng hiểu thêm nhiều kiến thức đã học về kiến trúc như ánh sáng, phối ảnh, góc...để phục vụ công việc sau này. Đến khi xong, thấy mọi người đến chụp ảnh nhiều làm em hạnh phúc lắm. Chỉ mong qua những gì tụi em làm, mọi người sẽ cùng nhau bảo vệ môi trường hơn” – Khánh An chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngay tại Hà Nội, một nhóm bạn trẻ đã tạo ra một chú robot One cao 3m nặng hơn 100kg với phong cách thiết kế giống như những...