Thầy Quyết 'đồng nát' được vinh danh
Thầy Nguyễn Hữu Quyết, người trẻ nhất nhận giải thưởng Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo 2024 của Hà Nội, có biệt danh "Quyết đồng nát" vì thường làm học liệu từ rác thải.
Thầy Nguyễn Hữu Quyết sinh năm 1998, hiện là giáo viên dạy Giáo dục Kinh tế và pháp luật tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.
Trong 70 người được trao giải "Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo" năm nay, thầy giáo quê Hải Dương là người trẻ nhất. Quyết cũng là giáo viên đầu tiên của trường THPT Huỳnh Thúc Kháng nhận giải này.
Đây là giải thưởng thường niên của thành phố, nhằm tôn vinh những giáo viên có những đóng góp giá trị, đạt nhiều thành tích.
Thầy Nguyễn Hữu Quyết, giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Quyết kể ngày nhỏ, mỗi khi ôn bài, anh không dùng sách hay bút, mà dùng phấn viết lên cánh cửa tôn. Họ hàng nhìn thấy cảnh cậu bé cặm cụi viết kín cửa, rồi lại xóa để viết tiếp thì đùa "thích phấn và bảng như này thì sau làm giáo viên". Tuy nhiên, lúc đó Quyết chưa có hình dung về nghề nghiệp tương lai.
Ngày học lớp 10, qua sóng phát thanh, Quyết nghe được lá thư của một cô giáo gửi mẹ, chia sẻ những suy nghĩ về nghề "trồng người". Được truyền cảm hứng, Quyết xác định sẽ theo sư phạm.
Năm 2016, Quyết trở thành tân sinh viên ngành Giáo dục công dân, thuộc khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân, của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh cho hay chọn ngành này với mong muốn vừa có thể đứng lớp dạy học trò, đồng thời thỏa mãn niềm đam mê với các hoạt động đoàn, đội. Vì xác định mục tiêu từ đầu, Quyết không gặp nhiều khó khăn trong quá trình học. Anh tốt nghiệp sớm nửa năm với danh hiệu thủ khoa đầu ra của ngành, được nhận về làm việc tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, từ tháng 12/2019.
Ngay trong năm học đầu tiên, thầy Quyết được phân công dạy Giáo dục công dân và ôn thi tốt nghiệp cho một lớp 12, nổi tiếng là "rất nghịch". Nhiều đồng nghiệp ái ngại cho thầy Quyết, sợ thầy giáo trẻ bị bắt nạt, nhưng trái với lo lắng của mọi người, thầy thấy tự tin.
Theo thầy, nhiều người nghĩ giáo viên trẻ sẽ gặp nhiều bất lợi, nhưng thực tế đây có thể là lợi thế.
"Người trẻ sẽ dễ nói chuyện, đồng cảm, thấu hiểu nhau hơn. Tôi cũng muốn có thể làm bạn, làm người đồng hành với học trò, nên tuổi tác không phải vấn đề", thầy chia sẻ.
Buổi đầu lên lớp, thầy nói chuyện với học trò, đưa ra nội quy môn học. Quá trình dạy, thầy cũng lồng ghép, chia sẻ thêm trải nghiệm của bản thân tại đại học với một số nội dung liên quan đến bài. Việc này giúp học sinh có kiến thức từ ví dụ thực tế, đồng thời cảm thấy gần gũi giáo viên hơn.
"Sau nửa học kỳ, các thầy cô bất ngờ, bảo không biết thầy Quyết cảm hóa như nào mà lớp ngoan hẳn", thầy kể.
Thầy Quyết chia học sinh thành từng nhóm, để các em thảo luận trong trang phục truyền thống của các dân tộc khi dạy bài "Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo". Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mỗi kỳ nghỉ hè, thầy Quyết soạn giáo án, dành thời gian trong năm học để xây dựng phương pháp dạy mới, làm học liệu. Thầy thường dạy theo sơ đồ tư duy và từ khóa quan trọng, kết hợp mô hình trực quan để học sinh nhớ bài lâu hơn. Chẳng hạn khi dạy bài "Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", thầy mất ba ngày làm sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ bằng bìa và chai nhựa.
Vật liệu được thầy dùng làm mô hình dạy học thường là rác hoặc đồ dùng tái chế. Thầy Quyết là người chủ trì dự án "Tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học", vào top 15 giải thưởng Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020; dự án "Bảo tàng mini" để trưng bày sản phẩm tái chế của học sinh, giành giải nhì cuộc thi Thanh niên sáng tạo vì khí hậu 2021.
Biệt danh "Quyết đồng nát" của thầy xuất phát từ đó.
Trong hơn 4 năm đi dạy, thầy Quyết nói có nhiều kỷ niệm với học trò. Biết thầy thích ăn đồ nếp, học sinh đã tặng thầy một gói xôi vào ngày sinh nhật. Cuối năm học, thầy cũng hay "tặng" lại học sinh những món quà đặc biệt như bản kiểm điểm của chính các em. Theo thầy, việc này vừa nhằm "xí xóa" chuyện không vui, nhưng cũng nhắc nhở học sinh không nên mắc lại những lỗi cũ.
Có năm làm chủ nhiệm, thầy Quyết đổi mới buổi họp phụ huynh bằng cách cho học sinh tự thiết kế thiệp và viết thư cho bố mẹ. Phụ huynh sau đó cũng làm tương tự.
"Tôi mong cách này có thể phần nào giúp học trò và bố mẹ chia sẻ tâm tư, những lời động viên mà thường ngày khó nói với nhau", thầy giáo nói.
Một số mô hình, học liệu bằng vật liệu tái chế do thầy Quyết thực hiện. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thầy Phan Như Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, nhận xét thầy Quyết luôn say mê với công việc, không ngừng sáng tạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở vai trò Bí thư đoàn trường, thầy Quyết là người khởi xướng và chủ trì nhiều hoạt động.
"Sự trẻ trung, nhiệt huyết và sáng tạo của Quyết đã thổi luồng không khí học tập mới mẻ cho học sinh. Điều này rất phù hợp với chương trình mới với nhiều yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học", thầy Hùng nói.
Từ khi thầy Quyết về dạy ở trường, số học sinh đăng ký vào ngành Giáo dục công dân ở đại học có xu hướng tăng, trung bình khoảng 20 em mỗi năm, có năm hơn 30.
"Điều đó phần nào cho thấy thầy Quyết đã truyền được cảm hứng cho học trò về những gì mình đã và đang làm", thầy Hùng chia sẻ.
Thầy Quyết cho biết đã hoàn thành chương trình cao học, đặt mục tiêu lấy bằng tiến sĩ vào năm 30 tuổi. Xa hơn, thầy mong trở thành chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống và an toàn cho học sinh.
TRUNG QUỐC - Tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2024, thầy giáo Lý Long (35 tuổi) đặt ra mục tiêu đỗ vào ngành Y của Đại học Thanh Hoa và Đại học Trung Y Bắc Kinh (Trung Quốc).
Nguồn: [Link nguồn]