Thầy giáo trẻ với 12 năm dạy võ cho trẻ khiếm thị
Hơn một thập kỷ lặng lẽ trôi qua, đến mức chính thầy cũng không biết mình đã mê nghề giáo từ lúc nào: “Miễn là các trò đi đứng mạnh dạn hơn, biết tự vệ khi gặp hiểm nguy, thì 20, 30 năm nữa, tôi cũng sẵn lòng”.
Đây là lời tâm sự của thầy Trịnh Công Sơn, 35 tuổi, hiện đang là giáo viên dạy giáo dục thể chất của trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP. HCM). Các học trò ở đây phần đông là trẻ khiếm thị và một số ít là khiếm thị đa tật (mù - điếc, mù – bại não...).
Mối duyên với trẻ khiếm thị
Khi vừa bước vào lớp 7, thầy Sơn bắt đầu học võ Judo và gia nhập vào đội tuyển Judo TP. HCM. Cho đến năm 2004, Đoàn Sở TDTT TP. HCM đưa ra ý tưởng mở lớp Judo cho người khiếm thị, chính thầy Lý Đại Nghĩa và cô Trần Mai Thúy Hồng – người trực tiếp dạy võ cho thầy Sơn, là người đứng lớp. Nhờ cơ duyên này mà thầy được tiếp xúc, trò chuyện với nhiều trẻ em khiếm thị, cũng như thấu hiểu và đồng cảm được nỗi đau mất đi ánh sáng.
Học hết lớp 12, thầy quyết định rời khỏi đội tuyển Judo thành phố để theo học tại trường ĐH Sư phạm TP. HCM, sau đó xin vào làm giáo viên thể chất của trường Nguyễn Đình Chiểu đến tận bây giờ. Việc gác lại tấm Huy chương Vàng Judo quốc tế Việt Nam 2007 cùng nhiều hoài bão lớn ở phía trước để trở thành một giáo viên dạy trẻ khiếm thị, hầu như gia đình, bạn bè ai cũng can ngăn, khuyên nhủ thầy hết lời.
“Mình thích công việc đó thì mình làm thôi, ý chí, nguyện vọng của mình là như vậy thì mình phải quyết tâm. Nếu ai cũng chọn điều dễ thì không sai, nhưng rồi những em học sinh như thế này, ai sẽ là người dạy các bé?”, thầy Sơn tâm sự.
Thầy Sơn cho biết thêm, việc các bé được học võ Judo từ sớm là rất quan trọng. Judo vốn được thiết kế dành cho những người yếu thế với mục tiêu tự vệ là chính. Ngoài giúp các học trò khiếm thị rèn luyện thể chất, các bé còn học được cách tự vệ khi gặp nguy hiểm, và cách bảo vệ cơ thể, đặc biệt là bảo vệ vùng đầu khi gặp tai nạn.
Mong các bé thấy vui
Chập chững vào nghề, thầy giáo trẻ cũng nếm trải không ít "trái đắng". Kiến thức mà thầy được học tại trường lớp chủ yếu là để dạy cho các bạn sáng mắt. Vì vậy, để nắm được cách dạy sao cho hay, sao cho đúng, cũng như cách đưa ra nội dung bài giảng sao cho phù hợp, thầy Sơn phải theo các thầy cô khác học tập một thời gian dài. Ngoài ra, thầy cũng nhiều lần cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc khi các bé không phát triển được như kỳ vọng. Nhiều lần, thầy còn bỏ tiền túi để mua thêm một số dụng cụ học tập cho các em.
ThS Nguyễn Thị Quế Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thầy Sơn rất tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh. Các học sinh ở đây không giống như các học sinh bình thường, các bé khó dạy hơn. Nếu dạy mà mình la mắng thì sẽ không thành công. Tuy nhiên, thầy đã rất thành công, đạt được nhiều thành tích, từ đó có thể thấy được tình cảm lớn lao của thầy với học sinh của mình”.
Dưới sự dẫn dắt của thầy Sơn, Đoàn trường nhiều năm liền đều đoạt giải Nhất, Nhì Judo khiếm thị người khuyết tật toàn quốc. Mới đây nhất, em Huỳnh Tiến Phát, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy Sơn, đã đoạt Huy chương Đồng quốc tế ASEAN Para Games 2022.
Thầy Sơn chia sẻ: “Tôi muốn mọi người nhìn nhận người khiếm thị nói chung và các bé nói riêng dưới một góc nhìn khác, họ vô cùng mạnh mẽ và tài giỏi. Chứ không phải nhìn vào và đùa giỡn trên những tổn thất, mất mát của họ”.
Được biết, niềm vui hiện tại của thầy là mỗi ngày các trò học tiết của thầy đều thấy vui, kết thúc tiết cũng vui và muốn ở lại tâm sự, trò chuyện với thầy.
Nguồn: [Link nguồn]
Bên cạnh những giờ dạy Hóa học hăng say với học trò trường THPT Thừa Lưu (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), thầy giáo Trần Văn Hùng cũng tâm huyết đưa "máy bay"...