Thầy giáo 9x đưa "máy bay về làng chăm lúa"

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Bên cạnh những giờ dạy Hóa học hăng say với học trò trường THPT Thừa Lưu (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), thầy giáo Trần Văn Hùng cũng tâm huyết đưa "máy bay" về làng để... "chăm lúa". 

Chàng trai 9x nỗ lực đưa công nghệ áp dụng vào quá trình phát triển nông nghiệp quê hương.

Chàng trai 9x nỗ lực đưa công nghệ áp dụng vào quá trình phát triển nông nghiệp quê hương.

Xin chào anh Trần Văn Hùng, vừa là một thầy giáo giỏi, vừa là một "nhà nông trẻ xuất sắc" nhận giải thưởng Lương Định Của 2022, lý do, động lực nào đã thôi thúc anh đưa "máy bay" về làng?

Tôi thường xuyên trăn trở khi thấy bố của mình đi bơm thuốc từ tờ mờ sáng, mang nặng trĩu trên vai bình thuốc bảo vệ thực vật, lội xuống ruộng bùn rất sâu để phun trị bệnh cho cây lúa. Chưa kể, mỗi lần đi phun là một lần tiếp xúc trực tiếp với thuốc, rất có hại cho sức khỏe.

Là một người con, một người lao động chính trong gia đình, tôi hiểu, bố không còn cách nào khác bởi thu nhập của gia đình phụ thuộc hết vào vài mẫu lúa. Trong suốt hành trình giữ ngọn lửa với nghề giáo, tôi cũng tự đặt câu hỏi, đến khi nào nghề nông mới thực sự thay đổi để giảm bớt âu lo, gánh nặng, giảm bớt độc hại và tăng hiệu quả canh tác cho chính gia đình mình và các hộ nông dân xung quanh?

Chính câu hỏi ấy đã khiến tôi tự "chắp thêm đôi cánh" đưa công nghệ về phục vụ quê hương, để những đôi chân ấy không còn nặng trĩu, không còn những tiếng thở dài vì dịch bệnh mà là tiếng cười giòn tan của mọi nhà khi mùa màng thắng lợi.

Anh đã nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp trong nông nghiệp như thế nào?

Thời điểm khó khăn nhất tôi từng trải qua đó là việc thay đổi nhận thức cho bà con nông dân về công nghệ hiện đại. Bởi nông dân đã quá quen thuộc với hình ảnh “chân lấm tay bùn”, “con trâu đi trước cái cày theo sau” nên không dám từ bỏ phương thức truyền thống để "đánh liều" vào công cụ hiện đại lần đầu tiên được thấy.

Khi đó, tôi cật lực chứng minh cho bà con hiểu được những lợi ích mà thiết bị máy bay không người lái mang lại. Tôi liên tục làm và làm chỉ để bà con biết một điều: "Máy bay nông nghiệp" là gì?

Thầy giáo Trần Văn Hùng nhận giải thưởng Lương Định Của 2022.

Thầy giáo Trần Văn Hùng nhận giải thưởng Lương Định Của 2022.

Vậy anh đã dựa trên cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn nào để đưa thiết bị máy bay không người lái về quê hương?

Qua nghiên cứu, tôi thấy thiết bị máy bay không người lái (drone) có nhiều tính năng tối ưu vượt trội so với các phương pháp truyền thống. Từ các thông số kĩ thuật kèm kết quả thực tiễn đã được kiểm chứng tại nhiều tỉnh miền Tây, tôi càng mạnh dạn và quyết tâm đưa mô hình này về địa phương.

Khởi đầu khá may mắn, tôi phun thử nghiệm thành công cho mảnh ruộng của nhà. Sau đó, tôi tìm đến hai thanh niên trong địa bàn chưa có việc làm để đào tạo họ trở thành phi công, cùng tôi bắt đầu hành trình phun thuốc cho các mảnh ruộng ở các xã Phú Mậu, xã Phú Thanh... Sau khi đội phun được hình thành, tôi tiếp tục hỗ trợ phun cho 500 ha rừng thông bị sâu róm phá hoại tại khu bảo tồn thiên nhiên Hồ Kẻ Gỗ - Hà Tĩnh.

Sau đó, tôi vay mượn thêm bên cạnh số vốn tích góp của gia đình để đầu tư 3 máy DJI Agras MG-1P và 2 máy DJI AGras T-16 tổng trị giá gần 2 tỷ đồng, tiếp tục phun thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 500 ha lúa tại các huyện Triệu Phong, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị).

Tuy nhiên, tôi thấy được những gì nêu trên là chưa đủ và chưa thể giúp quê hương có bước chuyển mình thật sự. Vì thế, tôi tiếp tục nghiên cứu và tham gia Hội thảo về nông nghiệp tại Phòng kinh tế TP Huế để học phương pháp tiếp cận nhanh hơn.

Không gian trưng bày, giới thiệu thiết bị máy bay không người lái tới thanh niên địa phương và các bạn học sinh.

Không gian trưng bày, giới thiệu thiết bị máy bay không người lái tới thanh niên địa phương và các bạn học sinh.

Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình khởi nghiệp của anh đã đem lại những hiệu quả tích cực gì tới sự phát triển của nông nghiệp quê hương?

Đầu tiên, máy bay phun thuốc có thể áp dụng cho mọi loại cây trồng, ở mọi địa hình dù đồng bằng hay đồi núi. Đặc biệt, mô hình này sẽ dễ phát triển và nhân rộng ra nhiều địa phương bởi ai cũng có thể sử dụng chỉ qua vài buổi đào tạo.

Thứ hai, toàn bộ tiềm năng của máy bay không người lái trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được thể hiện đầy đủ hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên, nó đang dần thay thế kinh nghiệm và cảm tính của người nông dân đối với hoạt động canh tác nhờ việc thu thập và phân tích dữ liệu tinh vi, phát triển các kỹ thuật canh tác chính xác, tạo ra năng suất cao hơn, ít gây hại cho tài nguyên.

Công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái cho nông nghiệp với hiệu ứng phun sương, có thể tiết kiệm 30% lượng thuốc trừ sâu sử dụng và 90% lượng nước tiêu thụ, giảm đáng kể chi phí sản xuất. Máy bay được tích hợp công nghệ phun sương nên cho phép phun ít nước mà vẫn đảm bảo hiệu quả.

Ngoài ra, mô hình khởi nghiệp của tôi cũng giúp giải quyết việc làm cho 25 - 30 thanh niên địa phương và khoảng 5-7 nhân sự văn phòng. Hiện tại, dự án cũng đang chuyển sang hướng mới đó là hỗ trợ chính các bạn thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp từ mô hình này bằng sự hỗ trợ của tôi.

Hội thảo "Trình diễn máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật" do thầy Hùng và cộng sự thực hiện.

Hội thảo "Trình diễn máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật" do thầy Hùng và cộng sự thực hiện.

Vừa là một thầy giáo, Bí thư Đoàn trường, vừa phát triển dự án khởi nghiệp, anh đã cân đối thời gian ra sao?

Đối với công việc tại nhà trường, ngoài lịch cố định được phân công, tôi đã xây dựng, huấn luyện và tổ chức các CLB, nhóm tình nguyện bao gồm giáo viên, các em học sinh có năng khiếu để luân phiên thực hiện các vấn đề phát sinh, luôn trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu với nhiệm vụ được giao. Các CLB, đội nhóm sẽ họp ít nhất 1 lần/tháng; tương tác, xử lí vấn đề phát sinh qua nhóm zalo riêng để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tổ chức Đoàn.

Đối với dự án khởi nghiệp, tôi xây dựng hệ thống nhân sự gồm kĩ thuật, văn thư, pháp lý, quản lí nhân sự… chính là các thanh niên địa phương hoặc bạn bè quen biết lâu năm và tương tác với nhau qua nhóm nội bộ, app quản lí của doanh nghiệp. Vì vậy, công việc tuy nhiều nhưng tôi luôn sắp xếp và lên kế hoạch quản lý từ đầu mỗi tháng để tránh tình trạng "chồng chéo", không hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy.

Thầy giáo 9x đưa "máy bay về làng chăm lúa" - 5

Là 1 trong 32 thanh niên tiêu biểu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xét chọn và trao giải thưởng Lương Định Của năm 2022, anh sẽ làm gì để mô hình này tiếp cận, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên?

Định hướng quan trọng nhất đó là tôi sẽ hỗ trợ các bạn thanh niên lập nghiệp bằng mô hình này và cùng phát triển, giúp đỡ, cạnh tranh lành mạnh. Qua đó lan tỏa, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ tiên tiến trên mảnh đất miền Trung vốn còn nhiều khắc nghiệt.

Ngoài ra, tôi cũng tổ chức các buổi tọa đàm, trình diễn về máy bay không người lái cho các em học sinh trên địa bàn để các em hình dung được một nền nông nghiệp tiềm năng của nước nhà, giúp các em có định hướng nghề nghiệp và yêu quý hơn nghề nông - một ngành kinh tế chủ chốt của nước ta.

Thành tích ấn tượng của thầy giáo Trần Văn Hùng (SN 1990):

- Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học (2017-2018 và 2020-2021) của Tỉnh Đoàn TT Huế;

- Bằng khen của TW Đoàn trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học (2018-2019);

- Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm học 2018-2019; 2019-2020; 2020-2021 do Giám đốc Sở GD-ĐT Tỉnh TT Huế tặng;

- Bằng khen của Tỉnh Đoàn TT Huế tặng danh hiệu “Giáo viên trẻ tiêu biểu năm 2020”

- Giải Ba cuộc thi "Thanh niên khởi nghiệp" tỉnh TT Huế năm 2021;

- Top 40 Dự án "Khởi nghiệp thanh niên nông thôn" do T.Ư Đoàn tổ chức;

- Giải thưởng Lương Định Của năm 2022.

Nguồn: [Link nguồn]

Người thầy giáo có trái tim nhân ái và giàu lòng thiện nguyện

Nhiều năm rong ruổi trên con đường thiện nguyện, anh Mót đã mang lại nụ cười, giảm bớt gánh nặng cuộc sống cho không ít hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Châu Linh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN