Thầy dạy toán

Khi đó, chúng tôi mới hiểu tại sao mỗi khi thầy nhắc đến tình yêu lại luôn nói về tự do luyến ái.

Năm tôi học lớp 12, trường nhận về một giáo viên dạy toán mới. Thầy vừa tốt nghiệp Sư phạm Toán, trẻ trung, vui tính, giảng bài rất dễ hiểu, lại vô cùng tâm lý. Trong khi các giáo viên khác chăm chăm chạy theo giáo án thì thầy mở ra cho chúng tôi một phương pháp học mới, chủ động và tương tác.

Thầy dạy toán - 1

Chỉ khi thầy đến, chúng tôi mới biết, hóa ra Toán học lại thú vị đến thế! (Ảnh minh họa)

Lớp chúng tôi vốn theo ban C nên đứa nào cũng học kém toán. Môn học gì mà toàn số với má, chóng cả mặt mày. Chỉ khi thầy đến, chúng tôi mới biết, hóa ra Toán học lại thú vị đến thế.

Thầy cho chúng tôi thấy cái hay của toán học. Và tiết toán đã trở thành giờ học chúng tôi chờ đợi nhất, cho dù không dễ dàng gì với những đứa lâu nay chỉ gắng gượng cộng trừ nhân chia cho đỡ bị đúp.

Thầy thường đi dọc lớp, lồng vào các bài giảng là những câu chuyện danh nhân, những mẩu chuyện hài hước áp dụng toán học vào thực tế. Thi thoảng, thầy dành những phút cuối giờ để giải đáp mọi thắc mắc của bọn học trò, từ học hành cho đến tình cảm.

Thời đó, học sinh yêu nhau rất bị cấm đoán. Câu cửa miệng của cha mẹ là: “Chúng mày tập trung vào học đi. Lớn rồi muốn yêu đương gì thì yêu"; hay Trẻ con biết cái gì mà yêu với đương”. Chuyện tình yêu bị cha mẹ lẫn nhà trường lẩn như chạch, sợ “vẽ đường cho hươu chạy”.

Thật là lạ, họ đã qua thời kỳ như chúng tôi, lẽ nào không hiểu, ở cái tuổi mười bảy này, cảm xúc mến ai đó là hiện tượng tâm sinh lý tự nhiên, càng che giấu, chúng tôi càng khao khát tìm hiểu? May sao, chúng tôi có thầy. Thầy lắng nghe chúng tôi, cười hiền lành và cho chúng tôi những lời khuyên bổ ích.

Thầy không bao giờ cười cợt, coi tình cảm của chúng tôi là trò trẻ nít. Thầy bảo, tình yêu nào cũng đáng trân trọng, chỉ cần hai người thật lòng với nhau. Chúng tôi cảm nhận khao khát yêu thương tự do trong ánh mắt và lời nói của thầy.

Cả lớp, đứa nào cũng ngưỡng mộ thầy. Mấy đứa con gái bạo dạn còn nửa đùa nửa thật buông lời tán tỉnh. Những lúc ấy, thầy chỉ cười cười. Nghĩ đến cảnh ra trường, không được học thầy nữa, đứa nào cũng buồn. Ngờ đâu, chúng tôi còn không được bên nhau cho đến ngày bế giảng.

Giữa học kỳ hai, thầy đột ngột nghỉ dạy. Chúng tôi không được chào thầy, cũng không chứng kiến chuyện xảy ra, chỉ nghe nói thầy yêu một người con trai. Gia đình người đó ngăn cấm không được, bèn tới trường làm ầm lên với ban giám hiệu.

Thời đó, nào ai đã hiểu đồng tính là gì. Chuyện một người đàn ông yêu một người đàn ông thật kinh thiên động địa, làm chướng mắt tất cả mọi người.

Chúng tôi ôm nhau len lén khóc. Tình yêu có tội gì mà họ bảo thầy chúng tôi là “vi phạm đạo đức giáo viên” rồi đuổi thầy đi nhưng một kẻ xấu xa? Khi đó, chúng tôi mới hiểu tại sao mỗi khi thầy nhắc đến tình yêu lại luôn nói về tự do luyến ái. Giờ đây, họ đã cắt đi đôi cánh tình yêu của thầy, đày thầy đến nơi nào, chúng tôi không ai biết.

Không đứa học trò nào biết thầy đã đi đâu. Với vết đen đó trong lý lịch, thầy khó có thể xin được dạy học tiếp. Thời ấy, thông tin liên lạc không như hiện nay, ngoài hòm thư bưu điện ra, chẳng có cách nào liên lạc. Chúng tôi lại chỉ là những đứa trẻ, dù thương xót thầy bao nhiêu cũng chẳng thể làm được gì.

Nhớ thương, buồn bã dần bị vùi lấp dưới những lo toan. Hai kỳ thi lớn cuốn chúng tôi vào học tập. Cả lũ bù đầu với bài vở, thậm chí còn không nhận ra hơn nửa lớp đăng ký thi sư phạm là vì lòng kính mộ thầy.

Thầy thường nói nhiệm vụ cao cả nhất của người giáo viên không phải là dạy kiến thức mà là truyền cảm hứng và đam mê học tập cho học sinh, khơi dậy những tiềm năng trong họ. Giọng người nói tràn đầy tự hào và nồng nhiệt, khiến không ai có thể quay lưng.

***

15 năm sau ngày tốt nghiệp phổ thông, cả lũ tề tựu họp mặt. Tất cả đều đã trưởng thành. Thắng – lớp trưởng, giờ là phó giám đốc điều hành của một công ty Iớn. Lan – lớp phó, làm thư ký tòa soạn một tờ báo. Hằng, Hương, Hoa, Huyên hiện đang làm giảng viên. Ngân có vẻ nổi tiếng hơn cả, cô là một nhà hoạt động xã hội cho quyền bình đẳng của người đồng tính, song tính và chuyển giới thường lên báo chí và truyền hình trả lời phỏng vấn.

Cả bọn lặng đi khi nhớ về thầy. Hương cho biết, khi nhập học, cô có dò hỏi về thầy trong trường nhưng không ai biết. Ngân bảo, sở dĩ cô chọn lĩnh vực này chính là vì thầy.

Hóa ra hồi đó, ngày cuối cùng thầy ở trường, Ngân đã vô tình nhìn thấy... Thầy lầm lũi bước ra khỏi phòng họp giám hiệu. Bóng dáng đơn côi của thầy khắc ghi vào tâm trí cô. Ngân không hề biết đó là lần cuối cô gặp thầy. Về sau, khi chuyện lan truyền trong trường, cô mới nhớ lại thì đã trễ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Diệp ([Tên nguồn])
Tình yêu đồng giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN