Thất vọng vì chồng an phận với mức lương 10 triệu/tháng
Chồng Lý đẹp giai, hiền lành, tốt tính, rất quan tâm chăm sóc vợ. Tuy nhiên, cái Lý cần là anh đóng vai trò người trụ cột trong gia đình, gánh vác kinh tế thì anh không làm được.
Ảnh minh họa
Hưng – chồng Lý hơn vợ 3 tuổi. Anh từ trên Hòa Bình xuống Hà Nội học tập và làm việc. Gia đình Lý ở Từ Liêm (Hà Nội), có điều kiện hơn nhà anh rất nhiều. Ngày mới tìm hiểu nhau, bạn bè Lý ai gặp Hưng cũng khen anh hiền lành, thật thà, dễ mến. Qua những lần tiếp xúc, Lý cũng thấy anh khác hẳn người yêu trước đây của mình, không có tính trăng hoa và cô nghĩ người như anh có lẽ sẽ là người đàn ông của gia đình, sẽ không khiến Lý phải đau khổ.
Tuy nhiên, khi Lý dẫn Hưng về ra mắt bố mẹ, mẹ cô lại không hào hứng và ra chiều phản đối với lý do: "Trông thì có hiền lành, nhưng mà hiền kiểu ấy cứ đần đần mẹ không thích, mẹ lo nó không cáng đáng được gia đình". Nhưng bỏ qua sự ngăn cản kịch liệt của gia đình, Lý vẫn quyết định lấy Hưng.
Vì thời gian yêu và tìm hiểu nhau chỉ trong vòng 6 tháng nên Lý cũng chỉ biết là Hưng tốt nghiệp Đại học Kinh tế, làm việc cho một công ty xây dựng lớn. Lấy nhau về sống chung một nhà Lý mới hay, chồng mình chỉ là nhân viên văn phòng chứ không phải là kế toán. Lương của anh tròm trèm chỉ 10 triệu, chỉ đủ lo thân, không có tích lũy, hoặc tích lũy không đáng kể. Điều này khiến Lý khá bất ngờ, bởi anh đi làm hơn chục năm rồi mà chẳng hiểu sao mức lương, vị trí vẫn "quèn" như vậy trong khi công việc của Lý lương cao, gấp 4-5 lần chồng nhưng rất vất vả.
Vài lần vợ chồng gần gũi, Lý tò mò hỏi chồng công việc văn phòng của anh lương thấp vậy sao không chuyển sang làm kế toán hay kinh doanh thì Hưng bảo: Trước cũng đi học và thi các chứng chỉ kế toán rồi thử làm phòng kinh doanh mà thấy không phù hợp, tự thấy văn phòng hợp hơn.
"Thế làm bao nhiêu năm rồi mà lương vẫn vậy thôi à", Lý hỏi thêm thì chồng bảo: "Công việc vẫn thế thì lương thay đổi làm sao được", "Sao anh không thử tìm công ty khác, vị trí khác xem sao, chứ em thấy anh làm thế cứ phí phí thế nào ấy" thì Hưng gạt đi: "Anh làm ở đây quen hết sếp với nhân viên, môi trường cũng ổn, anh không muốn chuyển sang chỗ mới lại phải bắt đầu từ đầu. Ngại lắm". Nghe chồng nói vậy, Lý thất vọng nhưng không thể gò ép chồng mình hơn.
Hàng tháng, sau khi nhận lương, Hưng chỉ đưa cho vợ 3 triệu còn là giữ lại để lấy tiền đổ xăng, điện thoại và ăn trưa, cà phê, thậm chí có tháng nhiều cỗ bàn, cưới xin, anh còn lấy tiền thêm từ vợ. Từ ngày lấy nhau, chưa bao giờ Hưng tự mua quà gì giá trị biếu Tết bố mẹ vợ mà tất cả là do Lý mua sắm. Dường như anh đã quen với việc kiếm đồng nào tiêu hết đồng ấy, có vài lần Lý hỏi lương chồng thì anh bảo: "Chả biết tiêu gì mà hết".
Mặc dù chồng không phải trụ cột kinh tế nhưng cuộc sống của gia đình Lý vẫn thoải mái, đầy đủ, vợ chồng hạnh phúc khi thi thoảng đi du lịch trong và ngoài nước. Mọi khó khăn chỉ thực sự bắt đầu khi Lý sinh con và công ty cho cô thôi việc do làm ăn thua lỗ. Vì ông bà nội ngoại đều cao tuổi và sức khỏe yếu nên không ai chăm lo cho Lý, bắt buộc vợ chồng cô phải thuê người giúp việc trông con mỗi tháng mất thêm 5 triệu đồng, tiền tích lũy của Lý cứ ngày càng bị vơi.
Lý bảo với chồng tính xem thế nào, cố gắng làm cái gì thêm kiếm tiền để mua sữa bỉm cho con, khi nào con được 6 tháng cô sẽ đi xin việc chỗ khác. Nghe vợ nói, Hưng bảo giờ người ta thất nghiệp đầy ra, mình có công việc làm là hơn khối người rồi còn đòi hỏi gì nữa làm Lý chưng hửng, cảm thấy chán chường vô cùng. Nếu như cô luôn phải cố gắng thì chồng lại dửng dưng.
Hơn lúc nào hết, trong hoàn cảnh này Lý mới thấy ân hận vì đã không nghe lời mẹ khuyên "hiền quá hóa đần đù" mà quyết lấy Hưng. Hiện giờ hai vợ chồng Lý đều đã hơn 30 tuổi rồi mà tiền tiết kiệm của Lý giờ chỉ còn vỏn vẹn trăm triệu, hễ có việc gì phát sinh bên nội là cô lại phải đưa tiền cho chồng trong khi đó thì chồng chỉ có ít đồng đưa cho vợ. Thật sự Lý thấy ái ngại cho tương lai của mẹ con cô.
Nguồn: [Link nguồn]
Nằm bên chồng, tôi vẫn nhớ người yêu cũ, nhất là chuyện chăn gối cùng anh ấy.