Thái Hải Trân: Cô gái miền Tây bỏ lại cơ hội ở trời Tây để 'cất cánh' ở quê hương
Mang trong mình bề dày thành tích và những giải thưởng danh giá trong lĩnh vực Sinh học, cô nữ sinh sinh năm 2002, Thái Hải Trân, vẫn kiên định theo đuổi giấc mơ "làm chủ bầu trời" đã được ấp ủ từ thuở 12 tuổi.
Cất cánh giấc mơ 10 năm
Điều gì đã khiến Trân chọn phi công – một hành trình dường như hoàn toàn khác biệt so với khởi đầu là học sinh chuyên Sinh?
Thái Hải Trân: Ban đầu mình được gia đình định hướng làm những công việc như bác sĩ, kỹ sư. Nên ngày từ khi học cấp 2, dù thích học Lý hơn nhưng bản thân vẫn lựa chọn môn Sinh theo nguyện vọng của bố mẹ.
Dù sau đó mình đã trở thành học sinh chuyên Sinh thuộc Trường Chuyên Lý Tự Trọng và đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ nhưng Trân chưa bao giờ thôi ấp ủ giấc mơ làm phi công.
Hải Trân nhận bằng tuyên dương của Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ sau khi xuất sắc đạt thành tích giải nhì học sinh giỏi môn Sinh học.
Hải Trân từ bé cho đến tận bây giờ vẫn luôn có niềm đam mê với cảm giác mạnh với những điều mới mẻ. Khi lên lớp 6, câu chuyện truyền đầy cảm hứng của nữ cơ trưởng Huỳnh Lý Đông Phương đã mở ra một “bức tranh hy vọng” về nữ giới “làm chủ bầu trời”.
Năm lớp 11, nhân cơ hội đạt giải nghiên cứu khoa học cấp quốc gia mình đã thuyết phục bố cho phép theo đuổi con đường mình mong muốn. Bằng sự nỗ lực và tâm huyết, mình đã thành công trúng tuyển cuộc thi đánh giá năng lực đầu vào của hãng hàng không khi chỉ mới 17 tuổi.
Gia đình luôn là nguồn động lực to lớn tiếp sức mạnh cho Hải Trân.
Mặc dù đam mê phi công, Trân vẫn theo định hướng bác sĩ từ gia đình. Liệu tư tưởng về công việc ổn định và vai trò của phụ nữ có ảnh hưởng đến quyết định của bạn?
Thái Hải Trân: Có một điều không thể phủ nhận là định kiến giới về nghề nghiệp vẫn còn tồn tại đặc biệt đối với nghề phi công. Người thân trong họ hàng cũng khuyên nhủ nên làm những công việc ổn định nhưng mình tập trung vào suy nghĩ của bố mẹ nhiều hơn. Trộm vía trong gia đình không có tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng bố mẹ cũng phần nào lo lắng cho con gái phải đối diện với những rủi ro của nghề phi công.
Trong khoảng thời gian COVID - 19 diễn ra, mình ở nhà trong vòng một năm vì đóng cửa biên giới. Bố của Trân cũng sốt ruột khi mà bạn bè đồng trang lứa đã đi học đại học hết. Sau một khoảng thời gian cảm thấy không ổn nên mình đã đăng ký thêm bằng quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế Quốc dân để tận dụng tối đa quỹ thời gian của mình.
Hải Trân là nữ sinh Việt Nam duy nhất theo học chương trình cử nhân phi công của RMIT Úc.
Mây đen không ngăn được “đôi cánh” quyết chí
Sau 10 năm theo đuổi và 2 năm chờ đợi, cảm xúc lần đầu cầm lái trong cabin của Trân ra sao?
Thái Hải Trân: Lần đầu tiên cầm lái mình cảm thấy rất hào hứng và phấn khởi nhưng vẫn xen lẫn ở trong đó một chút lo lắng liệu chuyến bay đầu tiên có thuận lợi hay không? Khi máy bay dần lên cao mình cảm nhận được từng luồng chuyển động của gió.
Mình cũng chia sẻ trải nghiệm đáng nhớ này với ba mẹ “Nếu một người không thích cảm giác bay thì không thể biết được họ sẽ thích điều gì khác”. Những chuyến bay sau dù không còn cảm giác mới mẻ ban đầu nhưng Trân vẫn luôn cố gắng để tận hưởng và tích lũy kinh nghiệm sau mỗi lần cất cánh.
Trong chương trình cử nhân hàng không tại Úc, năm đầu tiên Trân học lý thuyết thuộc về các bộ phận mặt đất như ATC, quản lý an toàn bay,... Sang năm 2 thì mình bắt đầu được thực hành bay và tính đến thời điểm hiện tại Trân đã có 02 năm kinh nghiệm cầm lái máy bay.
Mỗi lần được “tự do sải cánh” trên bầu trời, ngọn lửa đam mê trong Hải Trân ngày một được “đốt cháy” mạnh mẽ.
Khi theo đuổi giấc mơ phi công, đâu là những khoảnh khắc khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và áp lực nhất ?
Thái Hải Trân: Bên cạnh những trải nghiệm mà nghề phi công mang lại thì bản thân mình nói riêng cũng như các bạn nữ đồng nghiệp nói chung khi bước vào nghề đều sẽ phải cân nhắc những rào cản về mặt giới tính.
Xã hội thường quan niệm nghề phi công có tỷ lệ nam chiếm đa số hơn nữ giới và các nữ phi công. Sự khác biệt về mặt sinh học giữa hai giới đôi khi cũng là yếu tố tác động đến nữ giới khi họ thực hiện kế hoạch kế hoạch thai sản.
Trong niên khóa của Trân thì mình là nữ sinh duy nhất đến từ Việt Nam. Dù vẫn có những trường hợp phân biệt nhưng mình không bao giờ cảm thấy yếu thế so với những bạn khác.
Một môi trường đa văn hoá như Úc sẽ không thể tránh khỏi định kiến về phụ nữ nhưng những yếu tố đó chưa bao giờ mình để nó tác động tiêu cực đến bản thân. Với sự cố gắng và nỗ lực chứng minh khả năng, mình là sinh viên đầu tiên hoàn thành khóa học và đứng trong danh sách sinh viên tốt nghiệp sớm năm 2023.
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Hải Trân đã giúp cô gái ghi danh ở các bảng thành tích lớn nhỏ.
Khi theo đuổi lĩnh vực này, chi phí sẽ cao và tốn nhiều hơn so với việc đi theo con đường trở thành bác sĩ. May mắn mình nhận được sự ủng hộ hết mình từ gia đình “Con muốn học thì bao nhiêu bố mẹ cũng lo hết”. Nhận thức được áp lực về mặt tài chính nên ngay từ những đầu mình đã đốc thúc bản thân để tập trung học tập và tự lập kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Đương nhiên vẫn sẽ có những áp lực và mệt mỏi nhưng hầu hết đến từ việc thời tiết không ủng hộ dẫn đến việc mình không có nhiều thời gian để huấn luyện thực tế. Dù bất lực và mệt mỏi nhưng mình vẫn đành chấp nhận vì những yếu tố ngoại cảnh không cho phép.
Những chia sẻ và hình ảnh của Hải Trân trên mạng xã hội được biết tới với năng lượng tích cực & truyền cảm hứng rất nhiều, nhưng ít ai thấy được để có được phiên bản như bây giờ thì chị đã phải trải qua những trở ngại nào ?
Thái Hải Trân: Bản thân mình quan niệm sẽ không chia sẻ quá nhiều những năng lượng tiêu cực trên mạng xã hội vì những điều đó khi chia sẻ với người khác cũng không giải quyết được vấn đề.
Trên con đường theo đuổi mục tiêu, việc đối diện và giải quyết những khó khăn là điều không thể tránh và mình sẽ phải chấp nhận đánh đổi được cái này mất cái kia. Thấu hiểu được điều đó nên trong suốt thời gian vừa qua bản thân mình cũng cố gắng rất nhiều để có thể đạt được kết quả đúng với mong đợi và hiện thực hóa đam mê của bản thân.
Trân rất vui khi mà những nỗ lực của bản thân được phần nào truyền cảm hứng đến những bạn trẻ kiên trì theo đuổi ước mơ. Trên chặng đường cần “nạp nhiên liệu” mình cũng lo lắng nhiều khi mà không có “cơ trưởng” định hướng nên đôi lúc vô định trên hành trình tìm đúng hướng đi của “đường băng”.
Cô gái bé nhỏ nhưng bản lĩnh phi thường lan tỏa thông điệp truyền cảm hứng về nữ giới làm chủ bầu trời.
Viết tiếp giấc mơ chinh phục bầu trời
Điều mà chị tự hào nhất trong suốt quãng thời gian qua ?
Thái Hải Trân: Thời gian vừa rồi mình đã hoàn thành bằng lái máy bay tư nhân. Thông thường học viên khi tham gia sẽ mất từ 6 tháng đến 1 năm để hoàn thành nhưng may mắn thời tiết ủng hộ nên mình đã nhanh chóng hoàn thành trong vòng 1 tháng 2 tuần. Đây cũng chính là một niềm vui nho nhỏ tiếp thêm động lực cho bản thân mình trên hành trình “chinh phục bầu trời” .
Tại thời điểm hoàn thành chương trình cử nhân phi công ở Úc, Trân đã nhận được lời mời trở thành người huấn luyện bay cho những học viên mới của trường. Đứng trước một cơ hội lớn mình đã phải đắn đo để đưa ra được quyết định cuối cùng. Suy nghĩ cho cùng khi mà bố mẹ ở nhà có vấn đề gì không ai chăm lo nên mình đã quyết định trở về Việt Nam để gần gia đình hơn.
Khi “cân đo đong đếm” về cuộc sống giữa Việt Nam và Úc thì sẽ có những điểm thuận lợi và khuyết điểm nhưng mình nhận ra dù ở bất cứ đâu mà không có bố mẹ thì nơi đó cũng không được gọi là nhà.
Hành trình phía trước của Trân sẽ là một chặng đường rất dài với nhiều thử thách cần phải trải qua. Khi hoàn thành bằng phi công thương mại ở Úc thì mình sẽ tiếp tục dành thời gian huấn luyện ở từng loại máy bay khác nhau. Trong mục tiêu gần, Trân có mong muốn làm việc cho hãng hàng không tại Việt Nam và mục tiêu xa hơn sẽ trở thành nữ phi công của một hãng bay 5 sao.
“Giấc mơ thì đẹp nhưng đi chính bằng đôi chân của mình thì nó mới trở thành hiện thực”. Thái Hải Trân |
(Ảnh: NVCC)
Với loạt giải thưởng môn Sinh, Hải Trân có thể đỗ nhiều trường Y nhưng chọn học phi công như giấc mơ từ năm 12 tuổi.
Nguồn: [Link nguồn]
-28/12/2024 08:50 AM (GMT+7)