Tết ông Công ông Táo: Thả cá đừng thả túi ni lông!
Vài năm trở lại đây, người dân Hà Nội có thực trạng thả cá ở các sông, hồ trong thành phố thường thả luôn túi ni-lông gây mất mỹ quan đô thị cũng như ô nhiễm môi trường.
Vào những năm trước, đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cỗ, vàng mã, hoa quả,... để dâng lên tiễn Táo Quân. Trong ngày này, một thứ không thể thiếu được khi dâng lễ đó là 3 con cá chép để các ông Công, ông Táo về trời.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân Hà Nội có thực trạng thả cá ở các sông, hồ trong thành phố thường thả luôn túi ni-lông gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.
Táo quân (còn được gọi là ông Công ông Táo), là vị thần coi sóc bếp lửa cho gia đình. Lễ vật chuẩn bị cho cúng ông Công ông Táo gồm mâm cỗ mặn, bánh kẹo, rượu, trầu cau, hoa quả. Cùng với đó là 3 bộ mũ áo, hia hài. Và đặc biệt trong ngày này không thể thiếu 3 con cá chép để cúng ông Công ông Táo.
Theo truyền thuyết, Táo quân cưỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng. Và trong quan niệm xưa, cá chép thường được ví như loài "cá hóa rồng", "vượt vũ môn", nên chúng được coi là phương tiện di chuyển của các Táo Quân khi lên thiên đình.
"Thả cá, đừng thả túi nilon" là thông điệp của nhóm bạn trẻ gửi đến người dân.
Ngoài ra, phong tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, người dân thường phóng sinh cá chép và 'phóng sinh' luôn cả túi ni-lông ra sông, hồ gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, ở những nơi là "điểm nóng" của nạn này không thể không nhắc đến cầu Long Biên, Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, Thuyền Quang,... thì cứ đến dịp 23 tháng Chạp, lại tha hồ đón lấy cả tấn ni-lông và người dân ném xuống.
Bất chấp cái rét, các bạn trẻ vẫn kiên trì bám trụ
Phỏng vấn nhanh một người dân thả phóng sinh cá chép tại cầu Long Biên, anh Đức (Hoàn Kiếm) cho rằng: "Thả cá là thả luôn túi ni-lông cho... tiện. Đỡ phải gỡ túi ra, mà nếu có mở túi ra thả từng con một, không khéo cá nhẩy ra ngoài bắt lại cũng mệt nên cứ ném cả túi cho tiện".
Trước tình trạng đó, nhóm "cá chép" được thành lập để nhắc nhở người dân có ý thức hơn trong việc phóng sinh cá chép ngày Táo Quân. Ghi nhận tại cầu Long Biên ngày 31/1/2016, các bạn trẻ trong nhóm "cá chép" hầu hết là sinh viên đến từ nhiều trường Đại Học trên địa bàn Hà Nội đều có chung một quan điểm "Thả cá, đừng thả túi ni-lông". Hai bên thành cầu, các bạn trẻ trong nhóm đều giơ cao thông điệp giúp hướng dẫn người dân có ý thức hơn.
Nhắc nhở người dân khi tham gia phóng sinh ngày 23 tháng Chạp.
Ban Hương, một thành viên trong nhóm chia sẻ: "Đây là năm thứ 3 bọn em làm công việc này rồi". Hương cũng cho biết thêm: "Bọn em bắt đầu đứng từ sáng ngày 30 đến khoảng 6 giờ tối thì về, chia làm nhiều ca các bạn thay nhau dơ biển hiệu để thông báo cho người dân biết mà bảo vệ môi trường hơn".
Bất chấp cái rét mướt của Hà Nội, những bạn trẻ trong nhóm "cá chép" vẫn kiên trì giơ thông điệp để làm sạch môi trường, nâng cao ý thức cho đại bộ phận người dân. Bạn Huy, một thành viên khác trong nhóm cho biết: "Từ sáng đến giờ, bọn em nhắc nhở cho rất nhiều người rồi, thu cả đống túi ni-lông. Người nào hiểu chuyện thì thông cảm, còn ai khó tính thì lại lại mắng em làm mất lộc".
Huy cũng nhấn mạnh rằng: "Hôm nay có rất nhiều người thả cá, nhưng ngày mai đúng ngày lễ thì càng nhiều hơn nữa".