Tết nay trong lòng bạn trẻ liệu có thực sự ‘nhạt’ như lời đồn?
Mỗi mùa xuân đến, không ít người trong chúng ta lại bắt gặp những ý kiến than phiền Tết ngày càng “nhạt”, không còn vui như trước. Thế nhưng với nhiều bạn trẻ, Tết vẫn mang nhiều “vị” và rất đáng để chờ mong.
Dù có thay đổi, mỗi mùa Tết vẫn là một nét đẹp riêng
Là một chàng trai 20 tuổi thích tìm hiểu về những nét đẹp truyền thống của dân tộc, Lê Hữu Bằng (Học viện Ngoại giao) nhận thấy việc hiểu và bảo tồn nét đẹp của ngày Tết cổ truyền luôn là đề tài khiến bản thân hứng thú nhất.
Hữu Bằng hiện đang là sinh viên năm thứ ba ngành Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao.
Kể về những ngày Tết xưa, Hữu Bằng chia sẻ: “Ở phương diện cá nhân, bố mẹ mình là người từ miền Bắc di cư vào Nam sinh sống từ rất lâu nên đã có sự pha trộn trong văn hóa. Gắn bó với mình từ khi còn tấm bé là bánh chưng, lì xì, hoa mai, bánh tét, thịt kho rồi mâm ngũ quả đặc trưng có chuối và bưởi,… Vào những ngày này hồi bé thì mình vẫn luôn ngồi với bố mẹ để gói bánh, nghe những bài tình ca Lệ Thu, Ngọc Bích qua chiếc đầu DVD cũ của bố. Được các cô các chú lì xì những tờ 5.000, 10.000 và đi với bố mẹ chúc Tết họ hàng.”
Hữu Bằng là một chàng trai 20 tuổi thích tìm hiểu về những nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Những năm gần đây, không chỉ bản thân Hữu Bằng thay đổi vì đã lớn hơn mà Tết cũng khác xưa một chút. Nam sinh cho biết: “Bây giờ kinh tế nơi mình ở khấm khá hơn nên đến Tết mọi người lại cùng nhau nấu ăn, hội họp rất linh đình và hát hò có khi từ sáng đến chiều. Bàn thờ nhà mình nhiều đồ thờ đắt tiền hơn. Mọi người đã bắt đầu hỏi mình về các dự định tương lai. Mệnh giá của những tờ tiền mình nhận được cũng ngày càng lớn hơn, thậm chí lì xì cũng không qua phong bao đỏ mà là bằng chuyển khoản. Tết với mình, về cơ bản vẫn rất đẹp và rất vui.”
Học xa nhà, Hữu Bằng càng thêm trân quý khoảng thời gian Tết vì nó mang lại cảm giác gần gũi với gia đình, người thân.
Mặc dù mỗi năm đâu đó vẫn có những ý kiến về việc xóa bỏ hay thay đổi Tết cổ truyền vì những lý do về an toàn, an ninh, kinh tế hay tâm lý,… Nhưng Hữu Bằng cho rằng nếu biết cách đón nhận và cùng thay đổi một cách tích cực, Tết vẫn luôn có giá trị hay, giá trị đẹp.
Hữu Bằng thường gọi video cho bạn bè để chúc Tết nhau, khoe lì xì hay đơn giản là xa nhau cũng hơi lâu nên nhớ.
“Khi một người nào đó nói rằng Tết “nhạt” hay “mất vui”, có nghĩa họ đang ngầm so sánh Tết này với một cái Tết nào đó thực sự hạnh phúc với họ trong quá khứ. Mình nghĩ chúng ta không nên có định kiến và nhìn nhận Tết với cái nhìn quá khuôn mẫu, kỳ vọng một cách tiêu cực về những gì Tết nên là. Ai cũng sẽ phải thay đổi và sẽ luôn có những nét đẹp riêng chờ mọi người khám phá, trân trọng. Mình vẫn luôn thấy Tết vui qua các năm theo những cách rất khác nhau. Mình yêu Tết và muốn cùng Tết làm nên những điều thú vị!” - Hữu Bằng bày tỏ.
"Mình vẫn xem Tết như một người bạn, không chỉ là bạn của mình mà còn là người bạn lớn của dân tộc. Người bạn tốt ấy đã cùng mình đi qua rất nhiều năm tháng và đem lại cho mình rất nhiều niềm vui."
Nếu Tết “nhạt”, hãy thử tìm thêm “gia vị”
Với Nguyễn Trang Linh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), Tết năm nay khá đặc biệt khi đến sớm hơn mọi năm, mang theo cái rét ngọt và mưa phùn đầu xuân đặc trưng của miền Bắc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh mà những năm gần đây không có nhiều hoạt động vui chơi giải trí hay các lễ hội được tổ chức. Vì vậy, Trang Linh cảm thấy Xuân Quý Mão càng thêm phần mong đợi hơn cả với những sự kiện mới mẻ và thú vị.
Nguyễn Trang Linh hiện đang là sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Trang Linh cảm thấy Xuân Quý Mão càng thêm phần mong đợi hơn cả với những sự kiện mới mẻ và thú vị.
Trang Linh luôn biết cách khiến cho những ngày Tết của mình ngập tràn màu sắc với vô vàn hoạt động như: trang trí nhà cửa, đi chợ Tết, cùng bố mẹ đi lễ chùa, ngắm chợ hoa, đi chơi cùng bạn bè hay đơn giản là dành thời gian cho bản thân xem một vài bộ phim yêu thích. Đặc biệt, Tết năm nay Trang Linh cùng với các bạn của mình tham gia chương trình Tết sẻ chia, trao yêu thương. Nữ sinh cảm thấy việc tham gia những chương trình vì cộng đồng, lan tỏa hương Tết đến những người có hoàn cảnh khó khăn như vậy là hoạt động rất ý nghĩa mà các bạn trẻ nên trải nghiệm.
Trang Linh luôn biết cách khiến cho những ngày Tết của mình ngập tràn màu sắc.
Trước những luồng ý kiến cho rằng càng trưởng thành càng thấy Tết “nhạt”, Trang Linh chia sẻ: “Mình nghĩ “nhạt” hay không là do “khẩu vị” của mỗi người cảm nhận “vị Tết” như thế nào. Với mình, được nghỉ ngơi sau một năm dài cố gắng, được sum họp cùng gia đình, gặp gỡ anh chị em họ hàng và đi chơi Tết là đã có hương vị của Tết rồi. Nếu “nhạt”, các bạn hãy thử tìm thêm những “gia vị” cho ngày Tết của mình như đi du lịch, đi làm thiện nguyện hay thử rủ bạn bè cùng xem một bộ phim,... Mình nghĩ rằng khi thử rồi thì chúng ta sẽ có thể tìm ra “vị Tết” mà mình mong muốn, còn hơn là không làm gì mà cho rằng Tết mất đi hương vị.”
Với Trang Linh, được nghỉ ngơi sau một năm dài cố gắng, được sum họp cùng gia đình, gặp gỡ anh chị em họ hàng và đi chơi Tết là đã có hương vị của Tết rồi.
Có lẽ Tết “nhạt” hay không là do cảm nhận của mỗi người, nhưng những giá trị và vẻ đẹp của ngày Tết cổ truyền thì vẫn luôn còn đó. Hòa chung không khí đón xuân là niềm hân hoan, hạnh phúc trong vòng tay của gia đình, bè bạn và cùng hy vọng về những điều tốt đẹp trong năm mới.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhà là nơi để về và Tết chính là cơ hội tuyệt vời nhất để ta tận hưởng giây phút đoàn viên.