Tết không trọn vẹn vì… tham việc
"Với nhà người ta, Tết ít thì ba ngày, nhiều cũng phải 5, 7 ngày nhưng với nhà tôi, qua sáng mùng 1 là hết Tết".
Tết cổ truyền Việt Nam được tổ chức trong 3 ngày: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” thậm chí còn kéo dài hơn nữa bởi quan niệm: “Cả năm mới có cái Tết”. Thế nhưng, với không ít nhà, Tết chỉ chớm đến rồi lại vội đi chỉ vì những người chủ sự mải mê kiếm tiền hoặc buộc phải hoàn thành nhiệm vụ trong ngày Tết.
“Không mong gì chỉ mong một cái Tết thảnh thơi”
Gia đình Nguyễn Thị Hà (18 tuổi, Vĩnh Phúc) có nghề “gia truyền” là buôn bán thịt lợn và rau quả. Cũng chính vì thế mà từ khi nhận thức được cuộc sống đến nay, cô chưa bao giờ được hưởng một cái Tết thảnh thơi, sum vầy vì bố mẹ bận rộn làm ăn dịp Tết.
Với những người làm nghề buôn bán, cuối năm luôn là thời điểm bận rộn nhất. Nhà Hà cũng vậy, suốt từ 25 Tết trở đi, các thành viên trong gia đình đều tất bật làm hàng để bán. Bản thân cô, từ lúc được nghỉ Tết cũng lao vào buôn bán cùng gia đình, không có lấy một buổi sáng rảnh rang để đi sắm Tết như bạn bè cùng trang lứa khác.
Mong ước lớn nhất của Hà trong ngày Tết là được thảnh thơi, không vướng bận công việc
“Năm nào cũng vậy, cứ từ 25 Tết trở đi, mỗi ngày nhà mình thịt 4, 5 con lợn, vừa xuất, vừa bán lẻ tại các chợ trong huyện. Một mình mẹ bán không xuể nên mình và em trai cũng phải đi bán luôn, từ lúc 14, 15 tuổi đã biết xẻ thịt, cân kéo, tính tiền rồi. Gần Tết, bạn bè í ới rủ nhau đi sắm quần áo rồi lên kế hoạch mùng 1 chơi đâu, mùng 2 chơi đâu… nhưng mình chẳng bao giờ có cảm giác đó. Cứ trưa 30 Tết, hai mẹ con đèo nhau ra chợ mua sắm một loạt rồi 4 giờ chiều về làm cơm tất niên. Vội vàng, tất bật, thở còn chẳng kịp, thời gian đâu mà lựa đồ”, Hà giãi bày.
Thời điểm giáp Tết, bận rộn đến mấy cũng dễ hiểu vì vốn dĩ kiếm tiền làm cả năm không bằng dăm ngày Tết. Thế nhưng, với một gia đình buôn bán như nhà Hà, ngay cả trong 3 ngày Tết cũng không có được cảm giác thảnh thơi, chơi bời thoải mái.
Cô cho hay, cứ chiều mùng 2, bố mẹ cô đã lục đục xếp rau, quả để người ta đến mua hoặc đem ra chợ bán. Từ mùng 3 trở đi, mọi việc lại diễn ra như thường ngày, như thể không khí Tết đã tắt hẳn.
“Ngày Tết ngày nhất, ai cũng thích rau hơn thịt nên rau quả bán rất chạy, giá cả lại gấp 3, gấp 5 ngày thường. Thế nên, bố mẹ mình rất ham, cứ chiều mùng 2 đã lục đục lấy hàng, xếp hàng rồi đi bán. Anh em mình, nếu không làm cùng bố mẹ thì cũng phải tiếp khách nên chẳng mấy khi được đi chơi thoải mái, lê la cả ngày như các bạn”, Hà chia sẻ.
Gần như năm nào cũng vậy, Tết đối với Hà chưa bao giờ là một kỳ nghỉ đúng nghĩa. Cô thèm cái cảm giác được nằm dài cả ngày ở nhà xem phim, đọc truyện hoặc la cà với bạn bè, cũng rất muốn được nhìn thấy bố mẹ thảnh thơi, không phải vướng bận chuyện buôn bán, hàng họ. Thế nhưng, bao năm nay, Tết với cô vẫn thế, bận rộn và tất bật, có chăng chỉ khác ở chuyện hàng bán được nhiều hay ít.
“Mình cũng khuyên bố mẹ bớt việc đi vì cả năm làm lụng rồi, ngày Tết nên nghỉ ngơi cho thoải mái. Nhưng bố mẹ bảo, lúc dễ không làm đến lúc khó lại loay bán từng lạng thịt, mớ rau một có phải khổ không? Mình cũng không dám ý kiến gì thêm bởi biết bố mẹ vất vả cũng chỉ vì con cái. Thế nhưng, Tết cứ mãi thế này thì buồn quá”, Hà thở dài.
Đứng ngồi không yên ngày Tết
Kể từ ngày lấy chồng, chị Thúy (Thanh Hóa) luôn phải ái ngại vì chưa bao giờ làm tròn bổn phận nàng dâu trong dịp Tết. Dù đã cố gắng rất nhiều để hoàn thành khối lượng cộng việc vốn chỉ dành cho kẻ có ba đầu sáu tay vào thời điểm trước Tết nhưng cho đến khi tiếng pháo giao thừa vang lên, cô vẫn không thể dành trọn thời gian lo chu đáo việc nhà chồng.
Thúy là biên tập viên của một trang báo điện tử. Mình cô quản lý riêng một mục nên cùng lúc phải làm rất nhiều việc như sản xuất tin, bài, biên tập bài của cộng tác viên, xuất bản… Dù đã chuẩn bị rất nhiều bài dự trữ cho ngày Tết nhưng cô vẫn khó có thể rời khỏi chiếc máy tính để toàn tâm toàn ý lo Tết và chơi Tết.
Không khí sum vầy, không phải lo lắng chuyện công việc là điều ai cũng mong trong ngày Tết (ảnh minh họa)
“Cứ Tết đến là tôi lại lo đứng lo ngồi chuyện trực Tết. Năm nào cũng vậy, lúc mẹ chồng chuẩn bị cơm cúng giao thừa thì tôi ôm khư khư chiếc máy tính, trực xuất bản tin nóng. Xong xuôi mọi việc là 2, 3 giờ sáng, leo vội lên giường đi ngủ để mai dậy sớm làm cơm, đi lễ… Chuyện cảm nhận thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới với tôi là quá xa xỉ”, chị Thúy giãi bày.
Ngay cả trong 3 ngày Tết, cô biên tập viên cũng không được thoải mái vui chơi. Những cuộc điện thoại chỉ đạo từ sếp, những rắc rối nảy sinh xung quanh chuyện bài vở khiến chị thường xuyên ở trong tình trạng “nhấp nhổm” nửa đứng, nửa ngồi. Với nhiều người kỳ nghỉ Tết càng dài càng thích nhưng với chị, nghỉ Tết nhiều là cả một nỗi lo.
“Vất vả mấy tôi cũng không ca thán vì đó là công việc, chỉ ái ngại không thể chu đáo với việc nhà chồng. Cũng may, mẹ chồng tôi rất tâm lý, thường thay con dâu chuẩn bị cơm, tiếp khách. Anh em họ hàng có thắc mắc, bà cũng nói đỡ cho vài phần”, chị chia sẻ.