Tết buồn của các gia đình có Covid-19 “gieo” nỗi đau

Sự kiện: Giới trẻ 2025

"Các cậu nói thắp hương thì cha mẹ, ông bà sẽ về ăn tết cùng con. Con nhớ cha mẹ lắm, con thường mơ thấy cha mẹ nhưng khi giật mình tỉnh dậy không thấy ai, con chỉ biết khóc”.

Khi những ngày Tết Nhâm Dần 2022 đang cận kề, cả nước vẫn đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh Covid-19. Năm 2021 trôi qua, có biết bao gia đình chịu đau thương, mất mát do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tết có nghĩa là sum vầy, là đoàn viên, là cùng nhau đón Xuân sang trong giờ khắc giao thừa nhưng dịch Covid-19 đã khiến cái Tết năm nay bớt sôi động, ồn ã.

Gia đình các nạn nhân Covid-19 chuẩn bị đón Tết như thế nào?

Chị N.T.M. (38 tuổi, ngụ phường An Bình, Tp.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chia sẻ: "Tết năm nay thật buồn khi gia đình tôi đã mất đi một thành viên, chồng tôi trước đó đã ra đi vì dịch Covid-19. Tết năm nay tuy không có anh bên cạnh sắm tết, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa nhưng tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ hàng xóm, họ hàng. Nỗi buồn dù chưa thể nguôi ngoai nhưng tôi sẽ cố gắng lo cho các con có một cái tết ấm no, đầy đủ".

Theo chia sẻ của chị M., nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, cuộc sống của gia đình chị vẫn đang tạm ổn. Chị đã chuẩn bị đầy đủ hương Tết Việt cho hai con: Không thiếu bánh chưng, giò chả, giò xào, canh măng, xôi gấc, mâm ngũ quả và đặc biệt vẫn có hoa đào đón Tết giống như mọi năm.

Trước đó, hồi tháng 9/2021, vợ chồng chị M. mắc Covid-19, chị M được điều trị tại nhà nhưng bệnh tình của chồng chị chuyển biến nặng nên được đưa vào bệnh viện dã chiến chữa trị. Chưa đầy 1 tuần sau anh ra đi, đến giờ chị vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự mất mát này.

"Tôi cứ nghĩ anh vào điều trị 1 thời gian rồi sẽ trở về nhưng không ngờ anh đi luôn, vợ chồng tôi không kịp nói điều gì với nhau. Khi bệnh viện báo tin về, tôi vô cùng đau đớn và tiếc nuối nhưng vì còn 2 con nhỏ nên tôi phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con. Cháu nhỏ nhà tôi năm nay 6 tuổi, tôi có an ủi con rằng ba lên trời làm tiên, cháu còn nhỏ nên cũng không có buồn thi thoảng đòi ba tôi dỗ là lại ngoan. Còn cháu lớn năm nay học lớp 9, khi hay tin ba mất cháu buồn lắm, thời gian đầu hay ở trong phòng 1 mình tôi rất lo lắng, sau đó đến giờ thì cháu đã cởi mở với mọi người hơn", chị M chia sẻ.

Mâm cúng ngày Tết tại gia đình nạn nhân Covid-19.

Mâm cúng ngày Tết tại gia đình nạn nhân Covid-19.

Tất bật cùng các cậu lo mâm cơm cúng ông bà ngoại và cha mẹ, bé N.M.K (12 tuổi, ngụ tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, Tp.HCM) vẫn chưa hết ám ảnh vì nỗi đau quá lớn do dịch bệnh Covid-19 để lại.

Trước đó, đầu tháng 7, khi dịch bùng phát dữ dội tại Tp.HCM, cha, mẹ, ông, bà ngoại K. đều lần lượt dương tính với Sars-Cov-2 và được đưa đi bệnh viện để điều trị nhưng cả cha mẹ và ông bà cũng đều không qua khỏi.

Hàng năm, như bao bạn nhỏ khác, K. luôn háo hức, mong chờ đến Tết để được mua những bộ quần áo mới, được ông bà, cha mẹ lì xì đầu năm nhưng năm nay dù cái Tết đang đến gần nhưng K. vẫn thấy cô đơn, buồn tủi.

Dù được các cậu ở cạnh đó chạy qua, chạy lại lo ăn uống, sắm sửa quần áo mới, bánh kẹo để đón Tết nhưng tình cảm của các cậu không thể bù đắp được tình thương yêu, sự chăm sóc mà ba mẹ dành cho K.

Không còn cha mẹ, K. cùng các cậu chuẩn bị mâm cỗ cúng cha mẹ, ông bà dịp Tết. K ngây thơ nói: "Các cậu nói thắp hương thì cha mẹ, ông bà sẽ về ăn tết cùng con. Con nhớ cha mẹ lắm, con thường mơ thấy cha mẹ nhưng khi giật mình tỉnh dậy không thấy ai, con chỉ biết khóc”.

“Con vẫn nhớ Tết năm ngoái, con được mẹ đưa đi mua quần áo mới, gia đình con thức để đón giao thừa, cha dạy con từng câu chúc Tết. Giờ chỉ còn 1 mình con ở nhà. Con thương cha mẹ, ông bà nhiều lắm", K xúc động chia sẻ.

Tết truyền thống bị ảnh hưởng

Tết trong quan niệm của người Việt có một ý nghĩa thiêng liêng và là thời gian để cả gia đình nghỉ ngơi, đoàn tụ bên nhau, cầu mong một năm mới sung túc, đầm ấm. Đây là dịp những người con xa quê tạm gác lại những công việc, những bộn bề lo toan trong cuộc sống để về nhà đón Tết, tận hưởng không gian mùa xuân dưới mái ấm gia đình. Với họ, hương vị Tết ở quê bình dị mà thiêng liêng.

Năm nay, kèm theo nỗi lo dịch bệnh lây lan, người dân đã phải thay đổi kế hoạch chuẩn bị đón Tết cho phù hợp với các quy định phòng chống dịch, phong tỏa cục bộ. Nhiều người lo lắng, buồn, thất vọng vì kế hoạch ăn Tết không được như ý, nhất là những người sống xa quê không được về sum họp với gia đình, nhưng họ vẫn rất ý thức trong việc phòng tránh dịch bệnh và yên tâm tuân thủ các biện pháp vệ sinh dịch tễ, đặc biệt là ở những tỉnh thành có nhiều ca nhiễm.

Chợ đìu hiu ngày Tết.

Chợ đìu hiu ngày Tết.

Mọi năm, vào dịp Tết, các địa phương đều tấp nập, sôi động nhưng năm nay lại rất khác, đường xá vắng vẻ, các khu chợ đìu hiu, ít người qua lại, các hoạt động thương mại diễn ra một cách trầm lắng, lặng lẽ hơn.

Vài năm gần đây, nhiều người dân trong nước cũng có xu hướng đi du lịch vào dịp Tết nhưng trong tình hình dịch bệnh hiện nay người dân không dám đi nữa, mọi kế hoạch du lịch đều bị huỷ bỏ. Truyền thống đi lễ đầu xuân hay các hoạt động văn hoá dân gian cũng bị hạn chế để tránh tụ tập đông người.

Ngoài ra, văn hoá chúc Tết của người Việt năm nay cũng bị ảnh hưởng. Theo tục lệ truyền thống, Tết là phải đi thăm hỏi, chúc nhau không chỉ đối với anh em ruột thịt mà còn cả với bà con hàng xóm, bạn bè. Đó là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt. Nó là biểu hiện của lối sống trọng tình nghĩa, là cách để ông cha ta kết nối với nhau trong tình cảm cộng đồng, gắn bó sẻ chia. Thế nhưng, trong thời điểm dịch bệnh, chuyện thăm hỏi, chúc Tết cũng phải thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với trạng thái "bình thường mới".

Người dân nên hạn chế các cuộc gặp gỡ đầu xuân với nhiều người, thay vào đó là những lời chúc tết online, nhà nào ở nhà nấy để tránh sự lây lan của dịch bệnh.

Năm nay, không phải năm đầu tiên cả nước đón Tết trong thời điểm dịch bệnh, nhiều gia đình đã xác định bình tĩnh sống chung với dịch một cách an toàn và đây cũng là dịp để người Việt tìm lại những giá trị cũ của Tết cổ truyền.

Những năm trước, do công việc bận rộn nên nhiều gia đình không tự chuẩn bị Tết mà giao phó cho người giúp việc hoặc ông bà giúp đỡ. Năm nay, để hạn chế đi lại, tụ tập, nhiều công ty cho nhân viên làm việc online tại nhà. Vì vậy mà các gia đình có nhiều thời gian quây quần, cùng nhau sắm Tết. Tết mùa Covid-19 nên người dân chủ yếu mua nguyên liệu qua mạng để vừa tiện lợi, vừa an toàn. Rồi cả nhà quây quần bóc hành, cuốn nem, rửa lá, thái thịt, gói bánh, nổi lửa… Chỉ có những ai phải đi xa mới nhớ, mới biết trân trọng từng giây phút được trở về bên người thân yêu ruột thịt trong mấy ngày Tết. Vui nhất là những phút giây cả nhà quây quần gói bánh, trông nồi bánh chưng và chờ đón thời khắc giao thừa.

Dịch bệnh đã mang lại một bầu không khí khác thường nhưng không khí Tết trên cả nước vẫn được duy trì, vẫn sẽ là Tết an lành cho tất cả mọi người, một mùa xuân mới về với bao niềm hy vọng cho một năm mới đủ đầy, ấm êm, vạn sự như ý.

Tết Nhâm Dần 2022 có lẽ sẽ không đông vui, rộn rã như mọi năm nhưng chắc chắn là một năm mới đáng nhớ bởi diễn ra trong tình hình đặc biệt. Qua đây cũng thể hiện sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân cùng chung tay ngăn chặn dịch bệnh. Tất cả vì sức khỏe cá nhân, cộng đồng và sự bình an của đất nước. Đây là mục đích cao nhất của Tết Việt thời Covid.

Bất chấp dịch COVID-19 khắc nghiệt, giáo viên mầm non thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng

Không thể đến trường dạy học, một số giáo viên mầm non vẫn có cuộc sống dư giả nhờ sự năng động, nhanh nhạy và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bích Liên ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN