Tết bề bộn của nàng dâu mới

Có đi làm dâu nhà người ta, tôi mới thấy quý trọng cuộc sống ngày đang còn con gái.

Trước ngày đi lấy chồng, tôi hí hửng bởi cuộc sống sắp bước sang một trang mới. Thấy tôi vui vẻ ra mặt, mẹ tôi mắng: “Cha bố chị, sắp sửa lo toan, gánh vác gia đình rồi mới biết mẹ vất vả như thế nào?”. Tôi chỉ cười trừ, ôm mẹ vào lòng, mặc cho mẹ đang mắng yêu con gái.

Ngày tôi lấy chồng, giây phút thiêng liêng mẹ trao của hồi môn cho con gái, tôi bật khóc nức nở. Mẹ tôi cũng khóc theo. Thế mà mấy ngày trước đó, mẹ còn trêu tôi: “Chị cứ nhăn nhở như thế này người ta cười cho đấy. Con gái đi lấy chồng phải có vài giọt nước mắt chứ con!”. Ngày cưới, tôi khóc thật. Những giọt nước mắt thi nhau lăn dài làm phấn trên mặt tôi nhòe nhoẹt. Bước ra khỏi cửa nhà, một cuộc sống mới đang chào đón tôi, thay đổi cuộc đời tôi sang một ngã rẽ mới.

Tôi đi lấy chồng. Không còn những ngày chủ nhật được ngủ nướng, không được nũng nịu cùng mẹ đi chợ đòi mua thứ này, thứ nọ. Tôi phải dậy sớm hơn quét dọn nhà cửa, phải biết tự chi tiêu bữa ăn, nấu nướng cho cả gia đình. Bình thường, những công việc đó mẹ tôi làm hết. Còn hiện tại, khi đã là dâu, là con nhà người ta, tôi phải tự mình sắm sửa, lo công to, việc lớn của gia đình nhà chồng. Tôi trở nên chín chắn, già dặn hơn bởi lẽ, tôi phải biết tự mình cân bằng cho cuộc sống mới.

Gần đến những ngày Tết, ngoài công việc cơ quan bận đến mức bù đầu, tôi vẫn phải lo sắm sửa Tết cho cả gia đình nhà chồng. Bố mẹ chồng của tôi cũng là viên chức nhà nước nên không có thời gian rảnh như bố mẹ đẻ mình. Hết việc cơ quan, tôi lo sắm đủ thứ, từ lọ nước mắm, gói mì chính, cho tới những đồ bánh kẹo, cúng lễ, quà biếu bên nội, bên ngoại.

Tết bề bộn của nàng dâu mới - 1

Chỉ mẹ là người hiểu tôi nhất, chăm lo và quan tâm tới tôi nhiều nhất (Ảnh minh họa)

Nhiều lúc tủi thân phát khóc bởi phải lo quá nhiều công việc, lại là dâu mới nên cái gì tôi cũng phải gọi điện hỏi mẹ đẻ. Mẹ tôi động viên: “Làm được việc gì thì làm con ạ. Sức khỏe vẫn phải là hàng đầu. Nếu mẹ làm được gì thì mẹ giúp cho bớt vất vả”. Những lúc như vậy, tôi lại thấy thương mẹ và có lỗi với mẹ bởi khi còn ở nhà, tôi đã không biết trân trọng những giây phút được gần bên mẹ. Chỉ mẹ là người hiểu tôi nhất, chăm lo và quan tâm tới tôi nhiều nhất.

Nhớ những ngày Tết, mẹ rửa lá dong gói bánh chưng, mẹ làm mứt tết, rồi mẹ lại rửa bát đũa sạch sẽ để chuẩn bị làm cơm ngày Tết, tôi vẫn đang ngủ. Mẹ lo cho con gái mệt mỏi nên ngày Tết để con nghỉ ngơi, không bắt động chân tay vào công việc nào. Chỉ khi về nhà chồng việc gì cũng đến tay, rời khỏi vòng chăm sóc yêu thương của mẹ, con gái mới hiểu rằng mẹ là nhất ở trên đời.

Tan giờ làm, tôi không về nhà vội, tôi chạy xe thẳng về nhà mẹ đẻ. Mẹ vẫn như ngày xưa, ngồi ở bếp nhặt rau, nấu cơm bữa tối cho cả gia đình. Tôi lặng nhìn dáng mẹ từ phía đằng xa, vẫn cái dáng người nhỏ bé ấy nhưng thấy mẹ đã già đi nhiều. Khi ở với mẹ, tôi không mấy khi quan tâm đến mẹ như thế nào. Nhưng từ ngày lấy chồng, tôi mới bắt đầu để ý đến mái tóc đã pha sương  một nửa, đôi tay đã không còn mịn màng của mẹ.

Cái Tết đầu tiên con gái phải xa nhà, cũng là cái Tết đầu tiên đánh dấu sự trưởng thành của một nàng dâu mới bước về nhà chồng. Có trải qua sự vất vả trong cuộc sống, tôi mới thấy thương mẹ đến nhường nào!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lệ Thu ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN