Tân sinh viên và những cạm bẫy đa cấp, lừa đảo
Nhiều bạn bị lừa kiếm việc làm rơi vào đường dây vay tiền lãi suất cao để kinh doanh đa cấp.
Lừa đảo, trộm cắp
Hoàng Trung Quân, quê Hà Tĩnh (sinh viên năm nhất Trường ĐH KHTN Hà Nội) cho biết, cách đây ít ngày từng bị rơi vào bẫy lừa tìm phòng trọ. Để tìm thuê phòng giá rẻ, gần điểm trường, Quân gọi tới số điện thoại quảng cáo trên mạng. Hẹn gặp, người đăng tin bảo nộp 500 nghìn đồng rồi mới chở đến thuê phòng, ưng thì ở, không trả lại tiền. Nộp tiền, Quân và bạn được dẫn đi xem một nhà trọ ở ngõ 336 Nguyễn Trãi. Song, giá quá cao, Quân không thuê. Lừa lúc vào xem phòng, người môi giới cũng mất tăm, gọi không nghe máy.
Nguyễn Thị Hoài, sinh viên trường Đại học KHXH&NV Hà Nội ra trường muộn vì dính bẫy đa cấp (Trong ảnh: Hoài làm đêm ở quán bi-a lấy tiền trả nợ). Ảnh: Quang Lộc.
Cũng là sinh viên năm nhất, Nguyễn Thị Hoa (quê Vĩnh Phúc, sinh viên Trường ĐH Hà Nội) chân ướt, chân ráo vừa thuê được một phòng trọ cấp 4 lụp xụp gần chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội). Vừa ở 2 ngày, máy tính xách tay giá hơn 10 triệu đồng “không cánh mà bay”.
Hoa kể: “Trộm phá khóa vào lấy cắp máy tính, điện thoại và cả ví tiền. Xóm trọ hôm đó không chỉ mình mà những bạn phòng bên cũng bị phá khóa và mất máy tính, điện thoại. Giờ mới biết khu trọ này giá rẻ hơn chỗ khác vì an ninh kém trong khi lúc đầu quảng cáo cho thuê họ bảo ở đây an ninh rất tốt”.
Cạm bẫy đa cấp
Đến hẹn lại lên, các trường ĐH, CĐ khai giảng năm học mới, những đường dây lừa đảo, tìm mọi cách dẫn dắt tân sinh viên tới các hiệu cầm đồ, vay tiền lãi suất cao để đầu tư kinh doanh đa cấp. Hậu quả là sau khi sập bẫy, để lấy lại tiền, không ít sinh viên buộc phải tiếp tục đi dụ người khác thế chỗ, trở thành kẻ tiếp tay cho các công ty đa cấp.
Trần Thị Ngà, quê ở Thái Nguyên (sinh viên năm nhất Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) là một trường hợp được “chào mời” đến “tìm việc làm thêm thu nhập cao” tại một công ty trên đường Cầu Giấy. Tại đây, các nhân viên tư vấn thuyết phục, Ngà vui mừng.
“Khi công ty yêu cầu nộp tiền đặt cọc, không có tiền mình được một chị ở công ty bày cách cầm thẻ sinh viên. May là hôm đó không mang theo thẻ sinh viên và chứng minh thư. Chị ở công ty chở mình về lấy và luôn dặn dò phải giữ bí mật việc vay tiền, tuyệt đối không được cho bố mẹ, người thân, bạn bè biết. May về phòng lấy giấy tờ, chị bạn ở cùng khuyên can và chỉ cho mình đó là lừa đảo đa cấp nên không bị lừa”, Ngà nói.
Nguyễn Thị Hoài, sinh viên trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cũng từng là nạn nhân của bán hàng đa cấp. Lẽ ra, Hoài đã tốt nghiệp ĐH từ hai năm trước, nhưng vì dính vào đa cấp nên bây giờ mới tốt nghiệp.
Câu chuyện xảy ra đã lâu, nhưng với Hoài như vừa mới hôm qua. Không có tiền, Hoài được người của công ty đem đến hiệu cầm đồ cắm thẻ sinh viên, CMND vay 18 triệu đồng. Làm việc được 10 ngày cô mới biết đang làm cho một mạng đa cấp.
“Thời gian đó, ngày nào mình cũng khóc. Vì áp lực nên không có thời gian để học. Đang học giỏi xuống yếu. Những đối tượng cầm đồ suốt ngày gọi điện đe dọa. Nhiều lúc cảm thấy rất bế tắc”, Hoài kể.
Số tiền cầm cố từ 18 triệu đồng đã “lãi mẹ đẻ lãi con” thành 27 triệu đồng. Cô phải bỏ học làm thêm ở quán bi-a thâu đêm. Sau đó, Hoài sang Bắc Ninh làm công nhân. Để nhận mức lương 6 triệu đồng/tháng, Hoài phải làm việc ngày 12 tiếng. Bị bệnh tim từ nhỏ nên Hoài nhiều lần ngất khi đang làm việc.
Hoài cho biết, khi tham gia bán hàng đa cấp cô từng chứng kiến các sinh viên nữ thường phải cầm CMND, thẻ sinh viên để vay nặng lãi nên phải gánh nợ lên tới 50-60 triệu đồng.
Qua tìm hiểu của phóng viên, việc lôi kéo sinh viên tham gia kinh doanh đa cấp hiện biến tướng dưới nhiều hình thức như núp bóng các thông tin quảng cáo việc làm, tuyển nhân viên... trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các tờ rơi quảng cáo dán xung quanh các trường đại học.
PGS.TS Trần Thu Hương, Phó Chủ nhiệm khoa Tâm lý, Đại học KHXH&NV Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyên các bạn trẻ nên tỉnh táo khi chọn việc để không bị sập bẫy các công ty bán hàng đa cấp. “Khi các bạn trẻ được tham gia hội nghị, hội thảo của công ty đa cấp, họ sẽ vào một trung tâm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không được sử dụng điện thoại, nên các bạn không có thông tin từ bên trong đến bên ngoài.
Thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin và bị mê hoặc với những giấc mộng làm giàu, xong buổi họp cảm thấy như mình đã tìm ra con đường đổi đời, từ đó quyết định ký kết, cầm cố giấy tờ để kinh doanh”, PGS.TS Trần Thu Hương nói.