Tân sinh viên gian nan tìm nhà trọ trong “bão” giá

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Khác hẳn với đợt thi THPT Quốc gia vừa qua, đối với các tân sinh viên niềm vui đỗ đại học “ngắn chẳng tày gang”, sau ngày nhập học là những ngày tự đi tìm nhà trọ gian nan, chịu cảnh bị “chặt chém”, nâng giá nhà trọ. Thậm chí, không ít tân sinh viên đã phải mất tiền oan cho “cò” nhà trọ.

Nhà trọ - cú sốc đối với tân sinh viên

Vừa trúng tuyển sau đợt xét tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng bổ sung vừa qua, nhiều tân sinh viên từ các vùng quê khác nhau về Hà Nội làm thủ tục nhập học, chuẩn bị cho việc học tập lâu dài tại trường ĐH, đã phải nháo nhác đi tìm phòng trọ. Không giống như “giấc mơ hồng” lúc đi thi trước đó, được các anh chị sinh viên tiếp sức mùa thi, lo chỗ ăn, chỗ ngủ, đưa đón đi thi. Các tân sinh viên chỉ một số ít (thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo) được vào các khu ký túc xá của trường, đa phần phải tự tìm nơi ăn, chốn ngủ phục vụ chuyện học hành.

Rời quê lên Hà Nội nhập học, tân sinh viên Tuấn Anh (quê ở Kim Sơn, Ninh Bình) vừa mới trúng tuyển vào Học viện Tài chính cảm thấy gian nan trong việc tìm một chỗ trọ, bởi nơi nào phòng trọ cũng chật hẹp, giá đắt.

Tuấn Anh chia sẻ: "Hôm đến trường làm thủ tục nhập học, các bạn chỉ xoay quanh chuyện tìm phòng trọ ở đâu, giá cả ra sao thôi. Em và một số bạn cũng thống nhất đi tìm chỗ trọ, ở cùng nhau cho rẻ. Dù mục tiêu đề ra là gần trường, gần bến xe buýt, nhưng khi đi tìm thì thấy những nơi đó giá phòng rất cao”.

Tân sinh viên gian nan tìm nhà trọ trong “bão” giá - 1

Tân sinh viên Tuấn Anh (quê ở Kim Sơn, Ninh Bình) đã phải chấp nhận thuê trọ ở khu gần đường tàu, chợ nhưng giá lại không hề rẻ. Khu vực dành cho quảng cáo ở đường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có nhiều tờ dán cho thuê nhà trọ sinh viên, nhưng đa số là của “cò” nhằm lừa gạt sinh viên (ảnh nhỏ). Ảnh: Q.Anh

“Cuối cùng, em và một bạn nữa chấp nhận thuê một phòng ở khu đường tàu (thuộc thôn Trù, xã Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm). Nơi này dù khá ồn ào, tấp nập cảnh chợ tạm, an ninh phức tạp nên giá phòng trọ “mềm” hơn các khu khác. Nói là “mềm” chứ thực ra cũng vẫn đắt. Em ở hai người, mỗi tháng tiền phòng là 1,3 triệu đồng, nếu ở thêm người nữa thì chủ nhà tính thêm 200.000 đồng. Dãy trọ này có khoảng 10 phòng, mỗi phòng chỉ rộng khoảng 9m2. Nhà tắm, nhà vệ sinh dùng chung cho cả khu. Ngoài tiền phòng, chủ nhà tính thêm 80.000đồng/người tiền nước, tiền điện 4.000đồng/số. Nếu dùng Internet thì phải đóng 100.000đồng/người”, Tuấn Anh chia sẻ.

Không chỉ riêng Tuấn Anh, nhiều tân sinh viên cũng cùng chung cảnh ngộ. Tân sinh viên Nguyễn Thu Hà (ở Nam Trực, Nam Định) vừa mới thi đỗ ĐH Kinh tế Quốc dân và rất vất vả để tìm nơi ở trọ. Hà cho biết: “Thời gian em đi thi do nhiều anh chị vừa ra trường nên vẫn còn phòng, giá rẻ hơn, còn giờ khu vực quanh trường nhà trọ đều tăng giá, mà cũng khó tìm do đã kín phòng. Em đành phải qua  trọ ở chỗ Định Công (quận Hoàng Mai) ở khu vực ven sông, nước đen ngòm, hôi thối. Giá phòng 1,5 triệu đồng/3 người, điện 4.500 đồng/số, nước 60.000 đồng/người. Cũng phải chấp nhận vì chỗ này nhà trọ rẻ hơn chỗ khác”.

Trả 50.000đồng/lần xem nhà

Theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH, phòng trọ quanh các trường đại học ở Hà Nội thời điểm hiện tại có giá thuê rất cao. Tại các khu vực các quận: Đống Đa (gần trường ĐH Y Hà Nội, Học viện Ngân hàng, ĐH Công Đoàn, ĐH Thủy Lợi), Cầu Giấy (gần ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thương mại), Hai Bà Trưng (gần ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng), Thanh Xuân (gần ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Kiến trúc, ĐH Hà Nội),… phòng trọ có diện tích từ 8 - 10m2 giá cho thuê từ 1,2 đến 1,8 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước và các khoản phí khác. Mức giá này so với năm ngoái đã tăng khoảng 200.000đồng/phòng.

Cũng theo ghi nhận tại nhiều xóm trọ, nhiều chủ trọ viện cớ lý do điện, nước mới tăng giá nên đã thông báo tăng giá nước thu mỗi người 60.000 - 80.000 đồng/tháng (mặc dù chủ yếu dùng nước giếng khoan). Tiền điện hiện nay được áp dụng với giá “cắt cổ” từ 4.000 - 5.500 đồng/số. Dù đóng tiền phòng giá cao, nhưng một số chủ trọ còn có thêm các loại phí như: Trông xe, vệ sinh, Internet, truyền hình cáp…

Các chủ trọ cũng luôn yêu cầu tân sinh viên phải đóng tiền nhà trước 3 tháng, đồng thời kèm một số “nội quy nhà trọ” nghiêm ngặt, kèm theo các mức phạt tiền. Thậm chí, có nơi sinh viên phải đóng thêm 20.000đồng/ngày tiền sử dụng nước với trường hợp người quen tới ngủ qua đêm.

Những sinh viên đi thuê nhà, hầu hết đều lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội hoặc lần đầu tự đi tìm nhà trọ nên chuyện bị chủ nhà trọ bắt chẹt, nâng giá diễn ra khá phổ biến.

Tân sinh viên Nguyễn Đức Anh (ĐH Công Đoàn Hà Nội) chia sẻ về lần bị thuê nhà giá cao: “Hôm rồi, em và bạn đi tìm nhà trọ, được một bác trong ngõ Khương Thượng (quận Đống Đa) giới thiệu vào khu nhà trọ của bác ấy, ở cùng với hai anh sinh viên. Bác ấy còn bảo dịp này nhà trọ tăng giá theo ngày, không nhanh là không có chỗ ở… Lo quá nên em đồng ý đóng tiền nhà 3 tháng, 3 đứa vị chi mỗi người 1,6 triệu đồng. Trong khi mấy dãy sâu vào bên trong một chút chỉ 1,5 triệu đồng/phòng một tháng”.

Trong vai sinh viên đi thuê nhà, phóng viên đã gặp phải biết bao tình huống éo le khi gặp phải các “cò” nhà trọ. Tới đường Khương Trung (quận Thanh Xuân) xem tấm biển thông tin quảng cáo dán chi chít thông báo cho thuê nhà trọ, tìm người ở ghép phòng, giá hấp dẫn… Tuy nhiên, khi gọi vào các số máy này, sau phần giới thiệu hết sức “long lanh” về nhà trọ, đầu máy bên kia mặc cả luôn nếu đồng ý dẫn đi xem phòng thì mất 50.000đồng, nếu thuê được nhà thì mất (trả công) nửa tháng đầu tiền thuê…

Không ít tân sinh viên tiu nghỉu mất tiền oan với “cò” khi trót đồng ý trả phí từ các số gọi từ tờ rao vặt, hàng nước, xe ôm… vì sau khi đi xem mà không thuê được phòng bởi không ưng ý, hoặc giá cả lúc đó đã bị nâng lên.

Mỗi năm các trường ĐH, CĐ đều tăng chỉ tiêu, xây dựng thêm các giảng đường… Tuy nhiên, khu ký túc xá lại khá chật chội, xuống cấp, chỉ đáp ứng một số lượng nhỏ sinh viên của trường. Có rất nhiều trường ĐH, CĐ còn không có ký túc xá, tình trạng  đó đã buộc sinh viên phải đi thuê nhà trong bối cảnh giá nhà trọ ngày càng tăng, chất lượng ở không đảm bảo cho sức khỏe, học tập. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN