Tan cửa nát nhà vì cho em ruột vay tiền 10 năm không trả
Đến giờ, cậu tôi vẫn chẳng mảy may đả động đến khoản nợ đó, thậm chí còn thẳng thèm xin khất nợ hay hẹn ngày trả.
Tiền bạc là một vấn đề khá nhạy cảm, đặc biệt là khi liên quan đến những người thân thiết như bạn bè, người thân, họ hàng… Đã có rất nhiều người rơi vào tình cảnh khóc dở, mếu dở vì cho người thân vay tiền. Không đòi thì thiệt hại về kinh tế, đòi thì mang tiếng, thậm chí còn bị nói chẳng ra gì. Cũng vì những phi vụ mượn tiền này mà mất hết tình nghĩa, lộ ra nhân cách của nhiều người. |
Mất tình anh em chỉ vì cho nhau vay tiền (ảnh minh hoạ)
“Đứng cho vay, quỳ đòi nợ”, bố mẹ tôi đang rơi vào trường hợp này. Gia đình xào xáo lâu nay chỉ vì món nợ 1 cây vàng và 150 triệu đồng bố mẹ cho người thân vay 10 năm trước.
Bố tôi năm nay 56 tuổi, còn mẹ 54. Hai ông bà làm nghề nấu rượu, nuôi lợn, làm nông nghiệp, cả đời tiết kiệm, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, cốt để đủ tiền nuôi 3 đứa con ăn học và dành dụm một khoản phòng lúc ốm đau.
Mẹ tôi kể, hồi mới ra riêng, ông bà chỉ cho bố mẹ đúng 100.000 đồng, một chiếc đồng hồ và một bao thóc. Bố mẹ phải đi vay lãi thêm 1 triệu nữa mua đôi lợn về làm giống. Tôi kể vậy để thấy, bố mẹ đã phải vất vả thế nào mới có của ăn, của để, có tiền cho thiên hạ vay như bây giờ.
10 năm trước, bố mẹ tôi cho cậu ruột (em trai ruột của mẹ) vay một cây vàng, không lãi. Vàng hồi đó mới 500.000 nghìn đồng/lượng nhưng đã được xem là tài sản lớn. Cậu vừa lấy vợ, muốn mượn bố mẹ tôi chút tiền lấy vốn làm ăn. Bố mẹ chẳng mảy may tính toán, liền đồng ý, thậm chí còn xuề xoà: “Vàng này anh chị chưa cần đến, cậu cứ cầm khi nào có thì trả”.
2 năm sau đó, cậu tôi mua ô tô 5 tấn, buôn lợn qua biên giới nên tiếp tục hỏi mượn bố mẹ tôi 150 triệu đồng. Người nhà quê quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, lấy đâu ra số tiền lớn thế. Bố mẹ tôi thương cậu đang làm ăn vào cầu, cần mở rộng quy mô nên cắm cả sổ đỏ, vay ngân hàng giúp cậu khoản tiền đó.
Ngay cả lúc làm việc lớn như cưới vợ cho con, xây nhà, bố mẹ tôi vẫn không đòi được nợ (ảnh minh hoạ)
Tôi vẫn nhớ buổi tối hôm ấy, cả nhà bàn chuyện căng thẳng, lúc xong xuôi cậu rối rít cảm ơn: “Anh chị giúp em đận này, cả đời em không dám quên”.
Thế mà cậu quên thật. Chưa nói đến 1 cây vàng hay số tiền gốc 150 triệu đồng mà ngay cả tiền lãi ngân hàng vài triệu đồng/năm cậu cũng chỉ trả đúng 2 lần. Bố mẹ tôi gom góp suốt 3 năm, tiết kiệm được 150 triệu đồng, vội đem trả ngân hàng, lấy sổ đỏ về để đỡ phải gánh lãi. Còn số tiền vàng cậu nợ bố mẹ tôi thì bao năm vẫn vậy.
Trong 10 năm đó, nhìn cách làm ăn của cậu mà bố mẹ tôi run người. Bắt đầu từ việc vợ ngoại tình, cậu đâm ra chán nản, bỏ bê việc buôn bán. Chiếc ô tô 5 tấn chẳng mấy chốc cũng phải bán đổ bán tháo lấy tiền trả các mối nợ khác.
Rồi đến lượt cậu ngoại tình để trả thù vợ. Gia đình tan nát, căn nhà ọp ẹp bao nhiêu năm chưa sang sửa, con cái bị bỏ bê, cậu mợ ruộng không làm, trâu, bò, lợn, gà không nuôi, chỉ buôn mấy sọt hoa quả kiếm tiền ăn qua ngày. Cậu sa đoạ như thế, thử hỏi lấy tiền đâu ra trả nợ?
Rồi cũng đến lúc bố mẹ tôi phải lo việc lớn, là lúc anh trai tôi lấy vợ, tôi lấy chồng. Bố mẹ tôi vốn tính cả nể, sợ mất lòng anh em nên rón rén mãi mới dám lên nhà đòi nợ cậu. Bố tôi bàn với mẹ: “Thôi, trước mắt cứ lấy 1 cây vàng đã, tiền tính sau”. Nhưng ở đời, cho vay thì dễ, đòi nợ khó muôn phần. Cậu kể ra đủ nỗi khó khăn, nói bây giờ tiền ăn chưa đủ, lấy đâu ra 1 cây vàng trả anh chị. Cậu còn hứa lên hứa xuống, sau đợt này nhất định bỏ thói trăng hoa, vợ chồng cùng nhau làm ăn kiếm tiền trả nợ.
Bố mẹ dằn vặt nhau chỉ vì không đòi được nợ (ảnh minh hoạ)
Bố mẹ tôi hỏi nợ đôi lần không được cũng cắn răng rút tiền ở ngân hàng về lo chuyện cưới xin cho con cái. Cho đến cách đây 1 năm, khi bố mẹ tôi quyết định đập nhà xây lại, thì chuyện chủ nợ - con nợ mới càng căng thẳng.
Bố bảo mẹ: “Đợt này tôi không nể nang gì cậu mợ nữa. Bà cũng liệu bảo cậu thu xếp, không thì đừng hòng giữ được tình anh em. Tiền vàng tôi đổ mồ hôi, sôi nước mắt bao năm mới cóp được, tính quỵt à?”. Mẹ tôi biết lần này bố tức giận thật rồi nên khổ tâm lắm. Chỉ sợ trong lúc nóng giận, anh em đánh chửi nhau.
Mẹ len lén lên nhà cậu đòi tiền một mình, nhờ bà ngoại nói thêm vào để cậu gắng thu xếp. Nào ngờ, cậu dửng dưng: “Chị xem, giờ em chỉ có mỗi cái xe máy rách và cái nhà sắp đổ này. Anh chị có lấy được thì lấy. Còn nếu muốn em có tiền trả thì chị đến mà khuyên mẹ, sang tên cho em mảnh đất ruộng ven đường, em bán đi trả nợ”. Mẹ tức lắm mà không làm gì được, cũng không dám kể với bố, chỉ sợ ông “nóng mắt” lên. Sau lần đó, mẹ còn lén lút đòi cậu vài lần nữa nhưng đều bị cậu nói cho tức điên người.
Nhưng trước mặt bố tôi thì cậu chỉ thiếu nước quỳ xuống xin khất nợ. Bố tôi bảo: “Cậu thấy đấy, nhà tôi đập ra rồi, không có tiền trả công thợ, mua gạch, xi, sắt là không được. Tôi tích cóp bao năm, cộng thêm số tiền cho cậu mượn 10 năm trước mới gọi là đủ xây nhà. Giờ cậu chây ì không trả thì vợ chồng con cái tôi ở giữa trời à?”.
Cậu van xin, lạy lục: “Em xin anh chị cho em thư thư ít ngày. Mẹ cho em miếng đất ruộng ven đường, em đang rao bán. Bán được em có tiền trả anh chị ngay”. Bố tôi cũng xuôi xuôi.
Nhưng cậu rao bán thế nào mà miếng đất đó cả năm nay vẫn chưa bán được. Bố tôi tiếp tục đòi nợ, lần 1, lần 2 cậu còn nghe điện thoại hoặc ngồi tiếp chuyện nhưng đến những lần sau đó thì cậu tìm cách tránh né, hoặc tỏ vẻ dửng dưng. Có lần cậu cãi lại bố: “Xưa cho tôi vay 1 cây vàng, anh bảo khi nào có thì trả. Vậy mà bây giờ đúng lúc thằng em khó khăn, anh đòi gay đòi gắt thế. Đây nhà đây, xe đây… anh lấy được gì thì lấy”. Nếu không có bà ngoại, chắc hôm đó bố và cậu tôi đánh nhau vỡ đầu.
Thật ra, ở vị trí bố tôi cũng khó, vừa bực tức vì số nợ 10 năm chưa đòi được, vừa không muốn anh em va chạm, bất hoà. Hơn nữa, còn mẹ tôi và bà ngoại ở đó, bố cũng không thể làm căng quá được.
Không làm gì được cậu, bố mẹ tôi quay sang dằn vặt nhau. Bố đay nghiến mẹ: “Bà xem, em trai bà sống thế có ai ngửi được không? Đợi đấy, tôi kiện ra toà làm cho ra nhẽ”. Mẹ không nhịn được cãi lại: “Ngày xưa là ai đồng ý cho cậu vay tiền, vay vàng? Là ông chứ ai, giờ ông quay sang đay nghiến tôi. Ông thích đòi thì lên mà đòi, cãi nhau tam bành cũng được, xem thiên hạ có cười vào mặt cho không?”. Bố mẹ tôi cãi nhau ỏm tỏi rồi giận dỗi nhau cả tuần, rút cuộc, nợ vẫn chưa đòi được.
Đến giờ, cậu tôi vẫn chẳng mảy may đả động đến khoản nợ đó, thậm chí còn chẳng thèm xin khất nợ hay hẹn ngày trả. Bố mẹ tôi biết “bắt đứa có tóc chứ không ai bắt kẻ trọc đầu” nên chẳng còn đòi gắt gao nữa. Nhưng tôi biết bố mẹ rất xót xa trong lòng. 1 cây vàng và 150 triệu đồng là số tiền quá lớn với người cả đời làm nghề nông, giờ chỉ vì cho anh em vay mà mất trắng. Chưa kể, với những xích mích đã qua, tình cảm anh rể, em vợ cũng tan tành.
***
Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" khi cho người thân, bạn bè vay tiền? Hãy gửi những câu chuyện của bạn vào mail Bantrecuocsong@24h.com.vn để cùng chia sẻ cùng chúng tôi.
Nguồn: [Link nguồn]
Đám cưới nơi đây, khách không cần bỏ phong bì vào thùng mừng cưới mà trực tiếp đưa tiền cho chủ nhà.