Tâm sự nghẹn đắng của thiếu nữ 17 tuổi trót sa chân vào con đường nghiện ngập
“Mỗi lần đi uống rượu về là cha lại mắng nhiếc, đánh đập bốn mẹ con. Chán đời nên em dần sa ngã, đua đòi chơi ma túy theo bè bạn”, đó là những chia sẻ xót xa của Lan.
Lê Lan bật khóc nức nở khi trải lòng nói đến người cha bị nghiện rượu, hay đánh đập mẹ con em.
Tuổi thơ đẫm nước mắt
Em Lê Thị Lan (SN 2003), sinh ra và lớn lên tại tỉnh Tuyên Quang có hoàn cảnh rất đáng thương, khiến nhiều người rớt nước mắt. Lan là học viên trẻ tuổi nhất tại cơ sở cai nghiện. Em có gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt đen tròn, long lanh. Lan mới vào cơ sở khoảng 3 tháng, bị công an bắt sau buổi đi “bay” với các bạn.
Ở tuổi này, lẽ ra Lan được cắp sách tới trường, miệt mài chuẩn bị cho kỳ thi đại học nhưng em lại chôn chân nơi đây, bỏ lỡ cuộc sống tươi đẹp ngoài kia. Cuộc đời xô đẩy, không người dìu dắt khiến em u mê lạc lối.
Lan sinh ra trong một gia đình có ba chị em, các chị đều đã lập gia đình. Tuổi thơ em không có tháng ngày vui vẻ bởi sống với người cha nghiện rượu, hết lớp 6 Lan đã phải nghỉ học. Khi thường, cha lầm lì, ít nói. Còn mỗi khi đi uống rượu về, cả bốn mẹ con cắn răng chịu đựng những lời nhiếc móc của cha.
Mỗi lần cha say là em lại bị mắng chửi và đánh đập không thương tiếc. Không chỉ đánh con, cha Lan còn trút những trận đòn khủng khiếp khiến toàn thân mẹ bầm dập, sưng tấy. Cha thường nhiếc móc rằng mẹ em vô tích sự, chỉ sinh được con gái khiến ông xấu hổ với mọi người. Chán đánh vợ, đánh con thì cha vác dao lên đồi chặt hết tất cả ngọn chè.
Cảnh những búp chè xanh mơn mởn bị chém nát là ký ức buồn khiến em bật khóc khi nhớ lại. Mẹ em đứng mếu máo, gào thét vì những búp chè sắp thu hoạch bị rụng nát tả tơi. Nhiều lần, bốn mẹ con phải nhờ hàng xóm, các chú công an ở xã can thiệp. Kinh tế gia đình em khó khăn, mọi chi phí sinh hoạt đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ. Lan thương mẹ nhiều nhưng không biết làm thế nào để giúp mẹ thoát khỏi cảnh bạo hành.
Chán đời, Lan bỏ nhà đi làm ăn xa. Em cảm thấy mình như cái gai nhọn trong mắt cha vậy. Lan rong ruổi khắc các tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, bươn trải đủ thứ nghề kiếm sống. Công việc tay chân vất vả, thù lao chẳng được bao nhiêu càng khiến Lan chán nản, nghĩ quẩn. Thế rồi, qua bạn giới thiệu, em làm nhân viên cho một quán karaoke. Sau đó, em bị công an bắt, đưa tới cơ sở trong một lần “đi bay” cùng đám bạn hư.
Cuộc sống tại cơ sở cai nghiện
Khi mới vào cơ sở cai nghiện, cô bé khá trầm tính, ít nói, không hòa đồng. Em luôn trong trạng thái buồn bã, bất an, hoang mang. 15 ngày cắt cơn đối với em quá kinh khủng nhưng Lan đã mạnh mẽ vượt qua, cai ma túy đá thành công.
Sau 3 tháng, em quen với cuộc sống sinh hoạt và công việc nơi đây. Em nhỏ tuổi nhất nên luôn được các chị chiều chuộng, yêu thương. Mọi chuyện buồn bực mà trước kia không kể được với ai thì giờ đây Lan kể với các chị. Cô bé thấy nhẹ nhõm vì được sẻ chia, được thông cảm, an ủi phần nào.
Hằng ngày, Lan được các cán bộ dạy nghề may, nghề gấp bao bì. Chiều chiều, em tham gia tăng gia sản xuất như: Trồng rau, nuôi gà, nuôi dê, chăm sóc cây cối. Khi công việc đã hoàn thành, em cùng các anh chị chơi bóng chuyền hơi hoặc cầu lông. Đã rất lâu mới được tham gia các hoạt động tập thể nên em tỏ ra phấn khích, hào hứng, vui vẻ.
Sau giờ học nghề may mặc, Lan chăm sóc cây cối tại khuôn viên cơ sở
Lan hào hứng chia sẻ với phóng viên: “Từ ngày em tới đây, em thấy vui nhất là ngày lễ 20/10. Các thầy cô tại cơ sở tổ chức giao lưu văn nghệ, thi nấu cơm. Hôm ấy em và các chị còn được các anh tặng hoa hồng. Đây là lần đầu tiên em nhận được hoa trong ngày lễ tết. Em thấy lâng lâng vui sướng vì cảm thấy bản thân được yêu thương và trân trọng”.
Vì cách xa gia đình nên cứ 2 tháng một lần, mẹ và chị gái lại xuống thăm Lan. Mỗi lần gặp lại mẹ, Lan lại bật khóc, em rối rít xin lỗi vì đã khiến mẹ thêm buồn phiền, thêm lo nghĩ. Lan luôn hỏi thăm thái độ, tâm trạng của cha. Sau cơn bực tức, giận dỗi cha, em khao khát được cha yêu thương, che chở.
Lan mong muốn cha sẽ tới cơ sở thăm em, để cảm nhận được tình yêu thương cha dành cho em.
“Mong ước lớn nhất của em là cha cai hẳn rượu, đừng chửi bới, đánh đập mẹ nữa bởi mẹ đã khổ quá rồi. Và ước gì, trong những ngày tháng ở đây, có một lần cha tới thăm em. Đã rất lâu rồi hai cha con không nói chuyện với nhau. Giờ được gặp lại cha, em sẽ vô cùng hạnh phúc”, Lan chia sẻ.
Nói về những dự định tương lai, cô bé Lê Lan hào hứng chia sẻ, sau khi rời cơ sở cai nghiện, em sẽ về quê sống gần mẹ cha. Em sẽ vay mượn ngân hàng để đi học nghề spa, nghề làm nail mong sớm ổn định cuộc sống, có nguồn thu nhập phụ giúp mẹ. Nhìn đôi mắt sáng lấp lánh, nét mặt cương nghị, tôi tin cô bé sẽ đạt được ước muốn của mình.
Cô bé Lê Lan mới tròn 17 tuổi, em còn quá trẻ với nhiều ước mơ, khát vọng cần thực hiện. Mong rằng sau những vấp ngã, những thương tổn đầu đời, Lan sẽ kiên cường đứng lên và vững bước. Sau cánh cổng của cơ sở là một trang mới, hứa hẹn một cuộc sống sum vầy, hạnh phúc, ý nghĩa.
Ông Khuất Trung Kiên, Trưởng phòng Giáo dục hòa nhập (Cơ sở cai nghiện số 2 Hà Nội) cho biết: “Học viên Lê Thị Lan là người trẻ tuổi nhất ở cơ sở. Em rất ngoan ngoãn, lễ phép với các thầy cô và anh chị. Nếu tiếp tục cải tạo tốt, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy như hiện nay thì Lan sẽ sớm được hòa nhập với xã hội. Lan tuy nhỏ tuổi nhưng chăm chỉ, cần mẫn, nghiêm túc với công việc được giao phó”.
Nguồn: [Link nguồn]
Tôi bỏ nhà đi biền biệt, tôi sống lang bạt đủ mọi nơi. Sau những tháng ngày sống buông thả, trong một trận ốm...