Tâm sự day dứt của bà mẹ có con trầm cảm, tay chằng chịt vết dao cứa
Có lúc nhìn con đờ đẫn, vật lộn trong đau khổ, tôi không kiềm chế được mà ôm lấy con, gào khóc đau đớn.
Tôi day dứt, dằn vặt bản thân khi con gái bị trầm cảm (ảnh minh họa)
Con gái lớn của tôi vừa bước sang tuổi 15. Cháu bị trầm cảm. Tôi phát hiện ra sự thay đổi của con gần 1 năm nay và cho cháu điều trị bằng thuốc được 4 tháng.
Con vốn là đứa con gái vui vẻ. Từ nhỏ, do được mẹ rèn luyện bằng kỷ luật thép nên con ngoan, tự lập, lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho. Có điều, con khá ít bạn bè. Khi tôi hỏi thì con đáp: “Con muốn chơi với ai là việc của con, phải hợp nhau mới chơi được chứ!”.
Đầu năm 2023, tôi bắt đầu phát hiện ra những thay đổi ở con. Con ít trò chuyện với mẹ hơn, đi học về thường vào phòng đóng cửa. Có những lúc tôi đột ngột mở cửa vào, thấy con ngồi thừ ra trước màn hình máy tính mà không nhận ra sự xuất hiện của mẹ.
Lo lắng con áp lực về chuyện học hành, tôi thường gợi ý để con tâm sự nhưng con không nói. Tôi liên hệ với giáo viên của con thì được biết, trên lớp biểu hiện của con rất bình thường.
Cho đến một ngày, tôi phát hiện ra tay con có vài vết sẹo dài, tôi mới biết sự việc nghiêm trọng đến mức nào. Con tôi bị trầm cảm, chính con cũng không biết nguyên nhân vì sao.
Con không mở lòng tâm sự với mẹ nên tôi càng rối. Trong một vài buổi cùng con đến gặp bác sĩ điều trị tâm lý, tôi nghe thấy con trải lòng rằng, con cảm thấy cuộc đời trống rỗng, luôn thấy mình xấu xa, vô duyên, thấy sự tồn tại của mình là vô lý, là gánh nặng của người khác.
Con chỉ tiếp nhận 3 buổi điều trị, sau đó nhất định từ chối. Hiện tại, con vẫn uống thuốc đều đặn nhưng tôi biết, bệnh của con không hề thuyên giảm. Thi thoảng không kiềm chế được cảm xúc buồn chán, con vẫn dùng dao lam, dao rọc giấy cứa tay chảy máu.
Gần đây nhất, con tự nhốt mình trong nhà tắm và nhắn tin cho tôi thế này: “Con xin lỗi! Giá như con chưa từng tồn tại. Giá như con không phải là con của mẹ thì tốt biết mấy. Mẹ sẽ không phải khổ sở vì con như bây giờ.
Con ghét bản thân mình, ghét mọi thứ liên quan đến mình. Bạn bè cũng ghét con, nói con là đứa xấu tính, vô duyên. Con cũng nhận thấy mình chính là một người như thế. Chính vì con như thế nên mẹ mới đau khổ.
Con đã làm mọi cách, lao vào học, mua quần áo mới, thậm chí là xỏ khuyên tai chỉ để vui vẻ hơn nhưng con không thể vui nổi. Con vẫn khóc mỗi khi đến lớp, những lúc ở nhà một mình và lúc chìm vào giấc ngủ. Con biết, bố mẹ đã cố gắng rất nhiều vì con. Con xin lỗi”.
Cũng có lúc nhìn con đờ đẫn, vật lộn trong đau khổ, tôi không kiềm chế được mà ôm lấy con, gào khóc đau đớn. Tôi nói rằng: “Con đừng hành hạ mình nữa. Con cắt vào tay con là cứa vào lòng mẹ. Con như vậy mẹ sống làm sao? Mẹ phải làm thế nào con mới vui vẻ, hạnh phúc”.
Rồi tôi tự đổ lỗi cho mình, đổ lỗi cho những kỷ luật thép kia đã khiến con áp lực và mang bệnh. Tôi không biết mình làm thế là đúng hay sai. Sự đau khổ của tôi có ảnh hưởng tiêu cực đến con?
Xin hãy cho tôi lời khuyên!
Tư vấn của chuyên gia tâm lý:
Chào mẹ! Trầm cảm là một dạng biến động tâm lý có nhiều nguyên nhân. Khi mắc chứng trầm cảm, người bệnh khó kiểm soát cảm xúc cá nhân, có nhiều suy nghĩ tiêu cực và hành vi bất thường. Trầm cảm là biến động tâm lý nên dễ lây lan. Khi sống cạnh một người bị trầm cảm, mẹ sẽ liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực. Đôi khi, mẹ nói chuyện với một người cách xa cả ngàn cây số nhưng vẫn cảm nhận được cảm xúc tiêu cực của họ và bị ảnh hưởng. Vì thế, khi chăm sóc con bị trầm cảm, mẹ cảm thấy bất an và lo lắng là điều đương nhiên. Để giúp đỡ con, mẹ cần làm những việc như sau: - Mẹ nên đưa con đi du lịch. Thay đổi môi trường sẽ giúp con có cảm giác tươi mới, thoải mái và giúp bạn ấy ngay lập tức thấy dễ chịu hơn. Du lịch cũng giúp hai mẹ con tăng sự gắn kết, dễ dàng trò chuyện, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ để giúp con quên đi những khó khăn hiện tại. - Mẹ nên giúp con thay đổi môi trường sống. Sơn lại nhà, bố trí lại đồ đạc, chuyển trường, thay đổi lịch sinh hoạt… Mọi việc đều có thể giúp con ổn định tâm lý. Nếu mẹ thuê thợ làm trong lúc hai mẹ con đi du lịch, dành cho con một bất ngờ thì hiệu quả càng cao. - Phương pháp tốt nhất và hiệu quả nhất là tìm nguyên nhân của sự bất ổn tâm lý này. Khi đó, chúng ta xử lý dứt điểm nguyên nhân đó thì tình trạng trầm cảm sẽ chấm dứt. Mẹ cố gắng đừng để con rơi vào tình trạng cũ. Với một người từng bị trầm cảm, cứ gặp phải đúng nguyên nhân cũ thì bệnh sẽ tái phát. Do vậy, mẹ cần lưu ý hỗ trợ người bệnh tránh xa các nguyên nhân trầm cảm của riêng họ. Chúc hai mẹ con bình an! |
Nguồn: [Link nguồn]
Một bà mẹ đã vô cùng tức giận khi cuộc cãi vã giữa các con khiến phanh tay của chiếc ô tô mới toanh của cô bị bung ra và gây tai nạn.