Tâm sự của gái ế bị ám ảnh bởi câu "bao giờ lấy chồng"
Những câu hỏi “Bao giờ lấy chồng?”, "Đã có anh nào chưa?"… khiến đầu tôi như muốn nổ tung.
Nếu như nàng dâu Tây sợ phải ăn Tết với mẹ chồng khó tính thì những cô gái độc thân, được liệt vào danh sách “gái ế" như tôi còn sợ Tết hơn, bởi gặp ai cũng bị hỏi câu: “Bao giờ lấy chồng”.
Đi làm cách nhà vài chục cây số nhưng phải vài tháng tôi mới dám về quê vì sợ bị thúc giục lấy chồng. Từ khi bước sang tuổi 29 thì mức độ thúc giục chuyện chồng càng gấp gáp hơn. Ở quê, ở cái tuổi của tôi nhiều người đã một nách hai đứa còn tôi vẫn đứng bóng.
Từ khi bước sang tuổi 29 thì mức độ thúc giục chuyện chồng càng gấp gáp hơn (Ảnh minh họa)
Mẹ bảo tôi lận đận đường tình duyên, phải đi cắt duyên âm nhưng tôi một mực phản đối. Chẳng là tôi từng yêu vài người nhưng không đến được với ai. Giáp Tết năm ngoái, tôi đã hứa hẹn với gia đình sẽ đưa bạch mã hoàng tử về, bố mẹ tôi mừng ra mặt, ngày nào cũng điện thoại hỏi thăm xem bao giờ được “diện kiến” chàng rể tương lai. Nhưng gần đến ngày về chàng lại chạy làng vì bố mẹ không đồng ý với lý do chúng tôi không hợp tuổi.
Tôi bẽ bàng, đau khổ, Tết năm đó tôi nhốt mình trong phòng không dám gặp mặt ai, họp lớp cấp 3 tôi lấy lý do ốm vì sợ bạn bè hỏi: “Bao giờ bà cô cho chúng tôi uống rượu”. Tôi nhớ nhất khuôn mặt thất vọng của bố mẹ khi tôi thông báo sẽ về một mình. Tôi đón Tết trong sự buồn chán, mấy cô em họ thì thường xuyên nói bóng gió về chuyện yêu đương của tôi, còn bố mẹ tự đặt cho mình nhiệm vụ kiếm gấp chồng cho con gái.
“Ác mộng” nhất chính là ngày mùng 2 Tết họp mặt đại gia đình, những cô em họ ít tuổi nhưng tốt số lấy chồng con bồng con bế lại được thể lên mặt. Còn cô, dì, chú, bác đưa ra hàng loạt câu hỏi như tra tấn khiến tôi có cảm giác như chồng là một cái tội.
Bố mẹ tôi nhờ bà mối giới thiệu cho tôi một anh chàng kỹ sư hơn tôi 2 tuổi. Nhưng khổ nỗi, gặp nhau nói chuyện đôi ba lần chúng tôi tự hiểu mức độ quan hệ chỉ dừng ở tình bạn, khó có thể tiến xa hơn được nữa. Bố mẹ tôi không hiểu chuyện cho rằng tôi gây sự để không phải lấy chồng.
Năm nay, áp lực càng lớn hơn khi đến giờ tôi vẫn đi về lẻ bóng, lần nào về quê cũng bị dồn ép bởi những câu hỏi: “Bao giờ lấy chồng?”, "Đã có anh nào chưa?"…khiến đầu tôi như muốn nổ tung.
Và lại một cái Tết khiến tôi mất ăn mất ngủ vì không có người yêu dẫn về giới thiệu với họ hàng. Quả thực, không phải vì tôi không lấy chồng mà vì cái duyên chưa đến. Hơn hết, chồng con là chuyện trọng đại cả đời làm sao có thể nhắm mắt cho qua được.
Bị ép quá, tôi tuyên bố năm nay sẽ không về ăn Tết, đi chơi xa một chuyến thì bố mẹ tôi thẳng thừng sẽ từ mặt nếu Tết tôi không có mặt ở nhà.
Không ít lần tôi tự hỏi, tại sao tôi lại không được quyền quyết định hạnh phúc của mình chứ. Tôi chỉ mong muốn rằng, người lớn đừng dùng câu: "Bao giờ lấy chồng" để những cô gái "quá lứa lỡ thì" như tôi không phải mang nỗi sợ về quê ăn Tết.