Tại sao lại ghen tỵ với “cha đẻ” của Flappy Bird?
29 tuổi, Nguyễn Hà Đông kiếm hàng tỷ đồng mỗi ngày, được các trang tin hàng đầu thế giới săn đón, trở thành một hiện tượng của internet.
Trong những ngày sau Tết, có lẽ đề tài mà được giới công nghệ và game, cũng như các bạn trẻ chúng ta nhắc đến nhiều nhất chính là trò chơi Flappy Bird. Đây là một game được hàng loạt các trang báo nổi tiếng như: CNN, Fobes, Techcrunch, Reuters… săn đón và đưa tin. Một trò chơi thống trị bảng xếp hạng Top Free của cả hai cổng game lớn dành cho smartphone là Appstore và Google Play – một điều được coi là khó hơn trúng độc đắc đối với các nhà làm game. Và điều này đã được một lập trình viên 29 tuổi sống tại Hà Nội thực hiện, anh tên là Nguyễn Hà Đông.
Nguyễn Hà Đông đã từng đạt giải 3 giải lập trình game cho di động Mobilab 2008
Do Flappy Bird là một game đơn giản đến triệt để, tuân theo đúng nguyên tắc: “đơn giản để chơi nhưng rất khó để giỏi” nên bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm và đánh giá nó. Khi chơi xong, sẽ có sự khen, chê, ủng hộ, tẩy chay… và tất nhiên, còn có cả sự ghen tỵ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chê bai áp đảo của cộng đồng mạng về "cha đẻ" của Flappy Bird thì những người am hiểu game lại có cái nhìn khá nhẹ nhàng: "Game chẳng có gì đặc sắc cả, mình vừa cài vào rồi gỡ luôn, chả hiểu có gì hay mà đâm đầu vào” hay “Game giống hệt như một màn trong Mario, không biết có dùng thủ thuật gì không?”...
Flappy Bird nằm vị trí số 1 cho tới khi chính tác giả Nguyễn Hà Đông gỡ xuống vì áp lực cá nhân.
Không chỉ các bạn làm kinh doanh, dân học kinh tế, ngân hàng mà đối với tất cả mọi người đang đi làm công ăn lương khác thì con số hơn 50.000 USD (khoảng 1 tỷ đồng) doanh thu mà Đông bỏ túi mỗi ngày là một con số đáng để mọi người mơ ước.
“Đến trúng giải xổ số độc đắc tại Việt Nam cũng chỉ mang về được 5 tỷ đồng, trong khi game Flappy Bird đã nằm top mấy tuần liền rồi, anh Đông thành triệu phú dollar rồi”. – một bình luận của thành viên trên group của sinh viên kinh tế phải thốt lên.
Và ngay chính tác giả khi được hỏi về thành công của Flappy Bird cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, phần nhiều thành công này là do may mắn và game được anh viết chỉ trong 3 ngày, chi phí bỏ ra cho nó là con số 0. Và chuỗi số: 0 đồng, 3 ngày, 50.000 USD trên chạy qua khắp các diễn đàn, facebook, ảnh chế… cho đến khi xuất hiện thông tin về việc có sự giống nhau trong hình ảnh, lối chơi và âm thanh của Flappy Bird với trò chơi nổi tiếng Mario của Nintendo.
Cứ tưởng như sự ghen tỵ của cộng đồng mạng lúc này mới bùng phát thực sự, tuy nhiên, những người am hiểu về game đã bày tỏ sự ủng hộ, thông cảm với tác giả Nguyễn Hà Đông.
Một thành viên bình luận hóm hỉnh về việc nghi án sao chép giữa ống cống của Mario và Flappy Bird.
Cho đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Hà Đông đã gỡ bỏ sản phẩm Flappy Bird vì lý do không chịu được áp lực về đời sống riêng tư và gia đình bị nhòm ngó. Lúc này, một bộ phận cư dân mạng lại quay ra chê anh "bản lĩnh kém" nhưng bên cạnh đó, có rất nhiều người tỏ ra cảm thông và ủng hộ hành động của anh. Đã có nhiều nhà báo, đàn anh trưởng thành dành thời gian để phân tích, chia sẻ và kêu gọi mọi người hãy biết nhìn xa trông rộng và ủng hộ cho Hà Đông.
Rất nhiều sự ủng hộ và cảm thông cho Nguyễn Hà Đông
Sau đúng 22 tiếng công bố trên mạng xã hội, Flappy Bird đã được chủ nhân của nó gỡ xuống mặc cho rất nhiều lời chào mua, hợp tác. Đồng thời, Hà Đông cũng muốn chấm dứt sự bàn tán, quấy rầy của giới truyền thông, những kẻ đố kỵ và rất nhiều vấn đề khác. Vậy câu hỏi đặt ra, chúng ta, nhất là các bạn trẻ có nên ghen tỵ với Nguyễn Hà Đông không? Câu trả lời có lẽ sẽ là "có", bởi, Nguyễn Hà Đông thành công với chính đam mê của mình vì nghề lập trình game chỉ là nghề tay trái của anh. Anh ý thức và hiểu được sự ảnh hưởng của giới truyền thông đến cuộc sống riêng tư và khép kín của một người làm game, làm kỹ thuật. Và cũng chính anh đã từ bỏ mọi lời đề nghị hợp tác, bán lại, cũng như quyết định đóng game khi nó đang “hái ra tiền".
Một chàng trai giỏi giang và may mắn như vậy, tại sao lại không đáng để các bạn trẻ chúng ta phải ghen tỵ chứ?
Một số chuyên gia công nghệ cho biết, số tiền mà Đông kiếm được sẽ nhiều hơn nhiều lần con số 50.000 USD/ngày, có khả năng lên đến 100.000 USD/ngày. Số tiền này hoàn toàn hợp pháp và toàn bộ số liệu do bên thứ 3 nắm giữ (khó có thể xác định). Tính ra mỗi giây đồng hồ trôi qua, Hà Đông kiếm được 24.000 đồng Việt Nam, đủ cho một bữa trà đá chém gió của các bạn trẻ.