Tai nạn kinh hoàng cướp đi đôi mắt của cô giáo song ngữ
Từ một cô giáo tài giỏi được nhiều học sinh yêu quý, sau tai nạn, Hiền lại phải học từ đầu để trở thành cô giáo mù.
“Đó là bước ngoặt bi kịch của cuộc đời mình. Ngày hôm đó rất đẹp, mình vừa lái xe vừa lẩm bẩm hát rồi bỗng nhiên có một chiếc xe máy lao tới đâm mình ngã rầm. Mọi thứ diễn ra nhanh đến mức mình chẳng kịp thấy đau đớn hay nhức nhối gì cả. Tỉnh dậy trong bệnh viện, câu đầu tiên mình hỏi là “Mẹ ơi, mất điện à?”. Nhưng chẳng ai trả lời, mình chỉ nghe thấy tiếng thút thít. Rồi mình biết, mình đã bị mù”.
Bước ngoặt bi kịch của cô giáo trường song ngữ
Dương Thị Hiền (sinh năm 1986, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một cô giáo trẻ được nhiều người yêu mến bởi sự ân cần, dịu dàng và nhiệt huyết với nghề “gõ đầu trẻ”.
Cô giáo trẻ Dương Thị Hiền tâm sự về bước ngoặt bi kịch của cuộc đời mình
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Hiền giảng dạy tại một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng. Ba năm sau, với lời mời của một người bạn, Hiền chuyển về dạy ở trường Tiểu học song ngữ Brendon tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đến khi ấy, cô giáo trẻ mới tìm được niềm đam mê thật sự với nghề.
“Mình vào trường Brendon khi trường mới thành lập, mới chỉ có ba lớp học và vài giáo viên. Nhiều người thắc mắc, tại sao mình lại từ bỏ một ngôi trường lâu năm để về với một ngôi trường còn “trứng nước”. Mình cũng không biết, trường Brendon với mình giống như “tình yêu sét đánh” vậy, rồi càng ngày càng yêu hơn và đến giờ nó giống như một mái nhà chứ không phải một nơi làm việc”, Hiền chia sẻ.
Nhiều năm qua, đón bao thế hệ học trò, cô giáo Hiền luôn để lại ấn tượng tốt đẹp bởi giọng nói nhỏ nhẹ và sự ân cần, dịu dàng dành cho những học sinh lớp 1, còn bỡ ngỡ với trường, với lớp. Đúng như cái tên theo mình suốt 29 năm qua, Hiền luôn biết cách động viên những em học tốt và kiên trì, nhẫn nại với những đứa trẻ cứng đầu, nhất quyết không chịu “làm quen” với thầy cô và con chữ.
Nhưng không may, một biến cố bất ngờ xảy đến đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của cô giáo trẻ chưa chồng, mang trong mình biết bao ước mơ, hoài bão. Cách đây 1 năm, trên đường đến trường dự thi giáo viên giỏi, Hiền bất ngờ gặp tai nạn nghiêm trọng.
“Mọi thứ diễn ra nhanh đến mức mình chẳng kịp thấy đau đớn. Sau này nghe mẹ kể lại, mình mới biết hôm đó bị một chiếc xe máy ngược chiều tông vào với tốc độ cao, văng ra xa, đầu đập mạnh xuống đường bất tỉnh. Mình được đưa vào viện trong tình trạng đa chấn thương, nặng nhất là vỡ xương hàm và chấn thương sọ não”, Hiền kể lại.
Trải qua cuộc phẫu thuật dài, Hiền đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Sau gần một tháng nằm viện, những vết thương lớn, nhỏ trên cơ thể Hiền cũng dần hồi phục, duy chỉ có đôi mắt là vẫn mờ mịt, tối om.
Vụ va chạm khiến cho dây thần kinh thị giác của Hiền bị chèn ép, dẫn đến không thể nhìn được. Hiền và các bác sĩ luôn mong mỏi, sau khi hết máu tụ trong não, mắt sẽ sáng lại. Nhưng cho đến giờ, phép màu ấy vẫn chưa xảy ra. Mắt của Hiền được chẩn đoán là khó có thể bình phục.
Từng có ý định tự tử
Hiền vẫn nhớ, tỉnh lại trong bệnh viện, câu đầu tiên cô hỏi mẹ là “Mẹ ơi mất điện à?”. Nhưng không ai trả lời, cô chỉ nghe thấy tiếng thút thít, đôi ba lời lầm rầm rồi cô biết, mình đã bị mù.
Cô giáo trẻ bật khóc khi nhớ lại những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời
“Nhưng khoảnh khắc ấy vẫn không kinh khủng bằng lúc trở về nhà sau khi nghe bác sỹ nói mắt mình khó chữa khỏi. Mình mò mẫm bước ra đường trong trạng thái vô định, xung quanh tối om. Mình chẳng biết bản thân đang đứng ở đâu cả, chỉ nghe thấy vô số âm thanh hỗn độn, đặc quánh”, Hiền kể.
Đêm về là thời điểm cô giáo trẻ hoang mang nhất bởi lúc ấy, không còn âm thanh nữa. Hiền cảm nhận rõ ràng sự lạnh lẽo đáng sợ của bóng tối, thứ mà cô sẽ phải sống cùng trong suốt phần đời còn lại.
Hiền không nghĩ nhiều về tương lai, hoài bão của mình mà chỉ lo cho gia đình. Hiền vốn là một cô gái giỏi giang và tự lập. Từ khi có việc làm, cô trở thành trụ cột của cả gia đình, lo tiền thuốc thang cho bố, tiền ăn học cho em trai và là chỗ dựa vững chãi cho mẹ. Nhưng giờ đây, cô lại trở thành gánh nặng, khiến bao nhiêu người phải lao tâm, khổ tứ, chạy vạy khắp nơi chữa bệnh cho mình.
Hiền đã từng có ý định tự tử để giải thoát cho bản thân và gia đình. Cô không chịu được áp lực khi trở thành gánh nặng của cha mẹ, càng khó làm quen với bóng tối và cảm nhận mọi thứ bằng tất cả các giác quan trong khi từng có 29 năm sáng mắt.
Không chỉ vậy, Hiền còn chịu sự dằn vặt, đau khổ khi biết mình có thể mất khả năng làm mẹ. Do ảnh hưởng của vụ tai nạn, cơ thể Hiền phát sinh một số bệnh như: khả năng miễn dịch kém, huyết áp không ổn định, men gan cao và hóoc-môn thấp khiến cô gần như mất đi khả năng sinh nở. Quá nhiều nỗi đau đến cùng một lúc làm cho cô giáo trẻ mất dần niềm tin vào cuộc sống.
Ước mơ trở thành cô giáo mù
Thế nhưng, chính tiếng khóc của mẹ đã thức tỉnh Hiền, nhắc nhở cô phải mạnh mẽ, không chỉ tiếp tục sống mà còn phải sống tốt. Thay vì chạy vạy khắp nơi để chữa mắt, Hiền quyết định tập trung vào việc làm quen với cuộc sống của một người mù và học tập để nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo dạy trẻ khuyết tật.
Cô giáo Hiền từng hạnh phúc bên học trò
“Mình nghĩ, nếu chết chỉ vì không nhìn thấy thì cuộc đời này phí quá. Hơn nữa, cơ thể là bố mẹ cho, mình không có quyền hủy hoại nó. Trước đây, mình và gia đình “gõ cửa” khắp nơi để chữa mắt nhưng mình nghĩ đến lúc phải về rồi. Mình phải sống với sự thật là một người khiếm thị, phải học để tiếp tục theo đuổi nghề giáo”, Hiền tâm sự.
Hiền đã đăng ký sinh hoạt tại Hội người mù để được chia sẻ và làm quen với cuộc sống của một người khiếm thị. Cô cũng bắt đầu đi học chữ nổi, nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên dạy trẻ khuyết tật.
“Mình cũng giống như một học sinh lớp vỡ lòng, bắt đầu học cách viết và đọc chữ o, chữ a. Quả thật, học chữ nỗi không dễ nhưng mình sẽ cố gắng. Đến cái chết còn thoát được hai lần thì còn thứ gì không thể làm được chứ”, Hiền cười.
Trong suốt cuộc trò chuyện, Hiền rất nhiều lần nhắc đến các thầy cô ở trường Tiểu học song ngữ Brendon với vẻ mặt chân thành. Cô kể, khi biến cố xảy ra, ngoài gia đình, các thầy cô trường song ngữ là những người theo sát và giúp đỡ cô nhiều nhất.
Cho đến giờ, thi thoảng, Hiền vẫn được đón về trường nhân những dịp đặc biệt. “Có lần, mình đeo kính cận đến trường, các em học sinh ùa đến hỏi: “Cô ơi, cô nhìn thấy rồi à? Cô bị cận à?” rồi kháo nhau “Cô Hiền đi dạy rồi, sắp được học cô Hiền rồi”… Mình xúc động đến rơi nước mắt. Chính sự hồn nhiên, ngây thơ của bọn trẻ khiến mình yêu nghề này đến vậy”, Hiền tâm sự.