Tái bản và ra mắt sách 3 cuốn sách của Jared Diamond
Hai cuốn sách "Sụp đổ", "Súng vi trùng và thép" của tác giả Jared Diamond vừa được tái bản ở Việt Nam. Đồng thời ra mắt một cuốn sách mới của ông là Thế giới cho đến ngày hôm qua.
Jared Diamond là giáo sư Địa lý học tại Đại học Los Angeles, Mỹ. Ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá, như: Huy chương Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, Giải thưởng Tyler về Thành tựu Môi trường, Giải thưởng Cosmos của Nhật Bản, Học bổng Quỹ MacArthur, giải thưởng Lewis Thomas do trường Đại học Rockefeller trao tặng.
3 cuốn sách của tác giả Jared Diamond
Nhằm giúp cho độc giả có cơ hội tiếp cận với các tác phẩm của Jared Diamond, vừa qua một NXB ở Việt Nam đã dịch lại và tái bản lại hai cuốn sách: Sụp đổ, Súng vi trùng và thép. Đây là hai tác phẩm đã hết sách trên thị trường từ lâu, trong đó cuốn Sụp đổ được dịch lại từ bản sách tiếng Anh tái bản mới và đầy đủ nhất của tác giả.
Thế giới cho đến ngày hôm qua
Bằng cách nghiên cứu và chỉ ra những đặc điểm đặc hữu của một số xã hội truyền thống tại New Guinea (hòn đảo lớn thứ hai thế giới sau Greenland, nằm gần đường xích đạo về phía bắc nước Úc) và các đảo Thái Bình Dương lân cận, Jared Diamond cho rằng, các nhà khoa học xã hội có thể rút ra những kết luận mang lợi ích học thuật từ các nghiên cứu về xã hội truyền thống, đồng thời mỗi độc giả có thể học hỏi được nhiều điều mang lại lợi ích thực tế.
Các xã hội truyền thống nói chung là hình ảnh của hàng ngàn thử nghiệm tự nhiên về cách thức tạo dựng xã hội loài người. Chúng tạo ra hàng ngàn giải pháp cho các vấn đề của con người, và hoàn toàn khác biệt với những giải pháp được lựa chọn bởi các xã hội hiện đại.
Đơn cử về vấn đề sức khỏe, tác giả chỉ ra rằng, hầu hết chúng ta, những công dân của các nhà nước hiện đại sẽ chết vì các bệnh không truyền nhiễm như: béo phì, cao huyết áp, đột quỵ, đau tim, các loại ung thư và các bệnh khác – vốn rất hiếm hoặc không hề được biết đến ở những người sống trong xã hội truyền thống vốn có một lối sống lành mạnh, vận động nhiều hơn và thường dung nạp những đồ ăn sạch, có lợi cho sức khỏe…
Tuy vậy chính những người này lại nhiễm phải các bệnh nói trên chỉ trong vòng một hoặc hai thập niên áp dụng lối sống Tây phương hóa. Rõ ràng, có điều gì đó trong lối sống Tây phương đã mang đến các căn bệnh này, và chúng ta có thể tối thiểu hóa rủi ro đối mặt với cái chết nếu có thể tối thiểu hóa các nhân tố rủi ro trong lối sống.
Ví dụ về hai căn bệnh cao huyết áp và tiểu đường loại 2. Cả hai bệnh này đều liên quan đến gen và hiếm gặp trong các điều kiện của lối sống truyền thống, nhưng lại có thể gây chết người trong điều kiện lối sống Tây phương hóa. Jared Diamond cho biết, nghiên cứu của ông đã khiến nhiều cá nhân hiện đại suy nghĩ về những thực tế này, thay đổi lối sống của họ, và nhờ vậy họ kéo dài tuổi thọ cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Ông cũng kết luận, nếu những căn bệnh này giết chết chúng ta, thì đó là do chúng ta cho phép chúng thực hiện điều đó.
Một giải pháp nữa – giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình với nhiều tính nhân văn hơn– có thể có ích trong việc gợi ý chính sách cho toàn thể xã hội.
Tuy vậy, theo tác giả cuốn sách chúng ta cũng không nên đi đến thái cực đối lập là lãng mạn hóa quá khứ và trông đợi một thời đại đơn giản hơn. Bởi chúng ta có thể xem mình như có phước mới loại bỏ được nhiều tập tục truyền thống như: cúng tế bằng trẻ em, bỏ rơi hoặc giết chết người già, rủi ro của nạn đói định kỳ, các hiểm họa thiên nhiên và bệnh dịch...
Nhưng cần xác lập rằng các xã hội truyền thống không những chỉ cho chúng ta một số tập tục sống tốt hơn, mà còn giúp chúng ta trân trọng những lợi thế của xã hội mà chúng ta cho là hiển nhiên. Việc tận dụng sự thông thái của người già; làm cách nào bảo vệ ngôn ngữ, vấn đề tôn giáo…qua các thí dụ hấp dẫn mà Jared Diamond giới thiệu khi tìm kiếm từ truyền thống, sẽ đưa ra nhiều gợi ý hữu dụng cho độc giả. Không ít trong chúng ta không nhận ra đang sống trong sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, mà sự gạn lọc sẽ giúp ta sống tốt đẹp, hoặc đơn giản chỉ là thanh thản hơn.
Tờ Christian Science Monitor đánh giá về cuốn sách: “ Thế giới cho đến ngày hôm qua là một cái nhìn đầy mê hoặc và có giá trị về việc chúng ta cần học điều gì - và có lẽ là lời đề nghị - học hỏi từ truyền thống loài người nhiều hơn”
Sụp đổ
Với phương pháp đa ngành cùng khối kiến thức khổng lồ, Jared Diamond đã hoàn thành kiệt tác mang tính cách mạng trong nghiên cứu về lịch sử nhân loại: Sụp đổ - Các xã hội thất bại hay thành công như thế nào. Người đọc sẽ đi từ văn minh Maya, đến với sự bùng nổ và suy tàn của người Viking, xem xét sự hưng thịnh và kết cục bi thảm của người Norse ở Greenland… Những nguyên nhân nào được xem là căn bản nhất cho mọi sự diễn tiến hay suy bại của các xã hội trên toàn thế giới? Có thể kiếm tìm một lý giải hay một mô hình cho tất cả những thất bại và thành công của nhân loại hay không? Chúng ta có thể học gì từ sự thất bại của những nền văn minh từng là vĩ đại nhất? Nhân loại sẽ cần ghi nhớ những điều được Diamond tổng kết:
“Chúng ta đang tiến rất nhanh trên con đường không bền vững… nên bằng cách này hay cách khác, các vấn đề môi trường của thế giới sẽ được các thế hệ trẻ hiện nay giải quyết. Vấn đề ở đây là liệu chúng có được giải quyết bằng những cách thích hợp do chính chúng ta chọn lựa hay không, hay bằng những cách tiêu cực mà chúng ta không muốn chọn lựa như: chiến tranh, nạn diệt chủng, dịch bệnh và các xã hội sụp đổ. Sự suy thoái môi trường và áp lực dân số sẽ kéo theo đói nghèo và bất ổn chính trị”.
Nói về cuốn sách, diễn giả số 1 thế giới Malcolm Gladwell nhận xét: “Bài học của Sụp đổ là, các xã hội vốn không bị giết chết. Các xã hội thường tự tử: họ tự cắt cổ tay, và trong nhiều thập kỷ sau đó, chỉ biết đứng nhìn mình chảy máu đến chết.” “Và cuốn sách này cần phải được đọc một cách nghiêm túc, để thế giới, nền văn minh này tránh được kết cục bi thảm như rất nhiều nền văn minh rực rỡ đã lụi tàn khác” Tim Falannery, nhà môi trường học người Úc nổi tiếng thế giới nhận xét.
Súng, vi trùng và thép
Là nỗ lực của Jared Diamond để giải thích vì sao các nền văn minh Á – Âu (bao gồm cả Bắc Phi) lại tồn tại được cũng như đã chinh phục các nền văn minh khác; cùng lúc ông bác bỏ các lý thuyết về sự thống trị của các nền văn minh Á – Âu dựa trên trí tuệ, đạo đức hay ưu thế di truyền. Jared Diamond lập luận rằng, sự khác biệt của quyền lực và công nghệ giữa các xã hội loài người có nguồn gốc từ sự khác biệt về môi trường, trong đó sự khác biệt này được khuếch đại không ngừng. Qua đó, ông giải thích tại sao Tây Âu, chứ không phải các nền văn minh khác trong thế giới Á Âu như Trung Quốc, lại trở thành các thế lực thống trị thế giới.
Ông viết “Người ta nhầm tưởng rằng địa lý có nghĩa là quyết định luận về môi trường, và rằng các nước nghèo bị nguyền rủa phải nghèo đói, rằng họ nên im lặng…và chịu chết. Nhưng không, Tri thức là Sức mạnh. Nếu họ biết vì sao họ nghèo đói, họ có thể dùng tri thức đó để trở nên thịnh vượng”
Đánh giá về cuốn sách, Colin Renfrew, Giáo sư khảo cổ học nối tiếng người Anh nhận xét, “Diamond đã viết nên một tác phẩm với tầm tri thức đặc biệt xuất sắc. Đây là một trong những công trình quan trọng nhất và đáng đọc nhất về loài người”