SV tình nguyện dẹp nạn "chặt chém" mùa thi
Những suất cơm miễn phí, giới thiệu nhà trọ giá rẻ đã giúp phụ huynh và sĩ tử thoát nạn "chặt chém" mùa thi.
Đến hẹn lại lên, cứ bắt đầu vào dịp thi đại học, cao đẳng là các dịch vụ ăn theo mùa thi lại được dịp tung hoành. Người người, nhà nhà mở hàng ăn, quán nước, nhà trọ để chặt chém sĩ tử và các bậc phụ huynh. Nhưng trong mùa thi đại học năm nay, với sự ra quân của biệt đội áo xanh hùng hậu, các dịch vụ “ăn theo” đó đã bớt đi cơ hội “chặt chém”.
Chặt chém mùa thi
Lai kinh ứng thí, điều mà các bậc phụ huynh và sĩ tử lo lắng nhất là nơi đất khách quê người dễ bị bức ép về giá cả. Chốn quê nghèo, có những người đã phải bán thóc, bán gạo, thậm chí đem sổ đỏ đi cầm cố để có tiền lo cho con thi cử. Vậy mà số tiền họ tìm mọi cách có được đó lại chỉ đủ chi tiêu trong ba, bốn ngày con dự thi đại học. Tất cả cũng chỉ vì các dịch vụ “ăn theo” mùa thi ra sức “chặt chém” người dân để kiếm chác.
Bác Nguyễn Văn Đô (quê Thanh Hóa, có con dự thi trường Đại học Thủy lợi) chia sẻ: “Đã đưa con đi thi thì không ăn tiêu không được. Mà ở Hà Nội thứ gì cũng đắt đỏ, ngay cả cốc trà đá cũng mất 5 nghìn đồng. Tiết kiệm lắm hai bố con trong ba ngày thi cũng tiêu hết gần 2 triệu, bằng nửa tấn thóc”.
Trong những ngày thi, có lẽ thị trường nhà trọ là thị trường “nóng” và “căng” hơn cả. Giá cho thuê phòng trọ tại các khu vực ở gần điểm thi tăng gấp mấy lần so với các thời điểm khác trong năm. Các bạn sinh viên còn làm phép so sánh: ở phòng trọ ba, bốn ngày còn đắt hơn thuê phòng cả tháng. Có những nơi còn lấy giá cao ngang bằng phòng khách sạn.
Khảo sát giá cả phòng trọ tại các điểm thi trường Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao chúng tôi được biết, những phòng “thường” diện tích khoảng 12 đến 15m vuông có giá từ 100 đến 150 nghìn đồng/ngày. Còn những phòng được gọi là “phòng víp”, rộng rãi, điều hòa thì lên đến 400 đến 500 nghìn đồng/ngày, thậm chí còn cao hơn thế. Trong những ngày sĩ tử ùn ùn kéo ra thủ đô dự thi, có những phòng trọ nhỏ còn phải nhét 4 đến 5 người.
Đến mùa thi, các quán nước vỉa hè mọc lên như nấm (Ảnh minh họa)
Trong thời gian này, xung quanh các điểm thi, các quán ăn uống mọc lên như nấm, đặc biệt là các quán trà đá, quán nước giải khát… Chỉ cần một cái bàn để đồ uống cùng đôi ba chiếc ghế nhựa (đôi khi ghế ngồi chỉ là những tấm bìa cát tông ố màu) là đã trở thành quán nước phục vụ phụ huynh trong lúc chờ con làm bài thi.
Các thứ đồ uống ở đây cũng được “hét” với giá trên trời. Một cốc trà đá trước đây có giá 2.000 đồng thì giờ được thu với giá từ 5 -10.000 đồng. Một cốc nước mía hay cốc sấu đá cũng có giá từ 15 - 20.000 đồng…
Trong khi đó, cách pha chế các thứ nước uống đó lại không được đảm bảo vệ sinh ăn uống. Cốc nước với 2/3 là nước trắng và đá, được rót thêm một chút nước chè đặc cho có màu vàng là tạo thành một cốc trà đá. Quán nước bán cả buổi cũng chỉ có duy nhất một xô nước đục ngàu rửa chén cốc.
Tại các cửa hàng cơm, phở giá cả cũng tăng lên vùn vụt. Mỗi suất cơm, bát phở cũng tăng giá lên từ 5 -10.000 đồng. Khảo sát giá tại một quán cơm gần trường Đại học Công nghiệp, chúng tôi được biết, giá của một suất cơm là 25- 30.000 đồng. Trong khi đó, trước thời điểm thi, một suất cơm như vậy có giá chỉ từ 15 - 20.000 đồng.
Mùa thi… mùa chặt chém nên ngay cả những người làm xe ôm cũng có cơ hội chặt chém thí sinh. Giả làm thí sinh ra Hà Nội dự thi đại học, chúng tôi thuê xe ôm từ bến xe Mỹ Đình về Cổ Nhuế. Giá của chuyến xe ôm đó trước đây là 20.000 đồng thì hôm nay chúng tôi phải trả đến 40.000 đồng. Rút ví trả tiền, chúng vừa vừa bức xúc vừa xót thương cho các bậc phụ huynh và sĩ tử. Quả đúng, để hoàn thành 3 ngày dự thi có thể họ phải bán cả tấn thóc.
Biệt đội tình nguyện “chặt chém” các dịch vụ ăn theo
Kì thi đại học năm 2014 đã đánh đấu một bước phát triển lớn cả về quy mô lẫn chất lượng của hoạt động “tiếp sức mùa thi”. Theo Đoàn thanh niên TP. Hà Nội cho biết, trong cả chiến dịch “Tiếp sức mùa thi” hè 2014, riêng Hà Nội có đến 22.000 tình nguyện viên tham gia, trong đó phần lớn là các sinh viên của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Khắp các tuyến đường và các điểm thi tại thành phố Hà Nội đâu đâu cũng thấy màu áo xanh tình nguyện. Mỗi hoạt động tiếp sức mùa thi của họ đối nghịch với các dịch vụ “chặt chém” sĩ tử mùa thi.
Sinh viên tình nguyện làm xe ôm miễn phí
Để tránh tình trạng các phụ huynh và sĩ tử bị các chủ nhà trọ chặt chém, trước kỳ thi 4, 5 ngày, các tình nguyện viên đã đi khảo sát giá nhà trọ, liên hệ với các chủ nhà trọ, lập ra một danh sách nhà trọ với số tiền thuê cố định hợp lý để giới thiệu đến các phụ huynh và thí sinh. Nhờ vậy mà rất nhiều bậc phụ huynh đã tìm được phòng trọ ưng ý, giá cả phù hợp cho con em mình nghỉ ngơi trong những ngày thi cử căng thẳng. Không những vậy, các bạn tình nguyện viên còn tìm được rất nhiều nhà trọ miễn phí đặc biệt dành cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trong những ngày thì cử nắng nóng, căng thẳng, khắp các điểm trường thi đều diễn ra hoạt động phát nước, phát cơm miễn phí. Tại trường Đại học công nghiệp, nước uống dành cho sĩ tử và phụ huynh được đóng chai cẩn thận, tại trường Đại học Sư phạm thì nước được chia ra các cốc giấy dùng một lần rất đảm bảo vệ sinh... Những suất cơm miễn phí tuy không thịnh soạn nhưng cũng đủ để no lòng ấm bụng các sĩ tử và các bậc phụ huynh trong mùa thi này.
Chứng kiến các bạn áo xanh thoăn thoắt đi mời chào thí sinh dùng nước, bác Lê Thị Nhanh (quê Phú Thọ, có con dự thi trường Đại học Công nghiệp) xúc động: “Chỉ cần được các cháu bán những chai nước sạch này với giá rẻ là chúng tôi đã mừng lắm rồi. Đằng này các cháu còn phát miễn phí, đứng đây cả ngày bất chấp nắng mưa”.
Mùa thi này, các chú, các bác xe ôm cũng hết cơ hội “chặt chém” sĩ tử. Bởi ngay từ những ngày đầu mùa thi, tại các bến xe, ga tàu… một đội quân xe ôm tình nguyện hùng hậu đã có mặt sẵn sàng chở các bậc phụ huynh và sĩ tử đến các điểm dự thi.
Bức xúc vì cho rằng mình bị “cướp khách”, “cướp miếng ăn” đã có người vung dao đâm sinh viên làm xe ôm tình nguyện. Nhưng không vì đó mà biệt đội áo xanh lo sợ, hết đợt 1 đến đợt 2, các bạn vẫn kiên trì đứng đó cầm tấm biển “xe ôm tình nguyện”, nở nụ cười thật tươi sẵn sàng chở những “ước mơ hồng”.
Bên cạnh đó, còn có rất nhiều bạn sinh viên tình nguyện tham gia hoạt động chỉ dẫn đường, lưu thông đường phố, đảm bảo an toàn giao thông cho các sĩ tử. Trong những ngày thi căng thẳng, nắng mưa thất thường nhưng không lúc nào vắng bóng màu áo xanh tình nguyện. Cũng vì đó mà các dịch vụ “ăn theo” bị hạn chế cơ hội chặt chém sĩ tử và các bậc phụ huynh.
Bạn Trần Thu Thủy (sinh viên năm ba khoa Quản lý giáo dục trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Mùa thi là mùa chặt chém và nó cũng là mùa tình nguyện. Chúng mình ở đây để giúp các sĩ tử có được kỳ thi tốt và an toàn nhất”.
Xem thêm các bài viết liên quan: