SV Bách Khoa sáng chế máy chăm nấm bào ngư
Dù vẫn đang là sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nhưng Bùi Phước Lai (sinh năm 1991) đã sáng chế thành công nhiều sản phẩm, mới đây là hệ thống tự động chăm sóc nấm bào ngư.
Phước Lai trong phòng thí nghiệm nấm bào ngư.
Lai sáng chế
Lai vốn sinh ra trong một gia đình quanh năm bám ruộng mà sống ở xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng. Làm ruộng hoài không đủ lo cho cái ăn, cái mặc, gia đình Lai đã chuyển lên quận Thanh Khê (Đà Nẵng) để làm nghề tự do. Cái nghiệp sáng chế đã vận vào Lai khi còn là một chàng trai “vắt mũi chưa sạch”.
Lai nhớ lại: “Hồi học cấp 2, em đã rất thích vẽ tranh, viết văn và các sản phẩm máy móc, đôi khi vì tò mò mà không ít lần em làm hỏng cả quạt điện của nhà. Từ đó, em rất thích vẽ lại những thiết bị kỹ thuật và tô màu cho bức vẽ ấy”.
Năm 14 tuổi, tình cờ Lai biết được Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc (Vifotec) và ngay lập tức đăng ký tham dự cuộc thi với sản phẩm máy gieo hạt. Trước đó, cứ mỗi chiều, sau giờ học Lai tìm đến các nhà sách, đọc các sách về kỹ thuật.
Vấn đề với em lúc đó là vật liệu chế tạo và Lai trở thành người thu mua ve chai, lang thang khắp các ngõ hẻm, mua lại các tấm nhựa, sắt, và các thiết bị động cơ hỏng. Riêng về mạch điện tử, Lai mua lại đồ chơi điều khiển từ xa của trẻ em trong xóm, lấy phần mạch lắp vào. Cuối cùng máy gieo hạt của Lai cũng hoàn thành và thử nghiệm thành công trong vườn nhà. Tuy nhiên, khi mang được chiếc máy ra Hà Nội dự thi thì nó lại... bất động.
Thất bại, nhưng Lai không nản. Đến năm lớp 10, Lai cho ra đời một số sản phẩm robot câu cá; năm lớp 11, chế tạo robot phun thuốc sát khuẩn; năm lớp 12, máy tạo cầu vồng… Riêng máy chế tạo cầu vồng của Lai đạt giải nhất cuộc thi Vifotec năm 2009. Đồng thời, sản phẩm này cũng đoạt huy chương bạc triển lãm quốc tế tại Nigieria.
Niềm đam mê ngày càng lớn khi Lai thi đậu vào trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ngành sư phạm kỹ thuật. Các sáng chế của cậu được Liên hiệp các Hội KHKT thành phố Đà Nẵng biết đến. Liên hiệp hỗ trợ xây dựng CLB Sáng tạo trẻ Đà Nẵng do Lai làm chủ nhiệm, với mong muốn giúp giới trẻ Đà Nẵng yêu kỹ thuật có thể tạo ra được các sản phẩm như Lai.
Suốt 4 năm đại học, Lai tiếp tục chế tạo máy khoang mạch điện tử, máy rửa mạch… Các sáng chế này hiện đang được chạy thử, kết quả cho thấy, tốc độ làm việc của máy cao gấp đôi so với các loại máy cùng tính năng bán trên thị trường.
Sáng chế để nông dân bớt phần lam lũ
Sau nhiều lần chế tạo, Lai cho biết: “Thành công lớn nhất của em là hệ thống tự động chăm sóc nấm bào ngư. Đây là chiếc máy giúp người trồng nấm tiết kiệm thời gian, công sức”. Việc sáng chế máy chăm sóc bào ngư của Lai đến rất tình cờ. Năm 2012, Lai quen một chuyên gia về nấm - anh Võ Khắc Chung (hiện là Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN Đà Nẵng), từ đây em được giới thiệu về giá trị của cây bào ngư, nhưng khổ nỗi khâu chăm sóc bào ngư khá vất vả và rồi em nghĩ, phải sáng chế một chiếc máy chăm sóc bào ngư tự động.
Bào ngư là loại nấm ăn phổ biến của Việt Nam được trồng trên mùn cưa, bã mía. “Tìm cách trồng nấm bào ngư trên rơm, tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả cao hơn. Mình am hiểu kỹ thuật, anh Chung lại là chuyên gia về nấm, nếu kết hợp với nhau sẽ hoàn thiện một hệ thống máy chăm sóc nấm bào ngư” - Lai chia sẻ.
Những ngày sau đó, Lai bắt đầu đọc các sách về nấm, tìm một số bạn có chung niềm đam mê về nấm đi nghiên cứu thực tế từ Đà Nẵng đến Quảng Nam, trực tiếp tham gia trồng nấm. Để có tiền đi thực tế, Lai phải dạy thêm, làm phụ quán. Lai cho biết: “Các bạn trong nhóm có người am hiểu kỹ thuật, lại có người học sinh học, học hóa học, tất cả đều đến với nấm bằng niềm đam mê”.
Ông Hồ Việt - Giám đốc Quỹ Khuyến khích sáng tạo KHCN Hồ Nghinh, đã đầu tư một phần vốn cho em. Lai cùng những người bạn trực chiến trên từng cây số với hệ thống tự động chăm sóc nấm bào ngư. Trong căn phòng rộng 50m2 ươm 200 bịch nấm bào ngư, vốn là phòng ngủ, được Lai làm thành phòng thí nghiệm. Lai kê giường ngủ sát hệ thống máy, cứ mỗi lúc, lại cầm bút ghi thông số máy.
Lần đầu tiên, Lai mua về 300 bịch giống nấm, do chưa hiểu hết về nấm, hơn 250 bịch nấm đã bị hỏng vì sai quy trình làm bịch. Lần thứ 2, Lai đầu tư thêm 100 bịch nấm, lại tiếp tục hỏng do cột miệng bịch quá chặt. Chưa hết, khi Lai đưa máy tự động vào lắp đặt phòng nấm, do ứng dụng mạch điện tử xoay chiều gây nhiễu đã làm hỏng gần hết nấm.
Sau nhiều lần thử nghiệm, nâng cấp đến 7 lần, hệ thống tự động của Lai đã hoàn thiện, gồm hệ thống điều khiển trung tâm, màn hình hiển thị LCD, cảm biến độ ẩm, thiết bị tạo ẩm, điều khiển độ sáng, thiết bị thông khí, giảm ẩm, giảm nhiệt, cảm biến nhiệt độ. Như thế, hệ thống này sẽ tự động phun sương, bù ẩm cho phòng, điều chỉnh nhiệt độ, được thiết kế bao quanh phòng nấm.
Cứ thế, hơn 1 năm qua, Lai liên tục canh gác nấm. Lai chia sẻ: “Gọi là tự động, nhưng em và 6 bạn khác phải túc trực bên máy, quên ăn mất ngủ, để quan sát, ghi chép nếu có hiện tượng bất thường, kịp thời khắc phục lỗi máy móc”. Theo đó, quy trình nấm sẽ chia làm 3 giai đoạn gồm: Làm phôi cấy giống, ủ tơ, tưới đón và thu hoạch.
Niềm vui đến với Lai khi đợt nấm thí nghiệm vừa rồi nhận được nhiều đánh giá tốt của các chuyên gia nấm. Lai cho biết: “Nấm bào ngư mình làm ngọt hơn, ăn ngon hơn nấm bình thường và đảm bảo chất lượng vệ sinh, trong khi giá cả bằng với giá thị trường”. Đặc biệt, để có tiền đầu tư trên 70 triệu đồng cho hệ thống máy, Lai cùng các bạn, người đi dạy thêm, người bán vé số.
Đưa hệ thống tự động của mình vào sản xuất nấm, Lai tính: “Với diện tích 50 m2, đầu tư 200 bịch nấm, thu về mỗi bịch khoảng 1 kg nấm, bán ra giá 30.000 - 40.000 đồng/kg, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, sẽ thu hồi vốn và có lãi. Ngoài ra, người trồng nấm sẽ bớt nhọc công hơn, tiết kiệm chi phí, thời gian chăm sóc”.
Đánh giá về sự sáng tạo của Lai, ông Hồ Việt cho biết: “Bùi Phước Lai là sinh viên xuất sắc của thành phố Đà Nẵng. Hệ thống tự động chăm sóc nấm bào ngư, về mặt kỹ thuật, đây là một công trình nghiên cứu có tính ứng dụng kỹ thuật cao và Lai đã làm hoàn chỉnh hệ thống này. Kết quả khả quan ban đầu, cây nấm sinh trưởng và phát triển tốt. Chúng tôi chuẩn bị tiến tới nhân rộng hệ thống máy này ra toàn Đà Nẵng”.
Ngay từ năm 14 tuổi, Lai đã tự mình sáng chế nhiều sản phẩm hỗ trợ nông dân. Hiện nay, Lai là chuyên viên Ban KHCN thuộc Liên hiệp các Hội KHKT thành phố Đà Nẵng, đồng thời là Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ Đà Nẵng. |