Suýt hủy hôn vì người cha ngoại tình
Tôi đã không còn niềm tin vào đàn ông bởi người như cha tôi mà còn phản bội thì thử hỏi những người đàn ông khác có mấy ai chung tình?
Hôm đó, nếu như không tình cờ nghe được những lời ba nói với mẹ thì tôi không bao giờ tin rằng người đàn ông mà tôi yêu quý, kính trọng nhất trên đời lại có thể thốt ra những lời lẽ ấy. Trong tôi, thần tượng đã sụp đổ.
Bao nhiêu năm qua, tôi sống trong vầng hào quang hạnh phúc mà các đấng sinh thành đã tạo nên quanh tôi. Ba tôi là một người đàn ông thành đạt nhưng hết lòng với vợ con. Đó là điều ai cũng cho rằng hiếm hoi trong thời đại này. Ba sẵn sàng bỏ những bữa tiệc tùng để chở tôi đi nhà sách, từ chối những cuộc vui chơi cùng bạn bè nếu mẹ có việc cần đến ba.
Tôi chưa bao giờ thấy ba từ chối mẹ điều gì. Những lời nói ngọt ngào, sự chăm sóc ân cần, tràn ngập yêu thương là những gì ba biểu hiện trong mắt chúng tôi. Ngày lễ, Tết; kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật mẹ, ba là người nhắc chúng tôi tặng quà, chúc mừng “người phụ nữ vĩ đại nhất thế giới của gia đình”.
Có như vậy là vì mẹ đã hi sinh quãng đời đẹp nhất của mình để sinh con, nuôi con, nuôi chồng ăn học ở nước ngoài, chăm sóc cha mẹ chồng già yếu. Mẹ đã gánh thay ba những gánh nặng ấy suốt những năm tháng dài mà không hề than van. Trong mắt chị em tôi, ba mẹ là một cặp trời cho; chúng tôi lớn lên khỏe mạnh, thông minh, nên người chính là nhờ đã hít thở không khí ấy.
Thế mà hôm nay, nếu như không tận tai nghe được thì tôi sẽ không bao giờ tin rằng ba tôi là người đã nói lên những lời lẽ cay nghiệt ấy. “Em làm ơn tha cho tôi đi. Chờ con Mai đám cưới xong thì chúng ta ly dị. Tôi hết chịu nổi rồi. Hãy buông tha cho tôi đi, van em đấy”. Những lời lẽ của ba tuôn ra như một dòng suối nước độc ngấm vào trái tim tôi.
Mẹ tôi im lặng rất lâu rồi mới khó nhọc nói: “Không phải em muốn làm to chuyện mà tại vì cô ta quá đáng. Bao nhiêu năm qua, em có nói gì đâu, tại sao cô ta không để yên cho em? Em biết mình đã già, đã xấu và không còn gì cho anh nhưng em có đáng để bị cô ta sỉ nhục như vậy không? Cô ta nhắn tin chửi mắng em, anh thấy rồi đó, sao anh không ngăn cô ta lại? Nếu muốn, anh có thể ra đi ngay từ bây giờ chứ không cần chờ đến khi gả cưới con xong...”.
Không nghe ba tôi nói gì. Giọng mẹ tôi như bị ngạt mũi: “Thật sự em thấy mình đã sai lầm khi thông đồng với anh để gạt con, gạt mọi người. Gia đình hạnh phúc ư? Cha mẹ mẫu mực ư? Vợ chồng yêu thương ư? Em không thể hình dung mình có thể đóng kịch hay như vậy. Nhưng bây giờ, sức chịu đựng của em đã cạn kiệt. Không cần anh phải van xin. Em buông tay rồi. Anh cứ đi đi. Các con đã lớn, tụi nó cũng sẽ hiểu khi một người đàn ông không còn tình yêu trong tim họ thì có níu giữ cũng vô nghĩa”.
Tôi nghe một tiếng động mạnh trong phòng ba mẹ. Sau đó mẹ bước ra ngoài. Trông thấy tôi, mẹ sững sờ nhưng ngay lập tức, mẹ kéo tay tôi lên lầu: “Sao con về giờ này? Có nghe thấy gì chưa?”. Tôi không nói được, chỉ gật đầu. Rồi tôi ôm chầm lấy mẹ. Tôi không biết làm cách gì để chia sẻ với mẹ nỗi đau mà mẹ đã và đang gánh chịu. Tại sao một người hiền lành như mẹ, tốt bụng như mẹ, hiếu thảo như mẹ lại phải gánh chịu những nỗi bất hạnh lớn lao như vậy? Ông trời có mắt hay không? “Chuyện của người lớn, các con hãy để người lớn thu xếp với nhau, không được hỗn hào, vô phép với ba. Mẹ cấm”- mẹ tôi lau nước mắt.
Tại sao một người hiền lành như mẹ, tốt bụng như mẹ, hiếu thảo như mẹ lại phải gánh chịu những nỗi bất hạnh lớn lao như vậy? (Ảnh minh họa)
Thế nhưng làm sao tôi có thể yên lặng trước nỗi đau của mẹ? Làm sao tôi có thể tha thứ cho người cha đã lấy cắp lòng tin của tôi suốt bao nhiêu năm qua? Tôi đã không giữ lời hứa với mẹ. Mấy hôm sau tôi đã gọi điện mời ba ra nói chuyện. Cuộc nói chuyện của chúng tôi khi bắt đầu đến khi kết thúc chỉ khoảng 5 phút. Và khi câu chuyện chấm dứt thì nó cũng chấm dứt một thâm tình. “Con yêu cầu ba không được dính líu đến mẹ và chị em con. Đám cưới của con có thể hủy nhưng tình cảm của cha con mình thì không bao giờ được nối lại. Ba đi đi”- tôi nói rồi đứng dậy bỏ về.
Mấy hôm sau, ba tôi đã dọn ra ở riêng với người phụ nữ ấy. Ba làm giấy tờ để lại toàn bộ tài sản cho mẹ và chị em tôi. Tôi nói với mẹ: “Con không lấy chồng nữa, con sẽ ở vậy để chăm sóc mẹ”. Mẹ không hề biết tôi đã mang lễ vật sang nhà Long trả lại. Tôi nói rõ lý do với họ: “Con không còn mặt mũi nào để về làm dâu nhà mình. Với lại, mẹ con giờ không còn chỗ dựa, con phải chăm sóc mẹ. Mong mọi người tha thứ cho con”. Mẹ Long nắm chặt tay tôi: “Đúng là hai bác quá bất ngờ với chuyện này. Thế nhưng ở đời không có chuyện gì là không giải quyết được. Con cứ bình tĩnh, hai bác sẽ qua nói chuyện với mẹ. Chờ thằng Long đi công tác về rồi tính. Nếu con muốn chăm sóc mẹ thì cưới xong hai đứa có thể ở bên kia chứ không nhất thiết phải làm dâu”.
Tôi rất biết ơn gia đình của người yêu đã thông cảm, nhưng với riêng mình, tôi không thể nào xóa bỏ được mặc cảm. Hơn nữa, tôi đã không còn niềm tin vào đàn ông bởi người như cha tôi mà còn phản bội thì thử hỏi những người đàn ông khác có mấy ai chung tình? Thế nhưng mẹ tôi nói: “Đừng bao giờ đánh mất niềm tin con à. Ở đời có người tốt, kẻ xấu. Số phận của mẹ như vậy thì mẹ phải chịu. Mẹ không oán trách ba bởi mẹ nghĩ nhân duyên của mẹ và ba chỉ có chừng ấy. Nếu con vì mẹ mà bỏ thằng Long thì mẹ sẽ vô chùa ở”. Giọng mẹ thật nhẹ nhàng nhưng tôi biết lòng mẹ nát tan.
Theo dự định thì đám cưới của chúng tôi sẽ diễn ra vào dịp Noel năm nay. Tôi nghe lời mẹ không hủy đám cưới. Thế nhưng tôi không cho phép ba có mặt trong ngày vui của tôi. Tôi cũng không ghi tên ba trong thiệp cưới. Ba mẹ chồng tương lai hiểu được tâm trạng của tôi nên cũng không phiền trách, chỉ có cô vợ bé của ba là nhảy dựng lên khi nhận được thiệp báo tin: “Ổng còn sống sờ sờ ra đó mà mấy người không ghi vô là sao? Này, tôi cũng chán lắm rồi, tưởng ngon, ai dè ra đi không một xu dính túi. Nếu muốn, tôi trả ổng về cho mẹ con mấy người đó”.
Thì ra việc ba để hết tài sản lại cho mẹ con tôi đã khiến mối quan hệ giữa cô ta với ông rạn nứt. Bấy lâu nay, ba phải sống trong sự ghẻ lạnh của người tình trẻ mà ba ngỡ là hết dạ thương yêu mình; nào ngờ cô ta chỉ chú ý đến nhà cửa, xe cộ của ba... Tự dưng tôi muốn khóc. “Ba xấu hổ với mẹ và các con... Mà con cũng đừng nói lại với mẹ làm gì...”. Ba chỉ nói vậy rồi gục đầu, đôi vai ba rung lên bần bật.
Bây giờ thì chính tôi lại muốn đưa ba về, muốn ba chứng kiến lễ thành hôn của mình. Thế nhưng tôi không biết phải nói với mẹ, với ba mẹ chồng, với chồng tương lai của tôi như thế nào... Tôi không biết họ có tha thứ cho ba như tôi đã tha thứ hay không? Và điều tôi sợ nhất là họ sẽ nhìn ba tôi như thế nào? Chắc chắn sẽ có người thương hại, cũng có người dè bĩu, rẻ khinh... Mà như vậy thì tôi sợ rằng chính mình cũng sẽ không chịu đựng nổi, huống hồ gì ba tôi...
Xem thêm các bài viết liên quan: