Sự thực "truyện thiếu nhi" chứa nội dung khiêu dâm
"Truyện dành cho thiếu nhi" bị cho là chứa yếu tố khiêu dâm, tục tĩu... chính là nội dung của Thần thoại Hy Lạp.
Mới đây, cư dân mạng xôn xao về trang sách được chụp lại từ cuốn "Truyện cổ tích về các loại chim và muông thú" và cho rằng, nội dung sách dành cho thiếu nhi có chứa nội dung khiêu dâm, tục tĩu.
Tuy nhiên, ít người nhận ra rằng, đây là nội dung của một phần trong Thần thoại Hy Lạp miêu tả cảnh thần Dớt (Zeus) hóa thân thành thiên nga để quyến rũ Leda. (Leda là vợ của vua xứ Parta và là mẹ của hai cặp song sinh Castor - Pollux và Clytemnetra - Helen. Nàng Helen xinh đẹp sau này chính là nguyên nhân gây ra các cuộc chiến tranh thành Troy).
Nội dung cuốn sách được "cảnh báo" đừng cho trẻ em đọc vì chứa nội dung tục tĩu, phản cảm
Để tìm hiểu rõ hơn về Thần thoại Hy Lạp, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với thầy Trần Hinh - Chủ nhiệm Bộ môn Nghệ thuật học, khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Trong nội dung trang sách chụp lại được cho là "truyện dành cho thiếu nhi" có yếu tố khiêu dâm, tục tĩu nhưng theo chúng tôi được biết thì đây chính là nội dung trong Thần thoại Hy Lạp. Vậy theo thầy, nội dung của truyện thần thoại như vậy có bị cho là chứa nội dung tục tĩu không?
Trước tiên, cần phải khẳng định lại cho rõ rằng, đoạn văn được trích trên nằm trong hệ thống thần thoại Hy Lạp. Cụ thể, đây là phần thần thoại về các gia hệ thần.
Thần thoại Hy Lạp được chia thành 3 hệ chính như sau: Thần thoại về các gia hệ thần; Thần thoại về các thành bang; Thần thoại về các anh hùng.
Thầy Trần Hinh - Chủ nhiệm Bộ môn Nghệ thuật học, giảng viên khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. |
Đoạn văn trên kể về thần Dớt, thần của các vị thần trên đỉnh Olympus. Nếu chịu khó tìm hiểu đôi chút về thần thoại Hy Lạp, chúng ta được biết đây có lẽ là một trong những kho tàng thần thoại lớn nhất thế giới. Không những thế thần thoại Hy Lạp còn nổi tiếng về tính nhân văn, vì nó không chỉ kể về các vị thần, mà còn kể chuyện thành bang, về các vị anh hùng dưới trần. Đây là điểm khác biệt rõ nhất giữa thần thoại Hy Lạp và thần thoại của các dân tộc khác (như Ấn Độ chẳng hạn).
Đoạn văn vốn thuộc thần thoại kể về thần Dớt nhưng lại được ai đó tuyển lại trong “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú”, theo tôi là có phần tùy tiện. Bởi lẽ, thần thoại và cổ tích khác hẳn nhau. Một bên (thần thoại) hình thành ở thời điểm bình minh của con người; còn bên kia (truyện cổ tích) lại ra đời trong thời kì khi xã hội đã được phân chia thành giai cấp.
Thêm nữa, đoạn trích trên, có thể do dụng ý “câu khách” của người soạn (hay người biên dịch) đã cố tình “phóng đại” những yếu tố tục tĩu lên nên dễ bị phản ứng như vậy. Chứ nếu đặt trong văn cảnh cụ thể, Dớt là một vị thần rất “đời”, bản thân vị thần này lại có tính hơi “tự do, phóng túng” một chút, khi yêu hay thích một ai đó, ông sẵn sàng làm tất cả mọi cách để chiếm đoạt người mình yêu, thì ta thấy bình thường. Bản thân tôi nghĩ vậy!
Và chắc hẳn, Thần thoại Hy Lạp cũng không chỉ dành riêng cho lứa tuổi nào. Vì thế nên xét về một khía cạnh khác, chúng ta không thể “buộc” nó là truyện dành cho thiếu nhi được, phải không thầy?
Thần thoại Hy Lạp hay truyện cổ tích dân gian nào đó đều dành cho tất cả mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác.
Không ai người ta cấm thiếu nhi đọc truyện dân gian cả. Thậm chí loại truyện này còn hướng tới độc giả là thiếu nhi. Bởi lẽ, tất cả những gì thuộc về dân gian đều gần gũi với tư duy của con trẻ. Tuy nhiên, người tuyển chọn ngay từ đầu đã không xác định được rõ đối tượng tác phẩm lựa chọn của mình. Nó không phải là loại truyện cổ tích nguồn gốc muông thú. Nó là thần thoại về các vị thần, mà cụ thể đây là thần Dớt.
Như tôi nói ở trên, thần thoại Hy Lạp có điểm rất khác với thần thoại một số dân tộc khác là nó “rất đời”. Lẽ ra thì thần thoại chỉ kể về các vị thần, nhưng ở đây ta lại được chứng kiến những câu chuyện về thần, mà lại là một vị thần rất “lẳng lơ”. Thế thôi, chứ thực ra nó chẳng có cái gì “tục tĩu” hay “khiêu dâm” như mọi người nói cả. Và như thế nó cũng không cấm đoán độc giả là những đứa trẻ.
Dường như Thần Thoại Hy Lạp chứa nội dung khá nhạy cảm và “dữ dội” hơn với các nền văn học khác?
Không phải thế. Chúng ta nên nhớ rằng, thần thoại là một trong những sáng tác dân gian ra đời sớm nhất ở thời điểm bình minh của loài người. Thời điểm này, con người đang sống trong chế độ quần hôn, tạp hôn nên mối quan hệ giữa những người trong một gia đình như vậy, ngày nay chúng ta thường gọi là “loạn luân”.
"Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú" đã tuyển chọn nội dung một cách tùy tiện
Bất cứ một xã hội nào ở thời điểm đó cũng thế. Nhưng người Hy Lạp thì kể lại những câu chuyện này một cách rất hồn nhiên. Quả là đọc thần thoại Hy Lạp ta thấy nó khác với nhiều hệ thống thần thoại khác, nó dữ dội hơn nhưng không có nghĩa là xấu hay “nhạy cảm” gì cả.
Tôi nói ví dụ, trong hệ thống truyện về gia hệ thần Hy Lạp, có câu chuyện về thần Uranox (gia hệ thứ hai, ngọn nguồn của vũ trụ) phối hôn với mẹ là Gaia; Cronox (hệ thần thứ ba) kết hôn với chị cả Reea, cũng giống như Dớt kết hôn với Hera, người cùng gia tộc là điều bình thường…
Ăng ghen viết trong Nguồn gốc của gia đình của chế độ tư hữu và của nhà nước rằng: “Trong xã hội cộng đồng thị tộc, việc người anh trai hay em trai đối xử với chị gái hay em gái của mình như đối xử với một người vợ là một việc hợp với pháp lý”. Vậy nên chúng ta không nên quy kết mối quan hệ “lộn xộn” của các vị thần là “loạn luân”. Như thế không đúng. Cần phải đặt các câu chuyện đó vào hoàn cảnh ra đời, cũng như bối cảnh mà câu chuyện kể lại.
Trong suốt gần 40 năm nghiên cứu và giảng dạy văn học phương Tây, Thầy có thấy Văn học Hy Lạp (đặc biệt là Thần thoại Hy Lạp) có gì thú vị hơn các nền văn học khác không?
Tôi là người làm nghiên cứu và giảng dạy, nên chỉ nói những gì trong phạm vi khoa học. Và như thế, tôi cũng có quyền khẳng định lại rằng, trong kho tàng thần thoại thế giới, đúng ra chỉ có hai nền thần thoại được coi là vĩ đại nhất (cả về tính hệ thống cũng như tính nhân văn), đó là thần thoại Hy Lạp và thần thoại Ấn Độ.
Trong hai thần thoại này, thì Hy Lạp cũng nổi tiếng hơn (có lẽ vì nó đời hơn và nhân văn hơn; Ấn Độ thì nghiêng nhiều hơn về giải thích tôn giáo). Chắc chắn như thế!
Được biết, có rất nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng đã lấy ý tưởng từ Thần Thoại Hy Lạp (Cụ thể như bức họa nổi tiếng “Leda and the Swan” của Leonardo da Vinci cũng phác họa lại nội dung thần thần Zeus hóa thân thành thiên nga quyến rũ Leda – nội dung được chụp lại trong ảnh này). Phải chăng nội dung của Thần Thoại Hy Lạp một phần đã tạo nên tên tuổi của các họa sỹ nổi tiếng?
Đúng như thế, văn học cổ đại Hy Lạp nói chung và thần thoại Hy Lạp nói riêng được coi là nền văn chương mẫu mực, mà sau này rất nhiều nhà văn, nghệ sĩ thế giới học tập, bắt chước.
Ở thời đại Phục hưng (thế kỉ XV và XVI), văn học phương Tây tìm mọi cách để phục hưng lại vẻ đẹp rực rỡ của nền văn chương Hy Lạp. Thế kỉ cổ điển rực rỡ ở Pháp cũng coi văn chương cổ đại Hy Lạp, La Mã là mẫu mực trong sáng tác của mình. Thậm chí người ta giải thích chữ cổ điển (classicism) có một nghĩa là bắt chước cổ đại.
Nội dung trong trang sách đã trở thành cảm hứng cho danh họa nổi tiếng Bertalan Székely von Adámos với bức tranh "Leda và con thiên nga”
Tuyệt phẩm “Leda and the Swan” (Leda và thiên nga) của danh họa người Ý Leonardo da Vinci
Việc các họa sĩ nổi tiếng như Leonardo DaVinci vẽ nhiều bức nổi tiếng thời cổ đại cũng là rất bình thường. Có người cho rằng, nền văn chương cổ đại Hy Lạp (trong đó có thần thoại) vĩ đại đến mức, mãi sau này con người không bao giờ có thể sánh kịp.
Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều sách lậu và thường được cắt ghép các nội dung khá "nhạy cảm" của các tác phẩm nổi tiếng để biên soạn thành sách. Ví dụ như "Truyện cổ tích về các loại chim và muông thú và loại" điển hình. Thầy nghĩ sao về vấn đề này?
Thị trường sách hiện nay hết sức hỗn độn. Tôi cũng không thể nắm rõ có bao nhiêu cuốn sách được cắt xén nội dung từ những tác phẩm nổi tiếng, thậm chí là kinh điển.
Nhưng tôi nghĩ, cũng có thể với một nền văn học vĩ đại như cổ đại Hy Lạp, việc khai thác nó cho các loại hình ấn bản phẩm là bình thường. Thôi thì chúng ta cứ việc khai thác, nhưng nên nhớ, cần phải có chú dẫn rõ ràng và cần chú ý sự phù hợp với từng loại đối tượng. Chứ tôi nghĩ, một văn bản như trên mà không có sự chú giải rõ ràng, thì việc người ta hiểu lầm là một truyện kể gây “sốc” cũng là điều dễ hiểu.