Sự hồi sinh kỳ diệu của người phụ nữ nhiễm “H”

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

Người phụ nữ ấy lại mạnh mẽ đi qua nỗi đau, bình thản hơn trước những khó khăn và sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.

Hạnh phúc chưa tròn khi sinh đứa con đầu lòng, chị Phạm Thị Hiền, 35 tuổi (phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) phát hiện trong ngôi nhà nhỏ đã mang 3 bản án của căn bệnh thế kỷ. Lúc đó chị đã nghĩ “chết là hết” nhưng rồi người phụ nữ ấy lại mạnh mẽ đi qua nỗi đau, bình thản hơn trước những khó khăn và sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.

Vượt lên nỗi đau

Mấy ai có thể ngờ rằng, người phụ nữ ngoài 30 tuổi có vẻ đẹp đằm thắm và luôn nói rằng “tôi đang rất hạnh phúc” này lại trải qua những năm tháng sóng gió nhất của cuộc đời. Chị Hiền tâm sự: “Khi biết mình bị H (HIV), tôi đã có ý định buông xuôi, tuyệt vọng. Nhưng chính lúc đấy, tôi mới nhận ra được giá trị của cuộc sống, mỗi ngày trôi qua, tôi lặng lẽ, bền bỉ đấu tranh với những khó khăn, gian khổ, vươn lên làm chủ số phận”.

Sự hồi sinh kỳ diệu của người phụ nữ nhiễm “H” - 1

Người phụ nữ "hồi sinh" từ án tử.

Nhắc lại quá khứ, chị Hiền bảo, có lẽ cái khó, cái khổ đã theo chị từ ngày còn nhỏ. Chị sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Năm lên ba, mẹ chị qua đời, bố lập gia đình mới. Học đến lớp 7, Hiền nghỉ học phụ giúp gia đình công việc nhà, đi làm thuê lấy tiền nuôi các em ăn học. Một thời gian sau, Hiền theo gia đình lên Lạng Sơn làm kinh tế mới, sau khi bố mất, chị trở về Bắc Ninh sinh sống.

“Tuổi thơ cùng những tháng này cực nhọc cứ thế trôi qua, cho đến khi tôi gặp anh (chồng chị bây giờ - PV), tôi đã quyết định lấy anh dù có phải chịu bao nhiêu cực khổ nữa. Và, quả thật, vợ chồng tôi lấy nhau cuộc sống cũng không hề “sáng” hơn. Đi làm thuê cuốc mướn suốt ngày cũng chẳng đủ ăn, chỉ có giàu về tình cảm thôi, vợ chồng luôn hạnh phúc dù bữa cơm chỉ có rau...”, chị Hiền nhớ lại.

Cho đến khi người anh trai chồng qua đời, dân làng bàn tán rằng, anh này mất là do si-đa và chồng chị cũng rất có thể dính căn bệnh ấy. Chị không tin đó là sự thật, cho đến một ngày, chị đi xét nghiệm và kết quả là dương tính với HIV.

“Ngày đó, tôi vẫn chưa hiểu gì về căn bệnh này, khi cầm kết quả xét nghiệm, tôi vẫn bình thản kể lại cho chồng nghe. Anh ôm mẹ con tôi vào lòng, khóc và luôn miệng nói lời xin lỗi. Khi ấy tôi đã dần hiểu ra mọi chuyện. Một thời gian sau, con trai tôi liên tục đau ốm, chúng tôi đưa con lên Hà Nội khám. Các bác sỹ yêu cầu chúng tôi làm xét nghiệm cho cháu nhưng quả thực tôi không muốn, bởi tôi sợ khi phát hiện con trai mình cũng mang căn bệnh thế kỷ, không biết tôi phải sống làm sao.

Khi xét nghiệm ở bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, các bác sỹ chính thức thông báo gia đình nhỏ của tôi đã mang ba bản án của căn bệnh thế kỷ. Biết căn bệnh quái ác này khó có thể qua khỏi, tôi đã bế tắc, lao vào những ngày ăn chơi đập phá cho hết để chết nhưng vẫn không thể. Lúc đó, tôi mới bừng tỉnh nhận ra rằng, cuộc đời này vẫn còn ý nghĩa lắm, tôi còn nhiều thứ cần phải làm, ít nhất là vì con cái", chị Hiền nghẹn ngào chia sẻ.

Kể về cuộc đời mình, người đàn bà ấy lại nước mắt lưng tròng. Mỗi ngày trôi qua, chị đau đớn khi nhận ra da thịt mình đang bị hủy hoại. Chị càng đau hơn khi phải chịu cảnh xa lánh của dân làng, không ai gần gũi hỏi thăm bệnh tình mẹ con mình. Những khó khăn, cực nhọc ngày càng lớn, anh chị vừa phải gồng mình lên kiếm tiền nuôi con, vừa phải chịu ánh mắt miệt thị của người đời.

Những giọt nước mắt lăn dài, chị khóc không phải vì xót thương cho số phận mình, mà chị khóc để biết mình vẫn còn xúc cảm với cuộc sống này. Có lần, chị nghĩ mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, ra đi sẽ là cách tốt nhất cho cả ba người. Tuy vậy, chị nói mình chưa một lần hối hận vì đã lấy anh và cũng không oán trách bởi chị cho rằng, đó là định mệnh.

Giọt nước mắt hạnh phúc

Gạt đi những giọt nước mắt, chị tiếp tục kể về những ngày tháng sống chung với căn bệnh thế kỷ. Chị nhớ lại: "Cả nhà ai cũng lo sợ, nó giống như lưỡi hái tử thần, có thể cướp đi người thân bất cứ lúc nào, chính bản thân chúng tôi cũng ngại tiếp xúc với những người xung quanh. Giữa lúc tuyệt vọng ấy, tôi đã gặp được ân nhân, người đã thắp sáng niềm tin cho tôi. Người phụ nữ xa lạ ấy nắm lấy tay tôi mà không ngần ngại. Chị là thành viên của nhóm Vì ngày mai tươi sáng ở Hà Nội. Chị kể cho tôi nghe những vất vả, đau đớn mà chị đã từng trải qua vì căn bệnh thế kỷ. Khi ra về, chị để lại địa chỉ và dặn tôi hãy ghé thăm nhóm một lần".

Suy nghĩ về những lời chân tình của người phụ nữ xa lạ, chị quyết định đặt chân đến ngôi nhà ấy, tại đây, chị nhận được những ánh mắt cảm thông, chia sẻ. Họ cũng là những người nhiễm H, bên cạnh nhau, động viên nhau để dần lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Từ đó, chị thường xuyên đến tham gia các hoạt động của nhóm, trang bị cho mình thêm những kiến thức về phòng tránh HIV. Nhóm Vì ngày mai tươi sáng chính là ngôi nhà thứ hai, vực dậy tinh thần, đem lại niềm vui, nghị lực cho chị.

Sự hồi sinh kỳ diệu của người phụ nữ nhiễm “H” - 2

Nụ cười hạnh phúc của chị bên gia đình.

Trên gương mặt người phụ nữ mà ngày nào đã từng muốn chết, giờ đây là những giọt nước mắt hạnh phúc. Được sự động viên, quan tâm của các thành viên trong nhóm, chị dần quên đi căn bệnh thế kỷ đang mang trong người, tìm đến những người nhiễm H để an ủi, vực lại tinh thần cho họ.

Chị đã trở thành "thủ lĩnh" của nhóm Vì ngày mai tươi sáng tại Bắc Ninh, giúp nhiều người cùng cảnh ngộ vượt lên số phận để sống có ích cho xã hội. Khi bắt đầu hoạt động, nhóm gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, bởi chẳng có ai muốn cho thiên hạ biết rằng mình đang bị nhiễm H. Những người nhiễm H cho rằng mình đang ở điểm cuối của cuộc đời nên rất suy sụp về tinh thần, có những người đã lập ảnh thờ, chuẩn bị di chúc.

Những lúc như vậy, chị nhớ lại những ngày tháng tuyệt vọng của chính mình, chị chia sẻ về bản thân mình, tạo niềm tin để họ có thể bộc bạch những nỗi đau. "Khi mới tham gia hoạt động, tôi tìm đến những người nhiễm H. Nhiều người nói tôi gàn dở khi đi làm những việc mà người đời sợ hãi, nhưng tôi chỉ nghĩ một điều, mong họ sẽ giống mình, tìm lại được niềm tin trong cuộc sống", chị Hiền bộc bạch.

Trải qua những ngày tháng đớn đau, trái tim đã chai lì đi những vết thương, người phụ nữ ấy lại khát khao được sống, được cống hiến. Chị đã lấy lại được sự lạc quan, bước ra từ bóng tối và hồi sinh trở lại.

Chị tâm sự: "Cuộc đời tôi đã quá bất hạnh rồi, giờ mình không tự khẳng định được mình, vươn lên thì cả đời sẽ sống trong mặc cảm, lo âu. Tôi  không thể sống riêng cho mình, mà còn cho các con, gia đình nữa. Tôi có con bị nhiễm H, chính vì thế tôi khao khát được mang lại cho những bé bị nhiễm H có được niềm vui, chúng còn quá nhỏ để phải chịu những ánh mắt miệt thị của xã hội. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười hồn nhiên của các cháu khi được vui chơi cùng bạn bè, tôi thấy hạnh phúc vô cùng.

Có làm mới thấy mình được nhiều thứ, tôi thấy mình khỏe mạnh hơn, tự tin hơn trong cuộc sống. Và đặc biệt, tôi đã có được ba cái "lãi" lớn. Lãi lớn nhất chính là ba đứa con về sau của tôi không bị nhiễm H, sau đó là tôi lấy được niềm tin từ gia đình, chính quyền địa phương, và hơn cả chính là những nụ cười hạnh phúc của các con trong ngôi nhà của chính mình".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hằng (Đời sống & pháp luật)
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN