Sợ hãi "tài năng" của anh hùng bàn phím
Anh hùng bàn phím tỏ ra "phẫn nộ" vì nhiều ngôi sao diện đồ tiền tỷ thay vì đi từ thiện.
Hiện nay, công nghệ số phát triển, mạng xã hội là phương thức phổ biến để mọi người trao đổi và kiếm tìm thông tin nhanh chóng nhất. Bên cạnh đó, không ít hạn chế khiến người ta nghĩ mạng xã hội chẳng mấy tốt đẹp khi quá nhiều người lạm dụng để làm việc cá nhân, xấu xa, ích kỷ. Bỗng chốc, mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ cho những người giấu mặt, vô danh tiểu tốt lộng hành, tự cho mình đủ thứ quyền “làm lố”.
Họ - những anh hùng bàn phím dành hàng giờ để soi mói và chỉ trích người khác một cách vô căn cứ khi cảm thấy không vừa ý mình. Họ tỏ rõ bản lĩnh của một anh hùng ảo, đưa ra những nhận định mang tính cá nhân, chỉ trích, phản biện không thuyết phục, châm ngòi cho những cuộc tranh cãi lý “nảy lửa” trên các diễn đàn, fanpage….
"Anh hùng bàn phím" thường giấu mặt và có những phát ngôn gây sốc
Chỉ cần xuất hiện một đề tài "hot" trên mạng, các anh hùng bàn phím bắt đầu lân la vào "kiếm chuyện". Giả dụ đó là những hành động đẹp, nhận định được cộng đồng hưởng ứng, các anh hùng bàn phím bắt đầu adua vào khen không tiếc lời. Ngược lại, khi xuất hiện những hành động xấu, thiếu văn minh hay mang tính vị kỷ cá nhân… chắc chắn các anh hùng bàn phím không bỏ qua cơ hội để dìm hàng, nặng hơn “trù dập”.
Những sự kiện như hẹn hò 100k; chia tay đòi quà… là những minh chứng cho thấy có sự tham gia xoay chuyển câu chuyện từ đơn giản đến phức tạp của không ít "anh hùng giấu mặt" đằng sau những phím máy tính.
Ngay cả việc ca sĩ, người nổi tiếng hoạt động ra sao, đi từ thiện như thế nào, cũng bị không ít kẻ "ẩn danh" dò xét. Với sự săm soi nhanh nhạy của cộng đồng mạng, chỉ cần một tấm ảnh, phát ngôn không chuẩn, những người nổi tiếng sẽ vào ngay tầm ngắm của không ít "anh hùng bàn phím".
Sự xuất hiện của ngôi sao A trong một sự kiện giải trí với bộ đồ hàng hiệu trị giá cả chục ngàn USD đã được giới báo chí để ý. Khi bài viết được đăng tải chưa quá 10 phút thì đã có rất nhiều những comment chỉ trích bằng những ngôn từ sâu cay mang tính hằn học của không ít cư dân mạng.
Nhiều người đứng trên chính suy nghĩ của mình bình luận một cách thẳng thừng rằng: “tại sao với số tiền lớn như thế ngôi sao A không dành từ thiện cho các em nhỏ”; “mặc đẹp chỉ để phô trương khoe của mà không nghĩ tới người nghèo đói rách”…. Thậm chí, nhiều comment mang tính đả kích, xúc phạm đến nhân vật “người xấu diện đồ đẹp làm xấu đi bộ đồ”; “nhìn chẳng khác gì ma”…. Hầu hết, những người đọc và bình luận mang tính chỉ trích, phê phán – họ đang đứng trên góc độ cá nhân, đưa ra ý kiến cá nhân ích kỷ, hẹp hòi của mình.
Thu Minh mặc chiếc váy gần 100 triệu tới sự kiện
Và cô đã nhanh chóng "nhận được" sự chỉ trích của anh hùng bàn phím vì đã không để số tiền đó đi từ thiện
Khách quan mà nói, việc trưng diện đẹp đi dự sự kiện là đặc trưng nghề nghiệp của những ngôi sao, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Là người của công chúng nên việc xuất hiện trước công chúng với những bộ cánh lộng lẫy là điều rất đỗi bình thường. Tuy nhiên, nhiều người chỉ săm soi vào giá trị của những món đồ ấy để đem họ ra chỉ trích. Mặt khác, những ca sĩ, diễn viên để được nổi danh trong giới Showbiz và khán giả hâm mộ, họ cũng phải hoạt động tương đối nhiều. Vì thế, việc họ xài những món đồ hàng hiệu, túi xách tiền triệu cũng là điều dễ hiểu. Còn chuyện họ có dành tiền từ thiện hay không, chẳng nhẽ cứ phải loan tin trên mặt báo mọi người mới biết?
Đa số mọi người ủng hộ ý kiến của MC Kỳ Duyên
Thực tế, nhiều người nổi tiếng họ vẫn làm từ thiện trong lặng lẽ, vẫn quyên góp những món quà, những khoản tiền cho người nghèo, tham gia từ thiện cùng các fan hay các tổ chức giấu tên. Mặc dù những người ẩn danh nhận thức rõ điều đó, nhưng bản tính thích chỉ trích, gây bão đã khiến không ít ngôi sao điêu đứng trước truyền thông và cộng đồng mạng.
Bức xúc trước thói quen chỉ trích của cư dân mạng, đặc biệt là các anh hùng bàn phím về nghệ sĩ, nữ MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên từng có những chia sẻ hết sức sắc bén trên trang cá nhân của mình. Cô nói thẳng suy nghĩ của mình về thói quen soi mói đời tư và thiếu tôn trọng nghệ sĩ của nhiều bạn trẻ Việt hiện nay. Những suy nghĩ này đã nhận được nhiều tán thành của đồng nghiệp và nhiều cư dân mạng. Bên cạnh đó, MC Kỳ Duyên nhận không ít chỉ trích phản biện từ những anh hùng bàn phím cho rằng cô đang bôi nhọ văn hóa Việt.
Xét ra một góc độ về văn hóa nhận thức, những người ẩn danh trên thế giới ảo hàng giờ bấm nút “đăng tải” hàng ngàn bình luận miệt thị, chê bai dưới góc nhìn thiển cận đang phô bày sự thiếu văn hóa chốn công cộng. Họ cho rằng, việc ẩn danh thì có thể "tự do ngôn luận" nên không ai có thể biết được họ là ai, đến từ đâu...
Tuy nhiên, việc đưa ra những lời nói, câu chữ chính là thước đo văn hóa và học thức trước cộng đồng. Đó là những hành vi kém văn hóa mà điển hình nhất là thói a dua, a tòng; thói thích bình phẩm, quy chụp, dè bỉu người khác khi bản thân mình chưa hề hiểu rõ bản chất sự việc; thói GATO (ghen ăn tức ở) và cả thói phóng đại bông đùa không chuẩn mực - mặt trái của con người mẫu mực.
Nói một cách thẳng thắn, những anh hùng bàn phím – những con người rỗi việc, chỉ dành thời gian để săm soi, bới móc. Tại sao các bạn không dùng chính thời gian đó của mình để làm những công việc hữu ích hơn, tham gia vào các tổ chức tình nguyện hay làm thêm kiếm tiền để giúp đỡ người nghèo.? Các bạn chỉ tung ra những chiêu “võ suông”, giết thời gian trên mạng ảo, bôi nhọ danh dự của người khác với văn hóa nền thủng lỗ chỗ, kiến thức kém cỏi, thái độ thiếu chín chắn.... vô tình các bạn đã hình thành cho mình thói vô trách nhiệm trong phát ngôn, căn nguyên của vô vàn những hành vi kém văn hóa trên mạng xã hội ngày hôm nay.
Xem thêm các bài viết liên quan: