Sợ "điếc", bố mẹ xúi con "ăn cơm trước kẻng"
Chuyện tưởng như “ngược đời” này lại đang trở nên quá đỗi bình thường trong cuộc sống.
Từ chỗ bị coi là việc làm suy đồi đạo đức, giờ đây “ăn cơm trước kẻng” lại được một số bạn trẻ chấp nhận như một chuyện hiển nhiên. Ngay cả các bậc phụ huynh vốn là người rất khắt khe cũng đã dần có quan niệm cởi mở hơn trong chuyện quan hệ nam nữ của con cái. Bởi vậy mới có chuyện “ngược đời” xảy ra: “Bố mẹ xúi con ăn cơm trước kẻng”.
Quan niệm về "ăn cơm trước kẻng" của một số bậc phụ huynh ngày càng cởi mở hơn (ảnh minh họa)
“Điện nước đầy đủ” mới cho cưới
Ở cả các vùng quê, những người dân được cho là vẫn giữ tư tưởng cũ cũng không còn quá khắt khe trong chuyện "ăn cơm trước kẻng". Các bậc cha mẹ xem chuyện con dâu tương lai có bầu trước khi cưới là chuyện vui đáng ăn mừng. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn yêu cầu con trai, con dâu phải có em bé trước rồi mới được đăng ký kết hôn.
Khi cậu con trai 30 tuổi nói đến chuyện cưới xin, bà Chỉ (57 tuổi, Vĩnh Phúc) rất bất ngờ. Bà càng ngỡ ngàng hơn khi biết, con dâu tương lai của mình đã có bầu 3 tháng. Chưa cần biết mặt mũi con dâu ra sao, gia đình thế nào, bà gật đầu cái rụp chỉ bởi mơ ước được bế cháu sắp thành.
Ngày đi mời đám cưới, đến nhà ai bà cũng khoe lấy khoe để con trai dắt được "cả trâu lẫn nghé" về nhà. Thấy có người mách chuyện dân làng kháo nhau con trai nhà trưởng thôn “ăn cơm trước kẻng” (chồng bà là trưởng thôn) bà nói ầm lên: “Tôi chả quan tâm trưởng thôn, trưởng xã gì sất, cứ có cháu bế là tôi mừng”.
Bà Chỉ giãi bày: “Nhà có mỗi thằng con trai mà đến 30 tuổi nó vẫn chưa ấm ớ gì chuyện vợ con ai mà không lo. Tôi còn tưởng nó ở vậy luôn. Đùng cái, nó bảo con muốn cưới vợ, vợ con mang bầu, mừng quá ấy chớ. Quê tôi, theo lệ làng, lúc ăn hỏi nhà trai đem 20 triệu lên nhà gái xin dâu. Riêng tôi, gửi hẳn nhà họ 25 triệu cho con dâu may quần áo bầu bí”.
Làng trên xóm dưới biết chuyện, ban đầu mọi người cũng nói ra nói vào nhưng rồi đều tặc lưỡi: “Thời giờ nó vậy, có trước càng mừng”.
Ấy vậy mà không ít người cũng muốn được “ở cái thế đã rồi”, “con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy” như bà Chỉ. Một số ông bố bà mẹ còn giục lấy giục để con trai và người yêu có bầu sớm để làm đám cưới.
Bà Xuyên luôn mong muốn con trai có thể dẫn cả "trâu lẫn nghé" về nhà (ảnh minh họa)
Nhà bà Xuyên (54 tuổi, Vĩnh Phúc) là một ví dụ. Bà có hai cậu con trai một người 32 tuổi đã lấy vợ 4 năm và một người năm nay tròn 27 tuổi.
Cậu con trai thứ hai đã dẫn người yêu về ra mắt nhiều lần nhưng cứ hễ nhắc đến chuyện cưới xin là bà lại ậm ừ. Số là bà mong con trai và con dâu tương lai “thử trước” để không phải rơi vào hoàn cảnh muộn con như anh trai.
“Thằng cả nhà tôi cưới 4 năm rồi chưa có con, chạy chữa hết nơi này, nơi nọ vẫn không được. Tôi buồn không có cháu bế đã đành, chúng nó mà cứ muộn con thêm nữa thì hôn nhân cũng khó mà giữ. Còn thằng con trai thứ hai, tôi mong nó bầu bí đi rồi cưới cho chắc. Kẻo sau này cưới nhau về lại khó khăn chuyện con cái thì khổ đủ đường”, bà Xuyên kể lể.
Ấy vậy nhưng không phải muốn là được, con dâu tương lai của bà nhất quyết từ chối “ăn cơm trước kẻng”. Riêng bà vẫn giữ quan điểm “cứ thử xong rồi cưới vẫn chưa muộn”. Thế nên, dù yêu nhau được 3 năm nhưng họ vẫn chưa được “về chung một nhà”.
Nhà gái cũng muốn “thử” trước
Con gái vốn được xem là người chịu thiệt thòi hơn khi “ăn cơm trước kẻng” bởi nếu không thể đến với nhau, họ sẽ bị soi mói chuyện trinh tiết. Thế nhưng, không vì điều đó mà các phụ huynh của họ không dám yêu cầu “thử” trước để “kiểm tra” chàng rể tương lai.
Chị Liên (24 tuổi, Thái Nguyên) là con gái trong một gia đình khá giả. Bố mẹ cô đều có tư tưởng thoáng về chuyện quan hệ nam nữ nên từ trước đến giờ, cô khá thoải mái trong chuyện yêu đương.
Ngay cả các bậc cha mẹ có con gái coi "ăn cơm trước kẻng" là giải pháp chắc ăn (ảnh minh họa)
Yêu nhiều người nhưng đến chàng trai hiện tại, Liên mới dẫn về nhà ra mắt. Người yêu Liên có dáng vẻ thư sinh, cử chỉ khá bẽn lẽn… nhưng chính những thứ đó lại thu hút một cô gái có cá tính và khá ngỗ ngược như cô.
Thế nhưng, với mẹ Liên thì đây lại là cả một mối lo. Bà xem xét điệu bộ, cử chỉ của chàng rể tương lai rồi đâm nghi vấn không biết là “trai cong” hay “trai thẳng”.
Bà thủ thỉ, dặn dò cô con gái, phải thử ngay kẻo lỡ lấy phải “trai cong” thì khổ. Liên không tỏ ra bất ngờ nhưng bức xúc bởi mẹ không tin tưởng vào sự lựa chọn của mình.
Chuyện cha mẹ xúi con “ăn cơm trước kẻng” không còn lạ. Tuy vậy, liệu đó có thực sự là “giải pháp chắc ăn” và là cách tốt nhất để có cuộc hôn nhân hạnh phúc hay không thì không ai có thể dám chắc.